Bài Nghị luận văn học là phần không quá khó đối với học sinh, vì những bài văn này thường được rèn luyện nhiều nhất trong suốt ba năm phổ thông trung học. Thầy Trần Hinh, khoa Văn học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH QGHN sẽ đi sâu hướng dẫn chi tiết cách làm một bài văn cụ thể thuộc dạng câu hỏi này.
Tuy nhiên, để giúp học sinh nắm được những vấn đề khái quát trước khi đi vào phần cụ thể, chi tiết, chúng tôi sẽ giới thiệu dưới đây những khả năng trong tình huống ra đề, cách nhận biết yêu cầu cụ thể của đề, các nhóm chủ đề trong phần tác phẩm hạn chế thi.
Câu nghị luận văn học quan trọng nhất không chỉ vì nó chiếm một nửa tổng số điểm, mà còn vì đây là câu có dung lượng lớn nhất trong đề để thí sinh bộc lộ khả năng viết một bài văn nghị luận văn học của mình. Với câu hỏi này, trước khi làm bài, thí sinh phải dành thời gian phân tích, suy xét thật rõ ràng yêu cầu cụ thể của đề ra là gì? Đề ra yêu cầu phân tích, bình giảng, bình luận, chứng minh hay giải thích?
Kinh nghiệm nhiều năm qua của chúng tôi khi tiếp xúc với học sinh cho biết rằng, không ít học sinh đã bỏ quá nhiều thời gian cho khâu này. Theo chúng tôi, không nên quá băn khoăn về các thao tác trên đây, vì suy cho cùng, trước bất cứ một đề văn nào, người viết cũng phải huy động hết các khả năng có thể trong khi làm bài. Một bài văn hay là bài làm có sự nhuần nhuyễn, hài hoà của tất cả các thao tác đó.
Về cách nhận dạng đề thi, thông thường, chúng ta sẽ không khó khăn gì với loại câu hỏi đã được xác định rõ ràng trên câu chữ, chẳng hạn: “Phân tích vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù”, “Bình giảng khổ thơ sau đây trong bài Đây thôn Vĩ Dạ…”, hay “Tại sao, trong Một người Hà Nội, Nguyễn Khải lại gọi nhân vật bà Hiền là “hạt bụi vàng”của Hà Nội?”, “Bình luận câu nói của Nam Cao trong tác phẩm Đời thừa: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay…”.
Trong bốn mẫu đề trên đây, thao tác cần phải lựa chọn đã được xác định rõ trong ba đề (phân tích, bình luận, bình giảng). Chỉ duy nhất một câu, yêu cầu đề hỏi là Tại sao? Ta có thể hiểu ở đó đề thi yêu cầu học sinh sử dụng thao tác giải thích.
Trong các dạng đề thi, có thể có trường hợp phức tạp hơn. Chẳng hạn, đề ra yêu cầu nối kết chủ đề của hai hoặc nhiều tác phẩm khác nhau như: “Cùng viết về Tây Bắc, Quang Dũng trong bài Tây Tiến viết…Chế Lan Viên trong bài Tiếng hát con tàu viết…”; “Cảm hứng quê hương đất nước trong hai bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu và Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm”, “Vẻ đẹp của hình ảnh thiên nhiên qua Người lái đò sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông (của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường)”; “Cảm nhận về hai đoạn thơ sau đây trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử và Tràng giang của Huy Cận…”;
“Nêu cảm nhận về hai đoạn thơ của Nguyễn Bính trong bài Tương tư và Tố Hữu trong bài Việt Bắc”… Với dạng câu hỏi này, thí sinh phải tìm được điểm giống và khác nhau của hai tác phẩm, phải lựa chọn cách xử lí đề sao cho hợp lí nhất: làm bài theo hướng khái quát chung và so sánh trên từng vấn đề, hay tách riêng phân tích theo từng bài rồi sau đó mới đi đến khái quát để tìm ra đặc điểm chung?
Cũng có những dạng đề, do câu chữ được rút gọn tối đa, nên thí sinh khi đặt bút làm bài phải suy xét cẩn thận. Chẳng hạn, gần đây trong các kì thi đại học xuất hiện kiểu đề không ghi rõ yêu cầu cụ thể của thể văn như phân tích, bình giảng, hay chứng minh mà chỉ nêu ngắn gọn: cảm nhận (anh/ chị cảm nhận như thế nào…). Cảm nhận thuộc thể văn nào, giải thích, chứng minh, bình luận hay phân tích? Đây là câu hỏi không dễ trả lời một cách rạch ròi. Trong phần thảo luận đáp án trước khi chấm thi, theo tôi biết, một số Hội đồng chấm thi đã từng tranh cãi gay gắt về dạng câu hỏi này.
Có người cho rằng, vì đề chỉ yêu cầu học sinh nêu cảm nhận nên họ có quyền làm bài một cách tự do, không cần phải theo một thể thức, khuôn khổ nào. Lập luận hoàn toàn có lí. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, dù thế nào, để đạt yêu cầu của một bài văn, thí sinh vẫn cứ phải đáp ứng được những nguyên tắc tối thiểu. Nghĩa là vẫn cứ phải làm rõ được các yêu cầu chính của đề thi.
Với dạng câu hỏi đó, thực chất bài làm của học sinh là sự tổng hợp của tất cả các phương pháp, chỗ nào cần giải thích thì giải thích, chỗ nào cần phân tích, chứng minh thì phân tích chứng minh. Cũng không nên quá băn khoăn về câu chữ của đề. Với học sinh, yêu cầu trước mắt chỉ là một bài làm tốt.
Trong số 39 đơn vị bài học thuộc phần hạn chế ra đề, để dễ dàng và thuận lợi cho việc ôn thi, học sinh cũng cần phải xác định được rõ ràng các nhóm vấn đề, hay các nhóm chủ đề, đó là việc làm cần thiết trước khi bước vào ôn tập. Chúng tôi tạm phân chia các nhóm vấn đề đó như sau:
* Nhóm những bài học khái quát tác giả, chúng tôi đã đề cập ở trên, nhưng xin được nhắc lại nhóm những bài kiểm tra kiến thức về giai đoạn, trào lưu văn học, khái quát tác phẩm gồm ba bài: Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh, Khái quát văn học Việt Nam từ CMTT 1945 đến 1975 và Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh.
* Nhóm những bài nghị luận văn học và chính trị xã hội, cũng gồm hai bài: Về luân lí xã hội ở nước ta của Phan Châu Trinh và Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong nền văn nghệ dân tộc của Phạm Văn Đồng.
* Xét trên phương diện thể loại, trong số các bài hạn chế có 13 tác phẩm thơ, 2 tác phẩm kịch, 13 tác phẩm văn xuôi.
Nhà giáo Trần Hinh, khoa Văn học – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội
(nguồn Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH QGHN)