fbpx
Home Tin tuyển sinh Bí mật thi trắc nghiệm – Kỳ 1: ‘Biệt phủ’ in sao đề thi

Bí mật thi trắc nghiệm – Kỳ 1: ‘Biệt phủ’ in sao đề thi

0

2017 là năm đầu tiên thí sinh thi THPT quốc gia các môn (trừ ngữ văn) theo hình thức trắc nghiệm. Ít ai biết để ra được những bộ đề thi – đáp án trắc nghiệm ấy là cả một quá trình gian nan.

Mỗi lần kết thúc đợt tập trung, đến ngày “xả trại”, được thấy ánh mặt trời, mọi người đều cảm thấy tự hào vì mình đã đóng góp một phần nhỏ vào sự thành công chung của kỳ thi. Tham gia in sao đề thi là một trải nghiệm rất đặc biệt, chỉ những người làm trực tiếp mới cảm nhận được.

ThS Trần Văn Đồng

Ngày nhận được đề thi từ Bộ GD-ĐT cũng là ngày tất cả thành viên tham gia công tác in sao đề thi thuộc sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố trên cả nước phải nhập “trại”.

Công an vòng ngoài, vòng trong

Địa điểm in sao đề thi thường là khu vực phòng học hoặc thư viện. Những người làm nhiệm vụ in sao đề phải làm việc và thực hiện mọi sinh hoạt cá nhân – ăn uống, vệ sinh… ngay trong khu vực cách ly.

Tại khu vực in sao đề thi nào cũng đều có công an ở vòng ngoài, soát xét đồ dùng cá nhân của những thành viên tham gia sao in đề thi. Điện thoại, máy tính, iPad… và tất cả vật dụng có thể truyền tin đều bị cấm mang vào khu vực in sao đề.

Trước đó, công an đã kiểm tra an ninh tất cả máy móc trong khu vực in sao để bảo đảm không có thiết bị truyền tin ở đây và niêm phong những chỗ cần thiết.

“Trong khu vực in sao đề thi chỉ có một chiếc điện thoại bàn có dây, đặt ở vòng ngoài cùng. Khi có liên lạc ra bên ngoài hoặc liên lạc từ bên ngoài vào, người được phép liên lạc phải nói to, có máy ghi âm ghi rõ cuộc nói chuyện với sự giám sát của công an.

Trong khi đó, những người ở vòng 1 muốn mở cửa phải bấm chuông báo. Nếu có yêu cầu gì phải viết trên giấy, gửi ra cho… công an xem qua” – PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết.

Chính vì vậy, nhiều cán bộ làm công tác in sao đề đã ví von mình đang ở trong… “biệt phủ”.

Vài ngày tắm một lần

Ở các trung tâm in sao đề thi, chỗ phơi đồ cũng là một vấn đề lớn.

“Chỗ phơi đồ lý tưởng nhất là hai lỗ thông gió hai đầu hành lang, nơi lắp đặt hai quạt thông gió. Ngay khi “nhập trại”, một trong những việc đầu tiên phải làm, với những người có kinh nghiệm, là giăng dây như mạng nhện trước hai lỗ này để phơi đồ.

Mặc dù đã được khuyến cáo chỉ nên mang các đồ mặc trong nhà đơn giản, mỏng nhưng nhiều người vẫn không chú ý, mang theo quần áo dày. Vì vậy, việc đồ phơi vài ngày mới khô là chuyện bình thường, đôi khi hết đồ mặc phải dùng cả quạt để… sấy khô” – PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, vui vẻ kể.

ThS Trần Văn Đồng (cán bộ Ban sau ĐH, ĐHQG TP.HCM, người có nhiều năm tham gia công tác sao in đề thi) tiết lộ thêm: “Do nơi in sao đề thi không được thiết kế như nhà ở, số lượng phòng vệ sinh có hạn nên việc tắm giặt, làm vệ sinh cá nhân cũng phải tranh thủ… khẩn trương! Nhất là vào các giờ “cao điểm” như sáng sớm, mọi người phải canh lúc nào nhà tắm, nhà vệ sinh trống là… xông vào ngay. Thậm chí có anh, chị còn để vài ngày mới tắm một lần!”.

Cũng do yêu cầu công việc, phần lớn không gian tại nơi in sao dành để bố trí máy móc, thiết bị in sao, giấy in và các vật dụng liên quan. Vì vậy chỗ ngủ của các thành viên cũng được bố trí rất đơn giản, mấy chục con người chia ra 3-4 phòng trống, đa số ngủ giường xếp, nhưng cũng có khi chỉ là bàn học hoặc bục giảng được ghép lại, trải chiếu lên. Người nào cẩn thận thì tận dụng các móc/đinh trên tường hoặc lấy chân ghế làm cột giăng mùng chống muỗi.

“Do ngủ tập thể, mỗi người một thói quen sinh hoạt nên đôi khi cũng gặp một số trường hợp khó chịu. Có người ngáy to quá, người ngủ mớ; người thích để máy lạnh nhiệt độ thấp rồi trùm mền ngủ, người lại không chịu được lạnh… khiến lãnh đạo trung tâm in sao phải can thiệp bằng cách quy định cả nhiệt độ máy lạnh trong phòng ngủ!” – thầy Nghĩa nhớ lại.

