Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, năm 2018 cả nước có 688.641 đăng ký xét tuyển/925.961 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia. Các thí sinh này đăng ký 2.750.444 nguyện vọng xét tuyển, tăng 7,1 % so với năm trước.
Ba nhóm ngành được thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nhất là:
Nhóm 1: kinh doanh và quản lý, pháp luật
Nhóm 2: nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn – du lịch – thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, An ninh quốc phòng
Nhóm 3: toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản, thú y.
Ba nhóm ngành này đã chiếm tới 2.338.368 nguyện vọng/368.314 chỉ tiêu. Con số này được các chuyên gia nhận định là đã cho thấy một sự dịch chuyển rất lớn trong tư duy chọn ngành, chọn nghề của thí sinh.
Song song với lựa chọn ngành nghề này, năm nay tổ hợp có lượng thí sinh chọn đăng ký nhiều nhất là: A00 (toán, lí, hóa – 34,59%), D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh – 23,82%), A01 (toán, lí, Anh văn – 11,2%), B00 (toán, hóa, sinh – 11,08%); C00 (ngữ văn, lịch sử, địa lí – 10.87%).
Một chuyên gia tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội nhận định, nhìn vào bảng thống kê của Bộ GD-ĐT có thể thấy thí sinh đã tính toán đã kỹ càng khi lựa chọn tổ hợp xét tuyển cũng như nhóm ngành theo học trong năm nay. Các tổ hợp xét tuyển và nhóm ngành thí sinh lựa chọn đều nằm trong danh mục các ngành nghề mà nhu cầu nhân lực trong tương lai đang rất cần như dịch vụ xã hội, khách sạn, du lịch, dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật…Lựa chọn này cũng cho thấy công tác tư vấn, hướng nghiệp, định hướng ngành nghề cho học sinh đã mang lại hiệu quả tốt, học sinh đã thực tế hơn khi chọn ngành phù hợp với mình cũng như nhu cầu nhân lực trong tương lai.
“Rõ ràng thí sinh đã không còn chọn ngành theo xu hướng, tâm lý đám đông, mà đã có sự cân nhắc kỹ. Điều này được thể hiện rõ nét ở xu hướng gia tăng của nhóm ngành nghề vốn không được xem là “hot”, là ngành “hái ra tiền” ở thời điểm này nhưng lại rất cần trong tương lai như ngành dịch vụ, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản, thú y…” – chuyên gia này cho hay.
Lý giải việc thí sinh lựa chọn các trường an ninh quốc phòng ngày càng nhiều, một chuyên gia cho rằng việc không phải đóng học phí, sinh hoạt phí trong suốt thời gian học, lại được “bao cấp” đầu ra, mức lương cao…là những ký do khiến thí sinh giỏi đua nhau nộp hồ sơ vào các trường này. Ngoài ra phụ huynh cho con học trường quân đội cũng yên tâm hơn vì con mình được quản lý chặt chẽ, hầu như không bị ảnh hưởng xấu do những tác động của xã hội.