fbpx
Home Tài liệu luyện thi Môn Văn Bình giảng bài thơ “Nhớ cảnh Hàm Rồng” (Tản Đà)

Bình giảng bài thơ “Nhớ cảnh Hàm Rồng” (Tản Đà)

0

Đề bài: Bình giảng bài thơ “Nhớ cảnh Hàm Rồng” của Tản Đà.

Bài làm

Trong bài “Thú ăn chơi”, Tản Đà có viết:

“Túi thơ đẹo khắp ba kì,

Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng”.

Thi sĩ đã từng lên rừng xuống biển, vào Nam ra Bắc, thoả chí bình sinh “Nước non đưa đón khắp hầu gần xạ”. Lúc thì lặn lội “Chơi Hòa Bình”, “Chơi chùa Hương Tích”. Hôm thì ra Hòn Gái thưởng thức số huyết, đến Đồng Sành, Hải Phòng ăn cá đối đặc sản, để thêm thấm thía vị đời và câu tục ngữ: “Bán ruộng đầu bầu để ăn đẩu cá đối”. Khi thì vượt Hoành Sơn vào “chơi Huế”, đến tận Sài Gòn, Chợ Lớn đi xe song mã, nếm vị cá tra, nhắp chén trà Nhất Thỉên. Ở đâu có cảnh đẹp là ông lần tới thăm thú, đề thơ:

“Trăm năm hai chữ Tản Đà,

Còn sông còn núi còn là ăn chơi”.

Riêng về Hàm Rồng tỉnh Thanh Hoá, Tản Đà có hai bài thơ lục bát nói đến. Bài thứ nhất có nhan đề “Qua cầu Hàm Rồng hứng bút” đăng ở “An Nam tạp chí” số 33, năm 1932. Một tình thơ “vãng lai” quyến luyến:

“Hôm xưa chơi ở Dương Quỳ,

Trắng phau ngựa trắng, xanh rì rừng xanh.

Hàm Rồng nay lại qua Thanh,

Dưới cầu nước biếc in hình thi nhân.

Người đâu sương tuyết phong trần,

Non xanh nước biếc bao lần vãng lai…”.

“Nhớ cảnh Hàm Rồng” là bài thơ thứ hai cũng đăng trên “An Nam tạp chí” vào năm 1933, gồm có 23 câu thơ lục bát. Bài thơ nói lên nỗi nhớ khôn khuây Hàm Rồng.

Bốn câu thơ đầu diễn tả nỗi nhớ “ai xui”. Ở tận Sơn Tây xa cách mà nhớ. “Muốn trông chẳng thấy” mà nhớ. Có đa tình, yêu nhiều, gắn bó lắm mới có nỗi nhớ da diết ấy:

“Ai xui ta nhớ Hàm Rồng,

Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây.

Từ ta trở lại Sơn Tây

Con đường Nam, Bắc ít ngày vãng lai”.

Giọng thơ nhẹ, man mác, chơi vơi. Hàm Rồng đối với Tản Đà như một tình nhân xa vắng, như một cố nhân cách biệt để lại bao nỗi nhớ, bao tình tương tư đầy vơi.

Đoạn hai có 12 câu thơ nói lên một cách cụ thể bao nỗi nhớ, bao nỗi ước mong. Hàng loạt hình ảnh gợi tả cảnh Hàm Rồng hiện lên trong tâm trí Tản Đà. Là màu sơn “đỏ” của cầu, là màu “xanh” của núi (Ngọc Sơn), là chiều “dài” là độ “sâu” của dòng sông Mã hùng vĩ. Là cảnh nhộn nhịp “buông câu” của những con thuyền đánh cá. Là hình bóng xe lửa Bắc – Nam, chạy qua chạy lại trên cầu:

“Sơn cầu gòn đỏ chưa phai ?

Non xanh con đối, sông dài còn sâu ?

Còn thuyền đánh cá buông câu

Còn xe lửa chạy trên cầu như xưa.”

Bốn câu hỏi tu từ nối tiếp, kết hợp với các điệp ngữ: “còn đỏ”, “còn đối”, “còn sâu”, “còn thuyền đánh cá…”, “còn xe lửa chạy…” đã gợi tả một cách thiết tha, vương vấn bao day dứt, bao băn khoăn trong lòng về cảnh sắc Hàm Rồng mà biết ngỏ cùng ai. Cảnh Hàm Rồng đã in sâu trong tâm hồn khách giang hồ. Cảnh Hàm Rồng đã trở thành một mảnh tâm hồn của tài tử đa tình. Vì nhớ lắm, thương nhiều nên mới có tâm trạng và nỗi niềm ấy.

