Theo cô giáo Nguyệt Ca, Nguyễn Thanh Hương và thầy Phan Huy Phúc, để đạt điểm 9, 10 môn Tiếng Anh, học sinh cần có kiến thức chắc, hiểu biết rộng về ngôn ngữ và kỹ năng viết bài.
Trước việc nhiều học sinh lo lắng về môn thi Tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, nhóm giáo viên luyện thi online Nguyệt Ca, Nguyễn Thanh Hương, Phan Huy Phúc tư vấn cách làm bài môn thi này.
Cô giáo Nguyệt Ca: Phải đúng trọn 5 câu ngữ âm
Trước hết, học sinh cần xác định rõ những việc cần làm và quyết tâm với mục tiêu này đến cùng. Trong quá trình học cần tâp trung cao độ và học Tiếng Anh hàng ngày đều đặn. Các em nên lập ra các công việc của từng ngày, từng tuần, từng tháng và hết sức cố gắng hoàn thành.
Muốn đạt điểm cao Tiếng Anh, học sinh cần chú ý phần kiến thức khó như Từ vựng (trau dồi từ vựng hàng ngày để có vốn từ vựng tốt giúp xử lý bài đọc hiểu, điền từ đoạn văn và có vốn từ để viết đoạn văn…); các phần kiến thức khó liên quan Preposition, Collocation, Idioms, Phrasal Verb…; dạng bài điền từ vào đoạn văn, đọc hiểu và viết đoạn văn.
Với 64 câu hỏi trắc nghiệm và 2 bài tự luận, muốn đạt 9 điểm trở lên, học sinh không được sai quá 5 câu trắc nghiệm (0,125 điểm một câu), giành trọn 0,5 điểm và phải đạt trên 1,25 điểm phần viết đoạn văn. Với mức chỉ tiêu như vậy, học sinh cần cố gắng nỗ lực hết sức ở các dạng bài.
Với phần ngữ âm (trọng âm + phát âm), học sinh chắc chắn phải đúng 5 câu bằng cách học từ vựng, từ mới, tra kỹ cách đánh phiên âm, trọng âm, đọc liên tiếp, từ đó thành tiếng ít nhất 3 lần và hơi cường điệu thanh điệu của từ lên một chút sẽ giúp nhớ lâu và có phản xạ tốt khi làm bài trọng âm. Học thuộc các quy tắc đánh trọng âm, quy tắc phát âm và áp dụng vào bài tập để làm cho thuần thục.
Một số lỗi phát âm của học sinh: Phát âm Tiếng Anh bằng việc đánh vần theo quy tắc Tiếng Việt; ghép nguyên âm với phụ âm và tự cho dấu sắc; áp đặt cách phát âm của từ khác khi phát âm từ tương tự… Học sinh trước tiên cần từ bỏ những thói quen này khi học phần Ngữ âm.
Cô Nguyễn Thanh Hương. Ảnh: Infonet. |
Cô Nguyễn Thanh Hương: Chú ý phần hoàn thành câu
Với 19 câu hỏi hoàn thành câu, học sinh chỉ cho phép mình sai không quá 1 câu. Cần xử lý nhanh gọn và chuẩn xác những câu hỏi dễ về chuyên đề ngữ pháp lớn, câu chức năng giao tiếp, loại từ… Các em nên để thời gian xử lý câu khó, có kết hợp kép các chuyên đề với nhau hoặc các câu có kiến thức khó ở phần vocabulary, preposition, phrasal verb, collocation…
Để làm được các câu khó hơn, học sinh phải viết các cụm từ, lưu ý ra vở ghi chép, học thuộc chắc chắn, tránh mơ hồ, nhớ quên, đại khái…
Ví dụ: (Câu 21, mã đề 194) Such characters as fairies or witches in Walt Disney animated cartoons are purely________
A. imaginary B. imagining C. imaginative D. imaginable.
Ta thấy, vị trí sau to be “are” là Adj. Tuy nhiên, cả A, C, D đều là Adj nên ta cần phải biết từ vựng tốt để giải quyết câu này.
