Thí sinh, phụ huynh, lãnh đạo trường phổ thông và trường đại học đã trải qua ba tuần căng thẳng vì những thay đổi bất ngờ của kỳ thi THPT.
Ngày 14/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ hai phương án thi THPT quốc gia nhằm ứng phó với Covid-19. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15/6, kỳ thi THPT quốc gia nhằm xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học sẽ được tổ chức vào ngày 8-11/8. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết phương thức thi cơ bản như năm 2019, nhưng xem xét giảm số môn và không đưa nội dung tinh giản vào đề. Nếu dịch bệnh phức tạp hơn, Bộ tính không tổ chức kỳ thi mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT.
Hai phương án thi nhận được phản ứng trái chiều từ các nhà quản lý giáo dục. Trong khi một số cho là hợp lý, chỉ cần điều chỉnh mốc thời gian quyết định thi hay không, nhiều người lại cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ luôn kỳ thi THPT quốc gia năm nay bởi học sinh đã ba tháng không tới trường. Với học sinh, nhiều em tỏ ra tiếc nuối quãng thời gian ôn luyện. Những em đã trúng tuyển đại học nước ngoài thì mừng rỡ vì nếu bỏ kỳ thi sẽ không bị lỡ kế hoạch du học.
Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất hai phương án, hầu hết giáo viên, phụ huynh và học sinh tin rằng kỳ thi THTP quốc gia vẫn diễn ra như năm ngoái. Các trường cho học sinh ôn tập theo đúng kế hoạch, chỉ đổi từ dạy trực tiếp sang online do ảnh hưởng của Covid-19. Sự tin tưởng xuất phát từ nhiều lý do. Thứ nhất, theo Luật giáo dục, học sinh phải thi mới được xét tốt nghiệp THPT. Nếu bỏ kỳ thi, Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét sửa luật, điều này rất khó xảy ra.
Thứ hai, từ năm 2017, khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố, lộ trình đổi mới xét tốt nghiệp THPT được thảo luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định kỳ thi THPT quốc gia được duy trì đến hết năm 2020. Đây sẽ là năm cuối cùng của giai đoạn đổi mới thi, tuyển sinh 2015-2020 trước khi có những thay đổi mạnh mẽ về thi cử để phù hợp với chương trình mới.
Thứ ba, khi Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh kế hoạch năm học. Theo quyết định ngày 13/3, thời gian kết thúc năm học là 15/7, lùi thi THPT quốc gia tới ngày 8-11/8. Bộ chỉ điều chỉnh thời gian thi và khẳng định kỳ thi sẽ diễn ra, cơ bản giữ ổn định như năm 2019, tổ chức gọn nhẹ, hạn chế tốn kém, căng thẳng cho xã hội, bảo đảm kết quả thi tin cậy.
Và cuối cùng, các nhà trường, học sinh càng chắc chắn sẽ thi khi ngày 23/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2020 với nội dung cơ bản giống năm 2019. Ngày 3/4, Bộ còn công bộ đề tham khảo 9 môn theo chương trình tinh giản để học sinh chuẩn bị, trường THPT có căn cứ hướng dẫn ôn tập.
Giữa đại dịch, những đề thi minh họa với nội dung nhẹ nhàng hơn năm trước khiến giáo viên, học sinh vui mừng, giảm áp lực khi không được đến trường.
Ngày 21/4, khoảng 900.000 học sinh lớp 12 bất ngờ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến kỳ thi THPT quốc gia sẽ được thay thế bằng thi tốt nghiệp THPT với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT. Học sinh làm ba bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Mỗi bài thi tự chọn được chấm một đầu điểm thay vì ba đầu điểm môn thành phần như ở kỳ thi THPT quốc gia.
Ngày 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận phương án trên. Nhiều học sinh rối bời bởi bài thi tổ hợp lấy một đầu điểm đồng nghĩa các em sẽ phải ôn 5-6 môn thay vì 3 môn theo tổ hợp xét tuyển đại học truyền thống. Nhiều em đã tính phải ôn từ đầu môn mới. Một số thí sinh tự do mông lung không biết được dự thi hay không, thậm chí định từ bỏ.
Các trường THPT cũng gia tăng áp lực. Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ khiến nhiều trường đại học tổ chức thi riêng, học sinh phải tham gia nhiều kỳ thi, trường cũng vất vả hơn trong việc ôn tập. Chưa kể nhiều kỳ thi còn gây tốn kém, tập trung đông người, không phù hợp với bối cảnh phòng chống Covid-19.
