Học sinh là chủ nhân tương lai đất nước. Vậy mà những thay đổi, cải cách thi cử đủ thứ mà học sinh không được nói lên nguyện vọng của mình
Phần lớn ý kiến đều chia sẻ với bức tâm thư của bạn đọc Khải Lê, và coi đây chính là nỗi lòng của thế hệ teen 99ers năm nay. Hàng ngàn chia sẻ là hàng ngàn sự thất vọng, sự bất lực trước quá nhiều sự thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia 2017. Hoc.vtc.vn xin trích dẫn lại một vài chia sẻ, ý kiến nổi bật của bạn đọc.
Làm sao “sống sót” trước quá nhiều sự thay đổi
Bạn đọc Nguyễn Như Hảo bày tỏ sự thất vọng: “Sao không ai hiểu cho học sinh hết vậy. Năm nay thay đổi nhiều quá, làm sao học sinh theo kịp. Cách thay đổi này đã gây áp lực quá lớn cho học sinh”.
Bạn đọc Lạc Thư bức xúc viết: “Năm nay có nhiều thay đổi và được áp dụng ngay đã gây không ít khó khăn cho học sinh rồi. Làm ơn đừng để học sinh hoang mang nữa. Thế hệ trẻ không phải là chuột bạch để thực hiện những ý kiến hay đề xuất. Hãy thực hiện những đề xuất vào các năm sau khi đã có thời gian thông báo cho thầy cô và học sinh”.
Hầu hết ý kiến của học sinh năm nay đều không chịu nổi áp lực trước những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia 2017 mang lại.
Thậm chí một bạn đọc cho hay không muốn xét tuyển đại học vì áp lực năm nay quá lớn như bạn Nguyễn Thị Mỹ Linh. “Vừa hôm nay đã quyết định không đánh dấu tích vào ô thi ĐH vì nghĩ mình không đủ khả năng. Mình đang suy nghĩ kĩ và định mai đăng ký lại thì lại đọc được tin này. Mình vừa cãi nhau với bố mẹ về chuyện học tập. Quả thật quá áp lực!”, Linh chia sẻ.
Về đề xuất tăng điểm liệt, điều này đã nhận được khá nhiều ý kiến chiều. Bạn đọc Nguyễn Thị An cho rằng, với mức điểm liệt cao như thế thì có lẽ nên chính thức đổi tên là Kì thi chọn học sinh giỏi, xuất sắc toàn quốc.
Hay ý kiến của bạn đọc Lê Đắc Dũng cho rằng, thay vì đề xuất nâng điểm liệt thì tại sao không tăng độ khó của đề thi. Việc lọc học sinh yếu kém bằng cách tăng điểm liệt không thể hiệu quả bằng cách tăng độ khó đề thi.
Không phải đến thời điểm này, đề xuất tăng điểm liệt mới khiến thí sinh như “tức nước vỡ bờ” mà nó xuất phát từ tất cả những thay đổi của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 từ tháng 9 năm 2016. Mỗi sự thay đổi, mỗi quyết định của Bộ GD&ĐT đều khiến thí sinh thêm lo lắng, hoang mang.
Một bạn đọc tên Dung, cho biết: “Chúng em lo lắng từng ngày vì không biết mai sẽ ra thêm quy định gì nữa không. Áp lực học tập đã đau đầu, rồi chọn ngành nghề rồi còn phải lo quy chế thi cử nữa”.
Quan trọng là kiến thức, thi kiểu gì chẳng được
Bên cạnh phần lớn sự thất vọng, chán nản của các sĩ từ năm nay, vẫn có một số ý kiến khác cho rằng học sinh nên tập trung ôn thi, lấy kiến thức không nên lo lắng quá nhiều về quy chế thi cử.
Bạn đọc Huỳnh Đăng Vinh thẳng thắn nhìn nhận, học sinh không thể đổ thừa cho xã hội hay cách giáo dục. Tất cả phải do bản thân mình, tri thức là phải trao dồi, nghề nghiệp phải rèn luyện.
“Các bạn cần có mục tiêu phấn đấu cho bản thân. Mình đã trải qua thời học sinh nên mình hiểu. Cái học sinh bây giờ đang thiếu là sự tư vấn”, bạn Vinh viết.
Tương tự, một bạn đọc tên Đại khẳng định: “Nếu bạn có kiến thức thật thì lo gì. Hay bạn lo thi trắc nghiệm không mang được phao vào quay cóp được. Hình thức thi không hề ảnh hưởng đến kiến thức thật của bạn. Nó chỉ khác quan hơn trong cả khâu chấm thi, vào điểm”.
Bạn đọc Bùi Khoa đưa ra lời khuyên: “Các sĩ tử nên tập trung học lấy kiến thức, bàn đi bàn lại chỉ thêm lo. Chỉ cần có kiến thức thi kiểu gì mà không được”.
Sau khi chúng kiến quá nhiều áp lực thi cử mà các thí sinh năm nay phải chịu, bạn đọc tên Trường cho rằng, học sinh bây giờ nên đi học nghề có thể sẽ tốt hơn, bởi lẽ số sinh viên ra trường thất nghiệp hiện nay quá nhiều. “Tốn vài trăm triệu để học đại học rồi ra thất nghiệp thà rằng bỏ công 2, 3 năm học nghề rồi dùng số tiền đó để dùng làm vốn làm ăn có khi lại hay”, Bùi Khoa viết.
“Học sinh là chủ nhân tương lai đất nước. Vậy mà những thay đổi, cải cách thi cử đủ thứ mà học sinh không được nói lên nguyện vọng của mình”. Có lẽ, đây là điều mà các teen 99ers nói riêng và cả các sĩ tử của những năm tiếp theo mong mỏi nhất.