Nhạy bén với vai diễn, chất giọng tốt, biết diễn xuất theo cảm xúc của nhân vật trong phim… là những nền tảng cơ bản để có thể trở thành diễn viên lồng tiếng – diễn viên trong phòng kín.
Lồng tiếng – nghề nói … ra tiền
Hiểu một cách đơn giản, nghề lồng tiếng tại Việt Nam là công việc “khớp tiếng” thay cho diễn viên trong các phim không thu tiếng trực tiếp, những cảnh không thu được lời thoại, hoặc do giọng của diễn viên trong phim trường không phù hợp với nhân vật.
Diễn viên lồng tiếng là người tái hiện lời thoại của nhân vật. Tuy là công việc thuộc phần hậu kỳ của mỗi bộ phim nhưng nó đóng vai trò hết sức quan trọng tới sự thành công của bộ phim.
Người làm nghề này, phải lồng sao cho khớp với khẩu hình của nhân vật trên màn hình trong khi mắt cũng phải lướt xuống xem kịch bản thoại. Ngoài tiếng nói, phải đảm bảo nghe và cảm thụ được âm thanh gốc từ hiện trường để lồng cho khớp.
Bên cạnh đó, để khớp răm rắp với màn hình, hầu như diễn viên phải thuộc thoại. Khi lồng tiếng là nói diễn chứ không phải đọc diễn. Trong khi đó phim Việt thường có tiết tấu câu chậm nên việc lồng tiếng phải hoàn toàn khớp. Chênh nửa giây cũng đã bị khán giả phát hiện nên cần phải tỉ mỉ. Đôi khi, thoại phải thu nhiều lần mà vẫn chưa đạt, diễn viên phải hết sức chuyên nghiệp để không làm mất đi cảm xúc của nhân vật. Họ phải thật nhập vai và thấu hiểu nhân vật, cũng như tiết chế cảm xúc.
Tiêu chí cần có của một diễn viên lồng tiếng
Do tính chất công việc nên diễn viên lồng tiếng cần đáp ứng hai yêu cầu đó là tiếng phải khớp với khẩu hình và truyền cảm. Để đáp ứng được điều này, diễn viên lồng tiếng cần có giọng nói tốt, truyền cảm, bám sát được tâm lý của nhân vật. Đồng thời trong quá trình lồng tiếng phải giữ được cung bậc, mức độ cảm xúc của từng phân cảnh.
Chính vì vậy, trước khi bắt đầu công việc, diễn viên lồng tiếng phải học kịch bản, tư duy và cảm nhận từng phân cảnh của nhân vật như mình chính là một diễn viên trên màn ảnh. Trong những trường hợp phải lồng tiếng cho nhiều nhân vật trong 1 tập phim, diễn viên phải phân biệt thoại trong kịch bản bằng các cách riêng như tô màu, làm dấu… Với những thước phim tất cả nhân vật đều tranh luận, cãi nhau, ẩu đả thì khi đó, diễn viên lồng tiếng phải thực sự thể hiện được sự thông minh, khéo léo và tài năng của mình.
Nghề lồng tiếng – nghề chỉ dành cho những người yêu nghề
Diễn viên lồng tiếng phải khóc, cười, la, gầm, rên, thậm chí là ăn, uống sao cho thật giống với nhân vật trong phim. Có rất nhiều trường hợp, diễn viên phải đảm nhận lồng tiếng cho 4-5 nhân vật cùng một lúc. Mỗi nhân vật là một độ tuổi, tính cách, thậm chí là giới tính khác nhau. Diễn viên phải làm sao cho người xem phân biệt được từng nhân vật, sau đó là cảm nhận được cái hồn của các nhân vật.
Tuy khó khăn là vậy nhưng lại ít được biết đến bởi “name list” (nhóm lồng tiếng) chạy lên chưa được 10 giây sau khi kết thúc mỗi bộ phim nên hầu như không ai biết đến họ. Thậm chí một số hãng phim mới ra đời vẫn coi đây là một trong những chuyện hậu kỳ mang tính “chữa cháy”, sửa sai cho việc thu tiếng trực tiếp ở hiện trường quay, nên bị xếp một ngân sách thấp nhất có thể.
Mặc dù công việc vất vả và có thu nhập không cao so với các ngành nghệ thuật khác nhưng lồng tiếng vẫn là niềm đam mê của những người làm việc bằng trái tim nghệ thuật.