Đề bài: Bình giảng đoạn thơ sau trong bài “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm:
“Đêm buông xuống dòng sông Đuống
(…) Những chuyện muôn đời không nói năng”.
Bài làm
Tháng 4.1948, tại chiến khu Việt Bắc, Hoàng Cầm viết “Bên kia sông Đuống”, là một kiệt tác của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Giai điệu thiết tha của dân ca Quan họ thấm vào từng vần thơ. Lòng nhớ tiếc xót xa quê hương bị giặc giày xéo, lòng uất hận căm thù giặc bùng cháy, niềm tin dào dạt vào một ngày mai chiến thắng, quê hương trở lại thanh bình đã được thể hiện một cách cảm động.
Đoạn thơ dưới đây trích trong phần 3 bài thơ ghi lại cảnh mẹ già trong vùng địch hậu đón bộ đội về giải phóng quê hương. Đoạn thơ được viết dưới hình thức đối thoại rất gợi cảm:
“Đêm buông xuống dòng sông Đuống
…
Những chuyện muôn đời không nói năng”.
Trong bài thơ, 12 lần Hoàng Cầm nhắc đến dòng sông Đuống yêu thương. Đây là lần thứ 9, sông Đuống hiện ra trong một thời điểm đáng nhớ:
“Đêm buông xuống dòng sông Đuống”.
Đã mấy năm dài “giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn”, quê hương ta điêu tàn, tan tóc: “Ruộng ta khô – Nhà ta cháy …”. Bao nước mắt và máu đã đổ xuống! Bao thịt nát, xương tan… Bao tháng ngày, mẹ già vùng địch tạm chiếm khắc khoải chờ mong. Đêm này, khi màn đêm “buông xuống”, màn đêm bí mật bao phủ dòng sông Đuống thì “bộ đội bên sông đã trở về”. Mẹ già gặp lại đàn con xa. Câu thơ gồm từng âm, từng tiếng nối tiếp xuất hiện gợi tả màn đêm từ từ, nhẹ nhàng buông xuống. Một không khí bí mật bao trùm dòng sông. Các láy âm: “buông – xuống – Đuống” rất gợi, gợi không khí, một đêm địch hậu có bộ đội vượt sông trở về. Đó là một “đêm lịch sử” chờ mong của mẹ già.
Hai câu hỏi của mẹ già nối tiếp xuất hiện. Phút đầu gặp gỡ bộ đội, những đứa con xa. Ngạc nhiên và xúc động. Câu hỏi ngắn. Chữ “con” nhiều ấm áp, tin cậy và yêu thương:
“- Con là ai? Con ở đâu về?”
Sau lời nói như nghẹn lại, là những giọt lệ mừng vui. Cử chỉ mẹ già run run: “Hé một cánh liếp”. Đúng là “Nhà lá đơn sơ – Nhưng tấm lòng rộng mở…” (“Bao giờ trở lại” – Hoàng Trung Thông). Không gian bé nhỏ mà lòng mẹ thì mênh mông, bao la:
“-Con vào đây bốn phía tường che”…
Một chữ “che” ấp ủ biết bao tình thương của bà mẹ, của đồng bào vùng địch hậu. Một tấm liếp mỏng manh mà vững chắc hơn cả thành đồng vách sắt. Bộ đội đánh giặc vì nước vì dân. Đồng bào đùm bọc, chở che bộ đội. Bộ đội sống trong lòng nhân dân. Các từ ngữ: “bốn phía”, “che”, và lời chào mời: “Con vào đây” đã thể hiện một cách sâu sắc cảm động tình thương, sự đùm bọc chở che của mẹ già, của đồng bào đối với bộ đội thời kháng chiến. Tình quân dân như cá với nước là thế! Tác giả đã tạo nên một tình huống gặp gỡ, gợi lên một không khí vừa bí mật, vừa thiêng liêng. Cảnh mẹ già vùng giặc chiếm gặp bộ đội trong màn đêm, mà người đọc cảm thấy sự việc đang diễn ra trước mắt mình, mình đang được chứng kiến.
