fbpx
Home Bộ đề luyện thi THPT Quốc gia Môn Sử Bí quyết ôn thi THPT quốc gia: Để thi môn lịch sử đạt điểm cao

Bí quyết ôn thi THPT quốc gia: Để thi môn lịch sử đạt điểm cao

0

Với môn lịch sử, học sinh nên tập trung vào toàn bộ chương trình lịch sử 12 gồm 2 phần: Lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam

Phần sử thế giới, học sinh cần nắm chắc 6 vấn đề lớn, đặc biệt những vấn đề mang tính thời sự, khi ôn tập luôn cập nhật thông tin qua báo, đài. Ví dụ khi học Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu, vấn đề toàn cầu hóa…, các em sẽ vận dụng những kiến thức cơ bản để giải quyết vấn đề thực tế hiện nay như chủ quyền biển đảo, quan hệ Việt Nam với Liên minh châu Âu, vấn đề toàn cầu hóa hiện nay đối với tất cả quốc gia dân tộc về vấn đề kinh tế, tài chính, môi trường, chủ quyền dân tộc; chính sách đối ngoại của Mỹ, Nhật Bản và các nước Tây Âu…

Học sinh cần nắm chắc 2 thời kỳ của lịch sử thế giới: Thời kỳ thế giới trong chiến tranh lạnh (1945-1991) và trật tự hai cực Ianta sụp đổ, trật tự thế giới mới hình thành theo hướng “đa cực” (1991-2000); nắm chắc nội dung chủ yếu của mỗi thời kỳ lịch sử.

Bí quyết ôn thi THPT quốc gia:  Để thi môn lịch sử đạt điểm cao - 1

Học sinh Trường THPT Marie Curie, TP HCM ôn tập môn lịch sử Ảnh: Tấn Thạnh

Phần sử Việt Nam, học sinh lưu ý ôn theo chiều dọc (theo thứ tự 5 thời kỳ lịch sử), nắm chắc mốc chia 5 thời kỳ lịch sử một cách hệ thống, nắm chắc mỗi thời kỳ lịch sử gồm có nội dung nào là cơ bản cho thời kỳ đó. Ví dụ: thời kỳ thứ nhất từ năm 1919-1930 có những mốc chính cần ghi nhớ: phong trào đấu tranh của giai cấp tư sản và giai cấp tiểu tư sản; năm 1925, thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên; năm 1929, thành lập 3 tổ chức cộng sản; năm 1930, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam…

Khi ôn tập theo chiều dọc, các em vẽ sơ đồ tư duy logic. Vì kiến thức giữa các bài, các chương có liên quan với nhau.

Ngoài ra, học sinh có thể ôn theo chủ đề (chiều ngang): Sau khi nắm chắc 5 thời kỳ lịch sử (từng bài, từng chương), những kiến thức liên bài, liên chương một cách có hệ thống, các em sẽ ôn theo chủ đề chính xuyên suốt toàn bộ quá trình lịch sử Việt Nam. Ví dụ: Chủ đề về phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam (1919-1930) đi theo khuynh hướng dân chủ tư sản và khuynh hướng vô sản, các hội nghị, đại hội của Đảng, đấu tranh ngoại giao trong cách mạng Việt Nam (1945-1975), các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), các chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)…

Khi ôn theo chủ đề, các em cần lưu ý: phải nắm chắc từng chủ đề, nắm chắc nội dung cơ bản của từng chủ đề một cách logic, tuyệt đối không học tủ, học lệch, học thuộc lòng.

Để làm bài thi đạt điểm cao, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản để giải quyết tốt những yêu cầu của đề. Giải quyết tốt các dạng đề: mang tính khái quát, nhận xét, nhận biết (mở từ khóa), nhận định, so sánh và đề mang tính thời sự… Ví dụ, dạng đề mang tính thời sự: Hiện nay ASEAN cần làm gì để bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực? Dạng đề này, khi học về tổ chức ASEAN, học sinh dùng kiến thức lịch sử để giải quyết vấn đề thời sự (dựa vào nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên Hiệp Quốc và nguyên tắc hoạt động của tổ chức ASEAN), thấy rõ hành động vi phạm của Trung Quốc, từ đó nêu rõ trách nhiệm chung của 10 nước ASEAN, lên án hành động của Trung Quốc…

Nguyễn Thị Mùi (Trung tâm Luyện thi ĐH Vĩnh Viễn)

Theo PV (Người lao động)

Comments

comments