“Đứt tay như chơi…”

Dù năm nay không tổ chức in sao đề thi theo phân công của Bộ GD-ĐT, nhưng những dấu tích của 10 năm in sao đề thi vẫn còn lưu giữ ở tất cả các phòng và khu hành lang tầng 5, nhà 10 Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội).

Chiếc cửa sắt được lắp “mắt cáo” nhỏ xíu, chỉ đủ cho không khí lọt qua chứ không thể nhét được bất cứ vật gì ra – vào. Hành lang sâu hun hút, im lìm… Các cửa kính đều được dán mờ, giấy niêm phong dù đã bóc từ lâu nhưng vẫn còn vương dấu trên tất cả cửa sổ tầng 5.

“Máy photo dùng cho in sao có tốc độ rất nhanh, có thể in đến 120 trang/phút. Cứ thử hình dung ngần ấy tờ giấy phi vun vút ra từ máy in trong thời gian ngắn ngủi, nếu không có tấm chặn giấy, giấy lao phi mã có thể gây… đứt tay. Những lúc cao điểm, dù chia ca nhưng đến giờ vào phòng nghỉ, ai nấy vẫn còn nghe rõ mồn một tiếng máy photo chạy ù ù, xành xạch ở phòng bên” – TS Lê Việt Thủy, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhớ lại.

Nhiều người còn ví von tiếng máy photo chạy liên tục chẳng khác gì tiếng… máy khâu. Nhưng ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân, tiếng ồn ấy vẫn chưa thấm tháp gì so với tiếng quạt thông gió tốc độ cao ngoài hành lang chạy 24/24 giờ để át đủ mùi trong không gian chật hẹp.

Riêng loại giấy dùng cho in sao đề thi hay dùng làm phiếu trả lời trắc nghiệm đều phải lựa loại tốt hơn hẳn giấy in dùng hằng ngày. “Trước khi cho vào khay photo nửa ngày hoặc một ngày, giấy còn được lấy ra khỏi tệp, xóc, xếp, lật, xếp dọc, xếp ngang để tránh kẹp díp máy. Giấy được bảo quản ở phòng điều hòa 24/24 giờ để đảm bảo chất lượng ổn định nhất khi in sao” – một cán bộ đào tạo nhiều kinh nghiệm chia sẻ.

“Hàng xách tay” sát giờ G

Từ đề tự luận chuyển sang trắc nghiệm, đề thi được tăng từ 1 trang lên 6-7 trang nên các ban in sao đề có thêm phần công việc mới: ghép đề và dập ghim.

PGS.TS Trần Văn Tớp – phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – kể cứ sau mỗi đợt vào ban đề thi, tay ông lại đau ê ẩm.

Ít ai ngờ rằng vị phó hiệu trưởng của trường ĐH kỹ thuật hàng đầu cả nước suốt cả chục ngày ở trong phòng cách ly lại trở thành một thợ dập ghim chính hiệu.

Tốc độ dập ghim rất nhanh để theo kịp quy trình đã khiến thầy Tớp và nhiều đồng nghiệp phải trường kỳ làm bạn với miếng cao dán giảm đau suốt thời gian cách ly.

Trong khi đó, từ năm 2006 khi bắt đầu thi trắc nghiệm, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã chuẩn bị kỹ càng, tăng cường nhiều máy móc hiện đại. Máy photocopy tốc độ cao được mua mới, rồi máy phân trang giúp việc ghép đề thi được thực hiện tự động cũng được sắm ngay để hỗ trợ công tác in sao được nhanh chóng, chính xác.

Đặc biệt, trường còn trang bị cả máy dập ghim, hỗ trợ quy trình thêm một bước tiến về tự động hóa.

Mọi thứ gần như đã hoàn hảo, đến khâu kiểm tra cuối cùng, chuẩn bị cách ly mới phát hiện máy dập ghim không dùng loại ghim bình thường được.

“Máy dập ghim này đòi hỏi phải dùng ghim của nước ngoài, ở Việt Nam chưa có nhà phân phối. Hiệu trưởng phải chỉ đạo tình huống đã quá gấp, không có ghim chuyên dụng, nhà trường phải huy động thêm người làm khâu dập ghim thủ công hỗ trợ.

Với số lượng đề thi năm đó, nếu dập ghim thủ công có khi phải huy động thêm 20-30 người. Khu vực cách ly chẳng rộng rãi gì, hiện đã huy động hơn 20 người, nếu thêm ngần ấy người vào để dập ghim thì ăn nghỉ ra sao?

Cuối cùng, trường đành đặt hàng gấp sang nước ngoài loại ghim phù hợp với máy. Sau đó nhà trường còn cử một thầy ra tận sân bay Nội Bài nhận “món hàng xách tay” đặc biệt đó và đưa ngay về khu vực in sao để kịp tiến độ” – GS Phan Công Nghĩa, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, kể lại.

Theo Tuoitre

Bí mật thi trắc nghiệm – Kỳ 2: sáng kiến từ phòng cách ly

Bí mật thi trắc nghiệm – Kỳ 3: Gian nan chấm thi

Comments

comments