Sau ngôn ngữ, cử chỉ của mẹ già, Hoàng Cầm sáng tạo nên một số hình ảnh hoán dụ, tương phản và so sánh rất đặc sắc: “tình mẹ”, “khuôn mặt”, “tóc trắng”, “lửa đèn leo lét”, “như dựng trăng”. Một cảnh sống âm thầm, đen tối, đau khổ trong “lửa đèn leo lét” nhưng vẫn “soi tình mẹ”. Tình mẹ là lòng yêu nước, là tình thương bộ đội. Thủ pháp tương phản của Hoàng Cầm đã sáng tạo nên một câu thơ có hình ảnh đẹp, làm sáng bừng lên tình mẹ, lòng mẹ Việt Nam: “Lửa đèn leo lét soi tình mẹ”. Tình mẹ, lòng mẹ mênh mông:
“Nơi hầm tối là nơi sáng nhất
Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam”.
(“Đất nước quê ta mênh mông” – Dương Hương Ly)
Câu thơ “khuôn mặt bừng lên như dựng trăng” có hình ảnh so sánh đẹp. “Dựng trăng” là cảnh trăng mọc, trăng lên, cảnh vật nơi nơi trên mặt đất, trên làng quê đều sáng bừng lên. Trăng lên xua tan màn đêm bóng tối, đem lại ánh sáng cho núi sông, làng quê. Cũng như bộ đội vượt sông Đuống trở về đánh giặc để xua tan, quét sạchbóng thù hắc ám. Gặp bộ đội về làng, mẹ vui sướng, gương mặt mẹ rạng rỡ “bừng lên như dựng trăng”. Mẹ già như được hồi sinh trong sự hồi sinh của quê hương đất nước.
Có biết bao nỗi đau như nén lại trong lòng mẹ. “Không nói năng”, mẹ già vùng địch hậu không nói nên lời. Mái “tóc trắng” là hiện thân của tủi nhục, của mất mát đau thương mà mẹ già đã phải chịu đựng trong những ngày tháng “khủng khiếp”. Chữ “kể” rất đắt. “Kể” bằng “tóc trắng” của mẹ. “Kể” bằng nỗi “ngậm ngùi” của mẹ mà đứa con xa thấu hiểu:
“Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể,
Những chuyện muôn đời không nói năng”.
Dùng hình ảnh để gợi tả nội tâm, gợi tả lòng mẹ là một cách viết hình tượng biểu cảm thể hiện bút pháp nghệ thuật tài hoa của thi sĩ Hoàng Cầm.
Trong bài thơ “Bên kia sông Đuống”, ba lần nhà thơ nói đến hình ảnh người mẹ đang sống trong vùng giặc chiếm đóng. Đoạn thơ trên đây nói đến hình ảnh mẹ lần thứ hai. Hình ảnh người mẹ già được nhắc đến trong đoạn thơ tượng trưng cho những mất mát, đau thương trong thời chiến tranh. Các hình ảnh hoán dụ như: “cánh liếp”, “tường che”, “lửa đèn”, “tình mẹ”, “khuôn mặt”, “tóc trắng”, cho thấy một lối viết rất gợi, cảm xúc như nén lại biểu hiện sâu sắc bi kịch quê hương thời chiến tranh và lòng mẹ Việt Nam.
Tưởng tượng là một nhân tố làm nên vẻ đẹp thi ca. Năm 1948, chưa thể có cảnh tượng hào hùng “Bộ đội bên sông đã trở về”. Chỉ là dự cảm, dự báo mang sắc màu lãng mạn đẹp. Qua đó, ta thấy sự tưởng tượng phong phú bay bổng của Hoàng Cầm đã sáng tạo nên một đoạn thơ mang tình huống cảm động. Hoàng Cầm là thi sĩ viết kịch thơ rất tài hoa, độc đáo (Hận Nam Quan, Trương Chi,…). Bút pháp nghệ thuật ấy đã in đậm qua đoạn thơ này. Niềm vui của mẹ già trong vùng địch hậu đón bộ đội về đánh giặc mang ý nghĩa sự hồi sinh của quê hương trong chiến đấu và chiến thắng.