Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc tổ chức xét tuyển chung sẽ hạn chế thí sinh ảo, giải quyết căn bản những vướng mắc năm 2015, thế nhưng các trường hiện rối bời với thay đổi này
Quy định xét tuyển chung toàn quốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa được đưa ra ở thời điểm kỳ thi THPT quốc gia chỉ còn hơn 1 tháng rưỡi không chỉ khiến phụ huynh, thí sinh hoang mang, lo lắng mà các trường ĐH cũng bối rối.
Chưa biết sử dụng phần mềm nào
Lãnh đạo nhiều trường ĐH tại Hà Nội khi được hỏi cho biết rất bất ngờ với thay đổi này vì họ hoàn toàn không được hỏi ý kiến. “Lãnh đạo Bộ GD-ĐT làm chúng tôi chóng mặt vì thay đổi quá đột ngột. Đến giờ, nói thật, chúng tôi không biết việc xét tuyển năm nay sẽ như thế nào” – hiệu trưởng một trường ĐH thuộc tốp giữa ở Hà Nội nói.
Kiểm tra hồ sơ thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Lo lắng chung mà lãnh đạo nhiều trường ĐH đặt ra là liệu phần mềm xét tuyển của bộ có bảo đảm việc thực hiện xét tuyển đồng thời cho cả trăm trường hay không khi mà gần đến kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT vẫn đắn đo chưa quyết định đơn vị cung cấp phần mềmtuyển sinh chính thức là Viettel hay FPT?
PGS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, bày tỏ sự lo ngại về hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ GD-ĐT. Theo PGS Xê, năm ngoái đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng khi công bố điểm, năm nay nếu dùng chung phần mềm xét tuyển thì những nguy cơ trên là khó tránh khỏi.
Một chuyên gia tuyển sinh phân tích với phương thức xét tuyển chung này, Bộ GD-ĐT muốn thí sinh xét tuyển online để chuyển dữ liệu về bộ, từ đó bộ xét tuyển rồi chuyển dữ liệu về các trường. Tuy nhiên, khi dữ liệu của tất cả thí sinh tập trung về thì server mạng máy tính của bộ có chịu đựng được hay không, nhất là khi thí sinh cùng dồn việc nộp hồ sơ trong những ngày cuối?
Đó là câu hỏi cần có sự hồi đáp rõ ràng từ phía Bộ GD-ĐT. Chưa hết, thực tế mỗi trường có một tiêu chí riêng nên khi xét tuyển cũng kèm theo những điều kiện của mình, vậy khi xét tuyển chung, phần mềm có giải quyết được những điều kiện đặc thù của mỗi trường hay không?
Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, để có một phần mềm đáp ứng hết các yêu cầu của cả mấy trăm trường ĐH là không dễ dàng và thời gian vài tháng để chuẩn bị là quá gấp. Ông Tùng cũng chia sẻ nếu các trường tuyển sinh có nhiều tiêu chí riêng thì sẽ rất khó đáp ứng, mà khi các trường thấy điều kiện của mình không được thực hiện thì sẽ đứng ngoài việc xét tuyển chung, như vậy chủ trương của bộ sẽ khó thành công.
Cần sửa quy chế
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng phân tích nếu Bộ GD-ĐT bắt buộc các trường dùng kết quả thi THPT quốc gia phải tham gia xét tuyển chung thì vừa không đúng với quy chế tuyển sinh mà bộ mới chỉnh sửa vừa vi phạm quyền tự chủ của các trường. Theo PGS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ GD-ĐT cần nói rõ việc xét tuyển chung có bắt buộc hay không, nếu là bắt buộc thì phải đưa vào quy chế tuyển sinh. Nếu không bắt buộc thì có hướng dẫn, các trường thấy tốt sẽ tham gia.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, phân tích theo quy chế hiện hành, thí sinh đăng ký đồng thời 4 nguyện vọng thì không thể khắc phục được tình trạng thí sinh ảo. Muốn giảm ảo khi xét tuyển chung thì phải sửa quy chế, cho thí sinh được sắp xếp 4 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, trúng tuyển nguyện vọng này thì không được xét tiếp chứ không thể để xét đồng thời và tùy chọn trường vào học trong số các nguyện vọng trúng tuyển.
Một chuyên gia phân tích thêm: “Quy chế của bộ cho phép thí sinh được nộp hồ sơ vào 2 trường, nếu thí sinh đỗ cả 2 trường thì sẽ giải quyết thế nào? Khi ấy, bộ có xử lý theo hướng tự động cắt một nguyện vọng của thí sinh hay không? Liệu bộ sẽ lấy quyền gì để yêu cầu thí sinh chỉ học trường này mà không được học trường kia vì chọn trường nào là quyền của thí sinh, như thế sẽ lại rối lên”. Chuyên gia này cũng đặt câu hỏi liệu phần mềm của bộ có giải quyết được việc này không và dự kiến mức độ ảo sẽ thế nào? Để chống ảo, các trường tốp dưới sẽ phải gọi vượt chỉ tiêu thì mới tuyển được đủ sinh viên, liệu bộ có cho phép các trường gọi vượt chỉ tiêu không?
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng bộ nên khuyến khích trường phải đăng ký tham gia trên cơ sở tự nguyện. Trường nào muốn xét tuyển riêng thì đó là quyền tự chủ của các trường, không thể bắt các trường tham gia.
Chiều 11-5, Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp về phần mềm xét tuyển chung, tuy nhiên báo chí không được tham gia. Mọi thông tin liên quan đến phần mềm này cũng chưa được Bộ GD-ĐT thông tin rộng rãi. |
Đẩy các trường vào thế bị động Cho đến thời điểm này, bộ vẫn chưa công bố thông tin gì về phần mềm tuyển sinh dù thời điểm thi đã cận kề. Lãnh đạo một trường ĐH chia sẻ rằng trường không biết phải làm gì ngoài việc chờ đợi thông tin từ Bộ GD-ĐT. “Bộ đẩy chúng tôi vào tình trạng bị động hoàn toàn. Thật khó để có thể yên tâm khi quy chế thi đã ban hành, thí sinh và các trường đã triển khai công việc thì gần đến kỳ thi Bộ GD-ĐT lại thay đổi chóng mặt, đẩy chúng tôi và cả thí sinh vào tình trạng không biết phải làm thế nào” – hiệu trưởng này nói. |
Theo 24h.com.vn/Yến Anh (Người lao động)