Cách bố trí phòng thi mới, niêm phong túi đựng đề thi cũng khác, bố trí thêm cán bộ hỗ trợ kỹ thuật về camera.
Sáng 21/6, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị hướng dẫn coi thi THPT quốc gia năm 2019. Tại hội nghị, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 có nhiều điểm mới trong công tác coi thi.
Bốc thăm cách phát đề thi
Thứ nhất, quy định cách bố trí phòng thi. Những thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên và thí sinh THPT được xếp chung một phòng thi. Năm nay, có hai cách phát đề thi và cán bộ bốc thăm trúng cách phát nào thì thực hiện theo cách đó.
Cách niêm phong các túi đựng đề thi cũng khác năm trước; nơi để đề thi, bài thi của thí sinh được lắp đặt hệ thống camera an ninh ghi hình 24/24 giờ. Tất cả túi đựng bài thi đều có 24 mã đề. Thậm chí, phòng thi có một thí sinh thì túi đựng đề thi cũng có 24 đề. Do vậy, cán bộ nhận đề thi phải kiểm đếm đủ 24 đề thi trong một túi.
Thành phần bảo quản, canh trực đề ở các điểm thi, năm nay, cũng có điều chỉnh với sự tham gia của phó trưởng điểm thi là người của trường đại học hoặc thư ký để đảm bảo tính khách quan. Ngoài ra, mỗi điểm thi sẽ bố trí thêm một cán bộ hỗ trợ kỹ thuật về camera, phải trực 24/24 giờ đảm bảo hệ thống hoạt động bình thường.
Phát hiện nhiều thiết bị công nghệ cao gian lận thi cử
Cũng tại hội nghị, đại úy Hà Quang Huy, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an thành phố Hà Nội, cho biết thời gian qua, Công an Hà Nội đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong thi cử.
Theo đại úy Huy, những thiết bị này có đặc điểm siêu nhỏ, gắn sát màng nhĩ trong tai nên âm thanh nghe rất rõ mà người khác khó phát hiện, có thể chụp đề thi rồi chuyển ra bên ngoài.
“Hiện trên thị trường các đối tượng đang giao dịch hai dạng thiết bị phổ biến. Đó là thiết bị thu phát có dây, gồm hai bộ phận cơ bản là gắn thẻ SIM, thu phát sóng được gắn vào tai. Thiết bị này có dây nhợ nhiều, khi sử dụng phải ngụy trang dưới cổ áo để tránh sự phát hiện. Từ loại này đã được cải tiến nhỏ gọn như hạt đậu, gắn sát vào màng nhĩ lỗ tai, cán bộ coi thi khó phát hiện vì độ âm thanh phát ra rất nhỏ”, đại úy Huy cho biết.
Cũng theo đại diện Công an Hà Nội, hiện, các thiết bị này được thiết kế dưới nhiều dạng như thẻ ATM, cúc áo, bút bi, chìa khóa ôtô, xe máy, gọng kính, đồng hồ đeo tay… Mức giá dao động 1-5 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo đại úy Hà Quang Huy, thiết bị dù có hiện đại đến đâu vẫn cần đến sự điều hành của con người. Do đó, nếu cán bộ coi thi để ý thì hoàn toàn có thể phát hiện.
Ví dụ như sau khi nhận đề thi, thí sinh giơ đề lên lẩm nhẩm đọc bài, đó tưởng là hành vi bình thường nhưng nếu có thiết bị thu phát trong người thì sẽ truyền được đề thi ra ngoài.
Hoặc có thể để ý đến đặc điểm của thí sinh như thái độ không tập trung làm bài thi, hay quan sát cán bộ coi thi. Trong điều kiện thời tiết nóng bức, các thí sinh dùng thiết bị có dây sẽ hay mặc áo dài tay, áo dài trùm tai, trùm gáy để che giấu. Thí sinh gắn thiết bị vào tai nên hay bị ngứa, sẽ thường xuyên đưa tay lên tai để gãi hoặc chống tay che giấu…