Một trong những điểm mới năm nay, ngoài phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT, còn phân tích phổ điểm học bạ làm một trong những chỉ số đánh giá chất lượng.
Thông tin trên được đưa ra vào sáng nay (5/6), tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020, do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có nhiều điểm mới
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Căn cứ vào kết quả đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các nhà trường, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.
Với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để tuyển sinh.
Do vậy, kỳ thi do đó phải đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch.
Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, kỳ thi năm nay có điểm mới so với mọi năm.
Cụ thể, ngoài phân tích dữ liệu điểm thi, còn phân tích phổ điểm của học bạ làm một trong những chỉ số đánh giá chất lượng. “Việc này không phải bới lá tìm sâu để phát hiện sai phạm mà mục đích đảm bảo chất lượng, nhất là các vùng khó khăn”, Bộ trưởng cho hay.
Cũng theo tư lệnh ngành Giáo dục, kỳ thi năm 2020 với mục đích chính là để xét tốt nghiệp THPT nhưng thực tế rất nhiều trường đại học sử dụng kết quả này để tuyển sinh.
“Tôi đã họp trực tuyến với nhiều lãnh đạo trường đại học, cao đẳng và quán triệt các trường phải có trách nhiệm trong kỳ thi này”, Bộ trưởng chia sẻ.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết thêm, kỳ thi năm nay tổ chức trong điều kiện dịch bệnh nên đã có những điều chỉnh nhưng vẫn đặt mục tiêu cao nhất: an toàn, nghiêm túc, khách quan.
Các địa phương chịu trách nhiệm về thành công, Bộ chỉ đạo chung, ban hành khung pháp lý và các điều kiện đảm bảo, cung cấp đề thi, hạ tầng thông tin cơ bản để tổ chức thi, thanh kiểm tra cùng với địa phương.
Ngoài đoàn thanh tra của Bộ, tỉnh như truyền thống mọi năm, năm nay các hội đồng thi sẽ có tổng cộng 3 đối tượng cán bộ thanh tra.
Việc làm này đã được tham khảo ý kiến từ Thanh tra Chính phủ nên không sai quy trình, đảm bảo đúng nguyên tắc.
Cũng theo ông Mai Văn Trinh, năm nay sẽ tiến hành đối sánh, tương quan giữa kết quả học bạ và kết quả kỳ thi để phân tích, đánh giá chất lượng.
“Khâu chấm thi dễ xảy ra gian lận”
Đánh giá khách quan về kỳ thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, bất cứ kì thi nào cũng sẽ có rủi ro.
Công tác in sao, vận chuyển đề thi: Cần coi trọng việc lựa chọn cán bộ tham gia các công tác này.
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi: Hàng năm, cá biệt có một số địa phương chuẩn bị một số điều kiện tổ chức thi không đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng và tiến độ; dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến Kỳ thi.
Khâu chuẩn bị này liên quan đến cả cơ sở vật chất, thiết bị và con người. Do đó, trách nhiệm trực tiếp là của Giám đốc Sở GD&ĐT: Phải thực hiện đúng tiến độ theo lịch trình của kỳ thi.
Công tác tập huấn: Giám đốc sở GD&ĐT chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn có chất lượng; có tài liệu hỗ trợ (cẩm nang); Trong tập huấn, nên có phần kinh nghiệm “xử lý một số tình huống bất thường” xảy ra trong các kỳ thi để cán bộ, giáo viên biết, khuyến khích có hình thức kiểm tra kết quả tập huấn.
Công tác thanh tra: Tập huấn đầy đủ; thanh tra tất cả các khâu; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ các đoàn thanh tra (nhất là các cán bộ đến từ các ĐH).
Công tác bảo quản, lưu trữ đề thi, bài thi: Thực hiện đúng quy chế; phải rất quan tâm công tác chọn cán bộ tham gia khâu bảo quản đề thi, bài thi.
Công tác chấm thi: Theo ông Mai Văn Trinh, đây là khâu dễ phát sinh gian lận, tiêu cực.
Vì thế trong công tác chấm thi phải thực hiện đầy đủ cấu hình, quy chế, quy chuẩn.
“Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay quy định rõ hơn về nhiệm vụ và trách nhiệm của từng khâu.
Chỉ cần làm đúng theo quy chế ở tất cả các khâu, kỳ thi sẽ diễn ra an toàn và nghiêm túc”, ông Mai Văn Trinh nói.
Theo Dantri