Thương nhớ đầy vơi, biết hỏi ai, biết nhờ ai, biết “lấy ai” tới xứ Thanh mà “viếng cảnh”. Thi sĩ tự hỏi mình, trong bao năm tháng xa cách, không biết cảnh Hàm Rồng “có đợi chờ” để “cùng nhau” tâm sự giãi bày. Hàm Rồng được nhân hoá như một tình nhân, một cố nhân mang tình sâu nghĩa nặng:

“Lấy ai viếng cảnh bây giờ

Mà hay cảnh có đợi chờ cùng nhau!”

Chỉ còn biết thổ lộ niềm ước mong của mình, “ước sao” cảnh Hàm Rồng không biến đổi trong dòng chảy thời gian, trong bể dâu cuộc đời. Sông Mã “cứ còn sâu”. Núi Ngọc Sơn “còn cứ giữ màu xanh xanh”. Cầu Hàm Rồng “còn cứ như tranh” bền đẹp mãi mãi. Cuộc sống vẫn nhộn nhịp. Trên cầu, dưới sông, nhịp sống vẫn cứ náo nức, đầy sức tươi trẻ:

“Khung cầu còn cứ như tranh

Hoả xa cứ chạy, bộ hành cứ đi.

Xuân sang cỏ cứ xanh rì,

Thuyền ai chài lưới con chì cứ tung”.

Chữ “cứ” được nhắc đi nhắc lại 7 lần đã nhấn mạnh lời cầu mong về sự bển vững của cảnh Hàm Rồng: hữu tình, xinh đẹp, nên thơ. Có yêu thương, quý mến Hàm Rồng nồng nàn, da diết mới có niềm mong ước ấy.

Bảy câu cuối bài thơ là lời ước hẹn, tái ngộ tương phùng. Hẹn Hàm Rồng, nhắc nhở Hàm Rồng “đợi ta”, hãy “giữ nguyên phong cảnh”. Thần Núi, Thần Sông cỏ “hay cùng”, có thấu chăng nỗi lòng thương nhớ. Một tứ thơ lãng mạn bay bổng:

“Sơn Tinh, Hà Bá hay cùng?

Giữ nguyên phong cảnh Hàm Rồng đợi ta!”

Chỉ có thi sĩ đa tài từng được “hầu Trời”, được đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe mới có vần thơ, tứ thơ độc đáo ấy. Một tình nghĩa thủy chung, son sắt, đinh ninh: “Có ngày xe lửa đi qua – Trong xe lại có Tản Đà đứng trông”. Các từ ngữ: “lại có”, “lại vui”, “tương phùng” khẳng định niềm tin của lời hẹn ước.

Khép lại bài thơ lục bát lại là một câu lục. Chữ “nhắn” được láy lại 3 lần. Tình cố tri hướng về non, nước, cầu, là những cảnh cũ tình xưa từng “để thương, để nhớ, để sầu cho ai” (Ca dao):

“Nhắn non, nhắn nước, nhắn cầu.”

Điệu tâm tình thương nhớ nén chặt trong lòng bấy lâu bỗng bất ngờ rung lên, thốt lên.

“Nhớ cảnh Hàm Rồng” biểu hiện bao xúc cảm trữ tình thương nhớ, ước hẹn dạt dào trong tâm hồn khách giang hồ, tài tử phong lưu, đa tình. Nhớ Hàm Rồng là nhớ xứ Thanh với tất cả tình non nước.

Bài thơ lục bát này, từ giọng điệu ngôn từ, hình ảnh đến cách thể hiện nỗi nhớ, niềm mong, tình hẹn ước đều cho thấy một bút pháp nghệ thuật độc đáo, điêu luyện. Đại từ “ai” nhân xưng phiếm chỉ trong “ai xui”, “lấy ai”, “thuyền ai” gợi lên một trời thương nhớ, man mác bâng khuâng. Chữ “còn” được điệp lại 9 lần; chữ “cứ” được láy lại 7 lần diễn tả cảm xúc thương nhớ lúc thì nén lại, lúc thì trào dâng, triền miên, da diết. Các tiểu đối làm cho câu thơ cân xứng, nhịp điệu hài hoà, trầm bổng du dương, thiết tha. Lời thơ trong sáng, mượt mà: “muốn trông / chẳng thấy “, “non xanh còn đối/ sông dài còn sâu”, “hoả xa cứ chạy / bộ hành cứ đi”, “cùng núi /cùng sông”, “người xưa / cảnh cũ”, “nhắn non / nhắn nước / nhắn cầu”.

“Nhớ cảnh Hàm Rồng” là bài thơ lục bát kiệt tác, thể hiện hồn thơ lãng mạn, tài hoa, đa tình của Tản Đà thi sĩ. Nó là bài ca quê hương, thắm tình non nước.

Comments

comments