Bộ GD&ĐT cho biết những bài thi THPT quốc gia năm 2019 đạt điểm cao sẽ được chấm kiểm tra để chống gian lận. Dự kiến năm nay, kết quả kỳ thi được công bố ngày 14/7.
Trao đổi với báo chí sáng 11/5, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT – cho biết có 9 điều chỉnh kỹ thuật để khắc phục gian lận điểm thi. Trong đó, khâu in sao đề thi đảm bảo tốt, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương thực hiện đúng 3 vòng độc lập, có lực lượng công an bảo vệ 24/24, camera an ninh giám sát.
Các điểm thi phân công cán bộ giám sát phòng thi theo quy định, mỗi cán bộ giám sát không quá 7 phòng thi, thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi.
Các túi đựng bài thi sử dụng nhãn niêm phong theo mẫu bằng giấy dễ rách, dùng một lần, trên nhãn niêm phong có họ tên, chữ ký của phó trưởng điểm thi là cán bộ của trường đại học, cao đẳng.
Sau khi được cán bộ dán nhãn, một lớp băng dính trong được phủ lên niêm phong và một vòng quanh túi đựng bài thi. Điều này đã được thực hiện từ năm 2018 nhưng năm nay sẽ kỹ hơn để tránh trường hợp bóc túi đựng bài thi.
Trong khâu sắp xếp phòng thi, các thí sinh tự do, thí sinh là học viên trung tâm GDTX phải thi chung với học sinh lớp 12 trường THPT.
Căn căn cứ kết quả phân tích dữ liệu thống kê kết quả thi của địa phương, trường hợp cần thiết sẽ chấm thẩm định bài thi. Năm nay, bộ cũng nâng cấp phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng liên thông, đảm bảo chính xác và bảo mật dữ liệu.
Những năm trước, máy quét cả lô với nhiều bài thi, năm nay, quét theo lô 24 bài thi của một phòng, sau đó niêm phong. Việc mã hoá toàn bộ dữ liệu quét ảnh xử lý trung gian, chỉ những người cấp phép mật mã, phá mã mới có thể can thiệp được.
Ngoài ra, trong phần mềm chấm thi, toàn bộ các thao tác xử lý sẽ được lưu vết nên nếu cá nhân, đơn vị nào can thiệp, sẽ dễ dàng bị phát hiện.
Ông Trinh khẳng định với những điều chỉnh trên, gian lận dù tinh vi đến đâu cũng bị phát hiện nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.
Chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn do sở GD&ĐT chủ trì, sẽ làm việc theo quy định chặt chẽ về cách ly trong khi làm phách, bảo mật số phách; thực hiện nghiêm túc việc chấm 2 vòng độc lập; thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.
Bộ GD&ĐT yêu cầu ráp phách thủ công ít nhất 20% số bài thi Ngữ văn, đồng thời tiến hành nhập kết quả chấm tự luận theo 2 vòng độc lập, sau đó đối sánh để đảm bảo không có sai sót, khi đó mới cập nhật kết quả chấm thi lên hệ thống phần mềm quản lý thi.