Các trường đại học cũng lúng túng, liên tiếp thông báo thay đổi phương án tuyển sinh. Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM hay Sư phạm Kỹ thuật TP HCM phải giảm tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, tăng chỉ tiêu xét học bạ. Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Đại học Thương mại thay đổi tổ hợp xét tuyển truyền thống thành các tổ hợp có Khoa học tự nhiên.
Giữa lúc các nhà trường, giáo viên, học sinh phản ứng dữ dội với phương án thi tốt nghiệp THPT, ngày 27/4, sau cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các bộ ngành liên quan, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ quyết định giữ nguyên ba đầu điểm ba môn thành phần của bài thi tổ hợp như năm 2019.
Một lần nữa, trường đại học lại thay đổi phương án tuyển sinh. Đại học Thương mại đổi sang tổ hợp có Khoa học tự nhiên thì nay lại trở về tổ hợp truyền thống. Học sinh sau hồi hoang mang lại “thở phào”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hôm 28/4 khẳng định phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT không thay đổi nhiều so với năm 2019. Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn ra đề thi, xây dựng và cung cấp phần mềm chấm thi, thí sinh dự thi ngay tại địa phương. Nội dung thi nằm trong chương trình học sau tinh giản. Các trường đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để làm căn cứ tuyển sinh. Dù giao cho địa phương tổ chức, Bộ sẽ giám sát chặt chẽ để kỳ thi nghiêm túc, trung thực.
Bộ trưởng đề nghị các đại học, học viện, cao đẳng cần tính toán thận trọng phương án tuyển sinh, không gây hoang mang. “Tôi đang chỉ đạo xây dựng quy chế tuyển sinh đảm bảo tinh thần tự chủ đại học, nhưng phải đề cao trách nhiệm giải trình, minh bạch và chia sẻ với khó khăn của học sinh, phụ huynh trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19”, ông Nhạ nói.
Trước quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số trường đại học tiếp tục điều chỉnh phương án tuyển sinh. Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Ngoại thương ngày 4/5 thông báo không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực. Đại học Bách khoa Hà Nội công bố về kỳ thi riêng từ tháng 3 cũng phải thay đổi, tăng chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp.
Theo Luật giáo dục đại học, trường đại học được tự chủ tuyển sinh. Nhiều đại học top đầu dự kiến tổ chức kỳ thi riêng do lo ngại kỳ thi THPT quốc gia không diễn ra, việc xét tuyển bằng học bạ không đảm bảo chất lượng đầu vào. Ngay cả khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tổ chức thi tốt nghiệp THPT, nhiều chuyên gia đào tạo vẫn lo ngại đề thi dễ, tính phân hóa thấp sẽ khó tuyển sinh.
Tuy nhiên, đa số trường cuối cùng quay về phương án xét tuyển cũ, được xây dựng từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, chỉ thay điểm thi THPT quốc gia bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và điểu chỉnh tỷ lệ tuyển ở các phương thức. Lý do là sau 13 năm thi ba chung, 5 năm thi THPT quốc gia, các đại học đã quá phụ thuộc vào phương án thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, thiếu kinh nghiệm, không có ngân hàng đề thi để tổ chức thi riêng. Kinh phí, nhân lực tổ chức và thời gian gấp gáp của năm học này cũng buộc các trường phải cân nhắc.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến diễn ra vào tháng 8, đề dễ hơn năm trước để phù hợp với thực tiễn học sinh không đến trường suốt ba tháng và mục tiêu chỉ xét tốt nghiệp THPT, rất có thể tình trạng “mưa” điểm 10 như ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tái diễn. Việc giao cho tỉnh, thành chủ trì kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng đặt ra vấn đề về tính nghiêm túc, độ tin cậy của kết quả thi. Năm 2018, khi cả Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường đại học và địa phương phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, gian lận vẫn xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
So với điểm thi THPT quốc gia năm ngoái, điểm thi tốt nghiệp năm nay nhiều khả năng tăng vọt. Số lượng điểm khá, giỏi nhiều, các trường đại học sẽ phải đau đầu tính toán điều kiện, tiêu chí phụ để lựa chọn thí sinh.
Theo VNE