A. imaginary: chỉ là tưởng tượng, chỉ có trong tưởng tượng
C. imaginative: có trí tưởng tượng (thường miêu tả người)
D. imaginable: có thể tưởng tượng được.
Câu này với ý nghĩa là “ các nhân vật như các bà tiên hay phù thủy trong hoạt hình Walt Disney chỉ đơn thuần là…”, ta chọn A với nghĩa “chỉ là tưởng tượng”.
Phần tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, lỗi sai, các em phải làm đúng trọn vẹn mới có cơ hội đạt điểm 9. Trong bài tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, phần gạch chân thường là từ mới hoặc từ khó. Chúng ta rất khó biết nghĩa nếu chỉ nhìn vào từ đó đơn lẻ, hãy đặt chúng trong một văn cảnh cụ thể, với các từ kèm theo khá dễ hiểu để giải thích và diễn giải cho phần cần tìm nghĩa.
Với tìm lỗi sai, câu cần tìm thường rắc rối, nội dung khó hiểu. Học sinh quy câu đó về chuyên đề ngữ pháp đã biết, gắn các phương án vào thành phần còn lại chắc chắn đúng của câu để tìm ra lỗi sai ở những phần không hợp lý. Nếu gặp khó khăn, hãy loại các phương án chắc chắn đúng và nghiên cứu phương án còn lại, có thể là sai về cụm từ, giới từ hoặc từ vựng.
Điền từ vào đoạn văn:Bài này có 2 kiểu, một số câu có thể hoàn thành trong phạm vi chính câu đó, hoặc bắt buộc phải đọc và gắn câu chứa chỗ trống với các câu đi bên cạnh và nội dung của bài mới làm được. Phần kiến thức được hỏi trong dạng bài này liên quan ngữ pháp, giới từ, liên từ, và các câu hỏi về từ vựng tương đối khó.
Thí sinh dự thi đại học. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ví dụ: (Câu 38, mã đề 194) In fulfilling this mission, libraries preserve a valuable record of culture that can be passed down to______ generations.
A. succeeding B. succeed C. successful D. success.
Đứng trước N generations cần 1 tính từ, nhưng không chọn C. successfulvì ngữ nghĩa không hợp, không nói là các giá trị được truyền các thế hệ thành công. Ta phải chọn A. succeeding (nghĩa là nối tiếp) với nghĩa của câu là “thư viện gìn giữ các tài liệu về văn hóa có thể được truyền cho các thế hệ nối tiếp”.
Thầy Phan Huy Phúc: Hai bài đọc hiểu sai không quá 3 câu
Phần đọc hiểu tuy khó nhưng lại chiếm số lượng câu hỏi lớn, quyết định điểm số 9, 10. Có thể đọc câu hỏi trước để nắm thông tin phần đọc hiểu hoặc đọc kỹ đoạn văn để tóm lược câu hỏi trước khi trả lời câu hỏi. Sau khi trả lời xong các câu hỏi thì phải luôn quay lại đọc toàn bộ bài và lướt lại một lần các đáp án theo ý đã hiểu.
Phần viết lại câu: Dạng bài này mức độ trung bình, thường rơi vào các chủ đề của câu điều kiện, câu so sánh, câu chuyển trực tiếp – gián tiếp, câu bị động, đảo ngữ, các cấu trúc phổ biến…
Điểm lưu ý khi viết lại câu là cần hài hòa về thì, hài hòa chủ ngữ và động từ, đọc lại cẩn thận để không phát sinh lỗi sai.
Viết đoạn văn: Dành thời gian để lập dàn ý, sắp xếp ý trong khâu chuẩn bị. Học sinh viết bài xong cần kiểm tra lại bài cẩn thận tránh những lỗi sai đáng tiếc.
Bố cục: 0,4 (đủ 3 phần mở thân kết, có câu topic sentence).
Phát triển ý: 0,25 (ý lớn, ý triển khai liên kết logic, mạch lạc…).
Sử dụng ngôn từ: 0,3 (từ đúng chủ đề, phong phú và có sử dụng từ nối).
Nội dung: 0,3 (đủ thuyết phục, có dẫn chứng, độ dài không quá 5%).
Ngữ pháp, dấu câu, chính tả: 0,25.