Nhiều thí sinh còn lúng túng trong việc đăng kí nguyện vọng sao cho phù hợp, sau đây là một số chia sẻ từ chuyên gia đào tạo kĩ năng mềm – ThS. Phạm Doãn Nguyên giúp các bạn có những kĩ năng cần thiết để đăng kí nguyện vọng phù hợp
Thông qua một số công cụ và phương pháp để xác định ngành nghề
Theo ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, ĐH Kinh tế – Tài chính TP HCM (UEF), để chọn ngành nghề và trường đại học phù hợp, trước khi đăng kí nguyện vọng thí sinh cần định vị bản thân thật tốt, xác định rõ năng lực, khả năng, sở trường, niềm đam mê yêu thích của bản thân.
Để có căn cứ chính xác nhất, thí sinh có thể thông qua một số công cụ và phương pháp như: Làm bài trắc nghiệm HOLLAND, trắc nghiệm MBTI, tham chiếu từ ba mẹ, người thân, bạn bè, thầy cô giáo, chuyên gia hướng nghiệp, đặc biệt là tham chiếu từ những người đang trực tiếp làm trong lĩnh vực ngành nghề mà bạn sẽ chọn để biết về hào quang và khoảng lặng của nghề.
Ông Nguyên cho biết: “Các bạn cần định vị về ngành nghề mà bản thân sẽ chọn, tìm hiểu các yêu cầu cần thiết của nghề để tránh những “chống chỉ định” trong lĩnh vực ngành nghề đó.
Ví dụ như người làm về lĩnh vực Kế toán, Tài chính ngân hàng cần tố chất yêu thích con số, tính toán cẩn trọng tỉ mỉ, chính xác cao, trí nhớ tốt, trung thực, khả năng phân tích đánh giá; người làm về lĩnh vực quản trị kinh doanh cần tố chất năng động, nhạy bén khả năng giao tiếp tốt, tư duy quyết đoán, khả năng ra quyết định, lập kế hoạch, phân tích đánh giá, đàm phán thương lượng, đam mê nhạy bén với hoạt động kinh tế, quản lí, kinh doanh; người làm về lĩnh vực Luật cần tố chất tư duy logic, khả năng phản biện, hùng biện, trình bày, thuyết phục, khả năng phân tích, xử lí vấn đề, trí nhớ tốt, trung thực khách quan và không phân biệt đối xử…”.
Trúng tuyển vào ngành và trường học yêu thích ngay từ nguyện vọng 1
Bên cạnh đó, theo ông Nguyên chia sẻ, thí sinh phải đánh giá đúng mức điểm các tổ hợp môn dùng để đăng kí xét tuyển, tìm hiểu mức điểm chuẩn trúng tuyển của các trường đại học dự định sẽ đăng kí xét tuyển ít nhất ba năm trở về trước để đối sánh và đưa ra quyết định đăng kí nguyện vọng, tránh “ảo tưởng” về điểm số hay trông chờ vào “vận số”.
Thường thì mỗi ngành đào tạo, các trường đại học sẽ xét tuyển với nhiều tổ hợp môn như Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP HCM (UEF) xét tuyển 4 tổ hợp môn gồm: A00 (Toán, Lí, Hóa), A01 (Toán, Lí, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), C00 (Văn, Sử, Địa).
“Khi làm hồ sơ, các bạn nên đánh giá đúng thực lực mức điểm của mình để chọn tổ hợp phù hợp nhất, và hoàn toàn có thể cùng lúc lựa chọn đăng kí vào những trường đại học top điểm cao và đồng thời đăng kí nguyện vọng vào những trường có mức điểm “an toàn hơn”.hí sinh có thể tham khảo dẫn ghi hồ sơ đăng kí dự thi THPT quốc gia 2019
Theo qui chế tuyển sinh đại học năm 2019, thí sinh được đăng kí không giới hạn nguyện vọng nhưng trên thực tế dù có đăng kí bao nhiêu nguyện vọng đi nữa thì khi trúng tuyển, thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng ưu tiên cao nhất mà thôi. Ngoài ra, thí sinh được phép điểu chỉnh nội dung nguyện vọng đã đăng kí trước đó cho phù hợp hơn sau khi đã biết điểm số của mình.
Vì vậy, thí sinh không cần thiết phải đăng kí quá nhiều nguyện vọng, chỉ cần đăng kí 3 – 5 nguyện vọng là vừa, nhưng phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên cao nhất”, ông Nguyên nói.
Những chia sẻ từ chuyên gia đào tạo kĩ năng mềm – ThS. Phạm Doãn Nguyên sẽ phần nào giúp thí sinh có được “bí kíp” kĩ năng đăng kí nguyện vọng phù hợp với bản thân để trúng tuyển vào ngành và trường học yêu thích ngay từ nguyện vọng 1.