fbpx
Home Tin tuyển sinh Bộ GD-ĐT trả lời về sự ‘vênh nhau’ của các mã đề thi

Bộ GD-ĐT trả lời về sự ‘vênh nhau’ của các mã đề thi

0

Theo Bộ GD-ĐT, muốn biết độ khó các mã đề có đúng là vênh nhau không, thì phải chờ đến khi có kết quả, nên nhận định vào thời điểm này chỉ là cảm nhận chủ quan.

Trước những phản ánh việc dư luận cho rằng các mã đề thi không thực sự có độ khó tương đương, ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho rằng, đó chỉ là những cảm nhận chủ quan. Theo lý thuyết khảo thí hiện đại của khoa học đo lường đánh giá thì người ta tính được độ khó của cả bài thi, có thể so sánh được các bài thi đó với nhau. Nhưng chỉ khi phân tích điểm trung bình của các mã đề thi này, chúng ta mới chứng minh được các đề này có độ khó dễ như thế nào.

Hơn nữa, đã nói độ khó của đề thi tương đương nhau thì phải so sánh cả đề thi với nhau. Còn so sánh một câu này với một câu kia thì sự so sánh đó tương đối khập khiễng. “Phải làm toàn bộ cả đề thi thì mới biết độ khó của từng đề thi là như thế nào”, ông Hồng nói.

Đảo câu theo nhóm, không đảo trong cả đề

Trước ý kiến phản ánh thực tế các mã đề thi không hẳn được sắp xếp các câu hỏi theo trình tự từ dễ đến khó như Bộ GD- ĐT đã tuyên bố, chẳng hạn có những câu ở vị trí 1 trong mã đề này nhưng lại ở vị trí 10 trong mã đề kia, ông Hồng cho rằng cần phải hiểu từ dễ đến khó là theo “khối” (nhóm), chứ không phải theo từng câu một.

Ông Hồng giải thích: “Một đề thi sẽ được phân thành 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Mỗi cấp độ được xem là một khối. Vị trí các câu hỏi chỉ đảo trong một khối. Ví dụ, có 10 câu trong khối nhận biết thì vị trí 10 câu này được đảo. Không có việc cùng một câu hỏi đó mà ở đề thi này nằm ở vị trí 10, đề thi khác nằm ở vị trí 40. Câu hỏi ở cấp độ 4 nằm ở những câu hỏi cuối của đề thi, nếu có đảo thì chỉ đảo ở phạm vi cấp độ đó thôi”.

Ông Hồng cũng cho biết, trong kỳ thi vừa qua, các đề thi trắc nghiệm nghiệm khách quan có 24 mã đề thi trên cơ sở đảo các câu hỏi khác nhau (theo từng khối) từ 4 đề gốc.

Trước ý kiến phàn nàn rằng có những mã đề mà phần khó (để phân loại thí sinh), các đáp án đúng tập trung vào 1 phương án, vì thế nếu thí sinh đánh bừa vào một loại phương án, thì khả năng may mắn của các em khá cao, ông Hồng trả lời: “Phần bố trí đáp án, cái này do phần mềm tự trộn, tự tạo ra đáp án. Mỗi một mã đề thì có số lượng đáp án rơi vào các vị trí khác nhau. Tôi sẽ kiểm tra lại phần mềm”.
Áp dụng công nghệ Mỹ để xây dựng ngân hàng câu hỏi
Theo ông Hồng, đây là năm đầu tiên chúng ta đổi mới công tác xây dựng đề thi theo chuẩn quốc tế. Từ trước đến nay, dẫu là có thi trắc nghiệm nhưng chúng ta chưa xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo phương thức chuẩn hóa, mà các kỳ thi chuẩn hóa quốc tế như SAT, ACT,… đang thực hiện.

Năm nay, để xây dựng đề thi chính thức cho kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ chủ trương xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa sẽ khác biệt với việc làm đề (các môn trắc nghiệm) những năm trước là tất cả những câu hỏi này được thử nghiệm với chính các em học sinh lớp 12. “Trong quá trình thử nghiệm đó mà biết được các câu hỏi có độ khó dễ thế nào, chứ không phải qua sự cảm nhận của người đọc. Từ tháng 3 đến tháng 5, Cục đã chọn mẫu trên 50 trường mang tính đại diện, với khoảng 20.000 học sinh lớp 12, tiếp tục làm công đoạn thứ hai là chuẩn hóa độ cân bằng độ khó giữa các đề thi”, ông Hồng nói.
Ông Hồng cũng cho biết: “Chúng tôi hiện áp dụng công nghệ xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa theo công nghệ của Mỹ để xây dựng các câu hỏi thi. Trong quá trình xây dựng đó, các câu hỏi này được thử nghiệm (2 bước như đã nói). Thử nghiệm xong, trên cơ sở đó, các hội đồng đề rút câu hỏi ra theo ma trận đề thi, tạo ra các mã đề thi khác nhau”.

Theo Thanh niên

Comments

comments