TPO – Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, năm nay có gần 868 nghìn bài thi môn Ngữ văn, trong đó có tới 17 điểm 9,5 và 9 thí sinh bị điểm 0. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất của môn học này cũng được xếp khoảng thứ 4 (6.0), sau Giáo dục công dân (7.75); sau Toán (6.40), Vật lý (6.25).
Điểm trung bình 5.49 điểm và có 1.265 thí sinh bị điểm liệt. Năm nay, có tới 72,16% số thí sinh có mức điểm trung bình trở lên. Không có thí sinh nào đạt điểm 10, mức điểm cao nhất là 9,5 điểm với 17 thí sinh đạt được mức điểm này.
Trái lại với đề thi năm nay, đề thi môn Ngữ văn năm 2018 được cho là khá hay, khó, có nhiều đất cho thí sinh sáng tạo. Tuy nhiên, điểm trung bình môn Văn năm trước thấp hơn (5,54) và điểm cao nhất của năm trước là 9,75 và có tới 7 thí sinh đạt được mức điểm này. Tuy nhiên, năm nay số thí sinh bị điểm liệt cao hơn hẳn (năm 2018 có 783 bài bị điểm liệt); Tỉ lệ thí sinh bị điểm dưới trung bình năm 2018 cũng cao hơn (năm 2018 là 32,3%).
Cô P.H.T, giáo viên dạy Ngữ văn của một Trường THPT ở Hà Nội cho rằng, đề thi năm nay cơ bản, không hay, vì thế rất khó để khơi dậy sự sáng tạo của học sinh do đó việc cho điểm phần sáng tạo cũng rất khó khăn cho các giám khảo. Trong khi, phần Nghị luận xã hội cho điểm yếu tố sáng tạo ở mức 0,25 và phần Nghị luận văn học cho điểm lên tới mức 0,5, tổng cộng là 0,75 điểm. Trong quá trình chấm thi ở Hà Nội, hiếm thấy có bài thi đạt điểm 9.
Theo cô T. khi rút 5% bài thi chấm thẩm định, có một bài thi giám khảo chấm ở mức 8,75, giám khảo chấm thẩm định cho lên 9 nhưng phải đối thoại gần nửa ngày trời vì giám khảo chấm lần 1 kiên quyết với quan điểm, mức điểm mình đã chấm trước đó. Vì thế, giáo viên này cho rằng, có bài thi đạt mức điểm 9,5 phải là những bài hết sức xuất sắc, có yếu tố mới mẻ.
Tuy nhiên, giáo viên nàycũng bày tỏ sự lo lắng nhất vệ sự “vênh nhau” giữacác tay chấm trong cùng một hội đồng, giữa các địa phương. Ví dụ năm 2018, trên mạng xã hội xuất hiện bảng điểm môn Ngữ văn nhiều điểm 9, trong khi đó, Hà Nội nơi có lượng thí sinh lớn, nhiều trường THPT chuyên nhưng điểm 9 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, giáo viên rất lo, nơi nào chấm chặt tay sẽ thiệt thòi cho học sinh.