Đạt 29,5 điểm cho 3 môn Toán – Lý – Hóa, Phạm Đức Toàn (Nghệ An) trở thành thủ khoa Đại học Ngoại thương Hà Nội và thủ khoa khối A cả nước trong kì thi Đại học năm 2014. Phạm Đức Toàn đã có những lời khuyên bổ ích và chân thành cho những sĩ tử sắp bước vào kì thi quan trọng sắp tới. Cùng lắng nghe những “kinh nghiệm xương” máu của chàng thủ khoa này nhé!
“Giai đoạn này là giai đoạn nước rút, quan trọng nhất và cũng là giai đoạn mà tâm lý các bạn bất ổn nhất, khi mà kì thi đang tới rất gần và những năm tháng cuối của thời học sinh đang cận kề kết thúc. Vì vậy, các bạn phải chuẩn bị tư tưởng thật tốt cũng như lên kế hoạch một cách chu đáo để sẵn sàng cho kì thi.
Thứ nhất, về kế hoạch học tập, các bạn nên theo dõi và biết chính xác thời điểm mình sẽ tới phòng thi trong kì thi đại học, và trước đó 1 tháng, hoặc là ngay bây giờ, lên một kế hoạch ăn ngủ thật điều độ và khoa học.
Các bạn bạn lập kế hoạch cho thời gian biểu của mình sao cho tương thích với khoảng thời gian dự thi, để phát huy tốt nhất khả năng của mình.
Lấy ví dụ, như năm 2014, giờ vào phòng thi buổi sáng là 6h30-6h45, làm bài đến 10h15; buổi chiều 13h30-13h45, làm bài đến 15h45. Buổi sáng để đến được địa điểm thi lúc 6h30, mình tính thời gian ngủ dậy, đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân, ăn uống, nghỉ ngơi sau khi ăn, đi lại thì sẽ mất tối thiểu 1h15-1h20. Buổi trưa sau khi làm bài xong, ngay lập tức ra về, không nán lại lâu, ăn uống, và nghỉ ngơi để chuẩn bị cho kì thi chiều. Làm bài xong khoảng 10h15, về đến nhà khoảng 10h45, ăn uống đến khoảng 11h30-11h45 sau đó ngủ trưa đến 12h45-13h và chuẩn bị sẵn sàng cho bài thi tiếp theo.
Điều ngày đồng nghĩa với việc hàng ngày, mình phải thức dậy vào khoảng 5h10-5h15 sáng, tuân thủ mọi kế hoạch đặt ra với điều kiện những kế hoạch đó được sắp xếp sao cho tương ứng với khoảng thời gian đi thi như đã nói ở trên, mục đích chính là điều chỉnh đồng hồ sinh học của bản thân sao cho khi vào phòng thi sẽ làm bài một cách hiệu quả nhấ. Và đặc biệt, để có thể đảm bào đúng kế hoạch ở trên, mình thường đi ngủ vào khoảng 11h đêm, không thức quá khuya gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chuẩn bị một kế hoạch kĩ càng và chu đáo như vậy sẽ giúp các bạn có một tâm lý thoải mái, một sức khỏe thật tốt để đối diện với kì thi quan trọng phía trước.
Ngoài vấn đề ăn ngủ điều độ thì việc ôn thi thế nào còn quan trọng hơn. Theo như kế hoạch trên, buổi sáng, các bạn sẽ có từ 6h15,6h30 – 10h30,10h45 buổi sáng, vị chi là 4 tiếng để học và giải lao. Các bạn có thể làm đề thi thử, đọc sách giáo khoa, cũng như sách tham khảo, và nghỉ ngơi. Thời gian buổi chiều và tối thoải mái hơn, từ 13h30 trở đi. Ngoài làm đề thi thử, đọc sách thì các bạn cũng nên chơi thể thao để thư giãn đầu óc. Buổi tối sau khi ăn uống và nghỉ ngơi học bài, khoảng hơn 10h nên nghỉ ngơi, nghe nhạc, thư giãn đầu óc và 10h30 bắt đầu lên giường nằm ngủ, có thể cầm sách lên giường, đọc để đi vào giấc ngủ dễ dàng nhất (mình đã thử và kiểm chứng).
Cách ôn tập từng môn học. (ở đây mình chỉ nói tới 3 môn Toán, Lý, Hóa)
Với môn Toán, trong thời gian này, cần học và nắm chắc kiến thức. Nên thường xuyên trình bày hoàn chỉnh một đề toán (2-4 ngày 1 lần, cũng như chú ý rằng, lúc các bạn trình bày, hãy tính thời gian và trình bày bài làm y như mình đang thi thật); ngoài ra các đề khác có thể làm, tính ra kết quả và không trình bày, hoặc với một số bài thì chỉ cần biết hướng làm.
Với môn Lý, thường xuyên làm đề sẽ hoàn thiện kiến thức cho các bạn, giúp các bạn có phản xạ làm bài, làm bài với tốc độ và độ chính xác cao nhất. Phần lý thuyết của Vật lý chủ yếu là không khó, nắm vững kiến thức các bạn sẽ có thể đạt điểm tối đa. Phần bài tập, các bạn nên viết ra những công thức mình gặp trong thời gian ôn thi, công thức giải nhanh ra một tờ giấy riêng, và thường xuyên ôn lại, nhớ cách làm và dạng làm để sau này không bị bỡ ngỡ và tăng tốc độ làm bài. Cũng như Toán, nếu gặp các bài tập Vật lý quen thì bạn có thể chỉ làm bài khó, nhưng nên tính thời gian đúng 90p và thúc ép mình làm bài, y như đang đi thi.
Môn Hóa, đươc coi là môn dễ thở nhất. Bởi vì lượng kiến thức và bài tập của Hóa không nhiều và khó như Toán và Lý. Điều quan trọng là ngoài việc tính thời gian đúng 90p làm bài, và cố gắng làm như đề thi thật, các bạn nên thường xuyên đọc, và chú ý các chi tiết trong sách giáo khoa để vững kiến thức.
Lúc đi thi, như đã nói ở trên, các bạn nên đến địa điểm thi đúng thời gian, không nên quá sớm hay quá muộn, muộn sẽ ảnh hưởng tới tâm lý thi, còn sớm thì sẽ gây mệt mỏi, lo lắng. Đến nơi thi nên nói chuyện, tán gẫu với bạn bè để bớt lo lắng về kì thi (tuyệt đối không nên nói chuyện về kì thi, bài làm hôm trước thế nào, câu nào đúng, câu nào sai,…, sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý trước khi vào thi môn tiếp) . Sau khi nạp bài, ngay lập tức trở về nhà, quên bài thi đã qua để tập trung cho bài thi tiếp theo, không nên ở lại bàn bạc câu nào đúng, sai với bạn bè, sẽ gây tâm lý bất an. Một điều nữa là sau khi thi xong, trên mạng sẽ lập tức xuất hiện nhan nhản đáp án của bài thi ngày hôm đó, và TUYỆT ĐỐI không nên tham khảo, vì đó chủ yếu là đáp án không chính xác. Cho dù không hài lòng với bài thi cũng nên quên ngay để chuẩn bị cho bài thi tiếp. Trong kì thi ăn uống không nên quá no hay quá đói, nên ăn thức ăn dễ tiêu. Lúc vào làm bài thi, nên thật tự tin vào khả năng của mình, bình tĩnh và đưa ra những quyết định sáng suốt nhất, phát huy tốt nhất khả năng!!!
Chúc các bạn có một kì thi thành công và vào được trường đại học mà mình mong ước!!!”
Xin cảm ơn những chia sẻ của bạn!