Ngoài những kiến thức được giảng dạy theo chương trình sách giáo khoa, đề thi THPT Quốc gia năm 2016 sẽ có những câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức xã hội và hiểu biết thực tiễn trước những vấn đề “nóng” đã và đang diễn ra hoặc sẽ trở thành xu hướng trong tương lai.
Bên cạnh những sự kiện mang tính thời sự, có thể đề thi năm nay sẽ yêu cầu thí sinh phải phân tích, bày tỏ quan điểm về những vấn nạn nhức nhối trong cộng đồng và xã hội. “Tôi chọn cá”, thực phẩm bẩn, bạo lực học đường, bắt cóc trẻ em, bệnh vô cảm… sẽ là những “từ khóa” thí sinh không thể bỏ qua khi ôn thi trong giai đoạn nước rút này.
“Tôi là người Việt Nam, tôi chọn cá”
Đây là câu trả lời của đông đảo người dân Việt trước câu hỏi “Chọn nhà máy hay chọn cá tôm?” của một chủ doanh nghiệp nước ngoài trước sự việc cá chết hàng loạt dọc ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Câu nói của vị đại diện này đã nhanh chóng làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận cả nước, khi mà nguyên nhân của sự việc “cá chết” vẫn chưa được các nhà chức trách làm rõ.
Câu hỏi thể hiện sự vô trách nhiệm của những người làm doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường và câu trả lời thể hiện tinh thần dân tộc đoàn kết và nhận thức của người dân đã và đang ngày một nâng cao. “Tôi chọn cá” làm dấy lên làn sóng dữ dội về vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Đây là một trong những vấn đề nóng của toàn nhân loại gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của con người. Nguyên nhân của sự việc này chủ yếu là do tác động tiêu cực của con người đến thiên nhiên, phá hủy hệ sinh thái nguyên sinh, làm cạn kiệt tài nguyên và mất cân bằng môi trường sống.
Thực phẩm bẩn – Người Việt đang tự giết nhau
“Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy” – Là phát biểu của đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Nhận định của bà Nga cho thấy, vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian gần đây rất đáng báo động, gây hậu quả trước mắt nhưng hệ quả lâu dài.
Dân ta thậm chí không biết “ăn gì để sống” khi mà thịt lợn có chất tạo nạc salbutamol, thịt bò được làm từ thịt heo tẩm hóa chất, thịt gà chết được nhuộm hóa chất thành gà mới vàng ươm, cá nhiễm thủy ngân, tôm bơm thuốc kháng sinh, rau xanh nhờ tưới dầu nhớt, đậu hũ trộn cao xây nhà, gạo ngâm thuốc tẩy trắng, trái cây tiêm chất bảo quản và thậm chí không khí cũng ô nhiễm nặng nề.
Dân buôn bán chạy theo lợi nhuận, nhắm mắt làm ngơ mà bất chấp hậu quả đối với sức khỏe của đồng bào và an toàn của cộng đồng. Người tiêu dùng thì kém hiểu biết, nhận thức còn hạn chế, thậm chí có tâm lý buông xuôi. Nhà chức trách thì đùn đẩy trách nhiệm, chế tài pháp luật chưa nghiêm, thiếu phối hợp trong quy trình quản lý giữa các cấp.
Nhức nhối bạo lực học đường ngày càng gia tăng
Trong những năm gần đây bạo lực học đường đang trở thành một vấn nạn lớn làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục và nhức nhối trong cộng đồng. Những clip như nhóm nữ sinh xé áo bạn vì ăn cắp vặt hay nữ sinh dùng ghế nhựa “phang” vào đầu bạn vì “chảnh”… thực sự khiến dư luận bàng hoàng.
Bạo lực học đường có thể xuất hiện ở bất cứ đâu vì những nguyên nhân không đâu như: nhìn đểu, nói móc, tranh giành “người yêu”, ghen tị về thành tích học tập, do chịu ảnh hưởng xấu từ phim truyện, sai lệch trong quan điểm sống, thiếu kỹ năng sống, thiếu sự quan tâm của gia đình và nhà trường…
Hậu quả trước mắt của vấn nạn này là gây tổn thương về tinh thần và thể xác cho người bị hại, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết, tình bạn và kết quả học tập. Người gây bạo lực thì bị mọi người lên án, xa lánh, ghét bỏ, mất dần nhân tính, phát triển không toàn diện thậm chí đi vào con đường sai trái nếu không được giáo dục đúng cách. Hệ quả lâu dài của vấn nạn này là gây nên sự bất ổn trong xã hội và tâm lý hoang mang của thầy cô, phụ huynh, bạn bè.
Bắt cóc trẻ em ngày càng tinh vi, liều lĩnh
Nạn bắt cóc trẻ em đang diễn biến khó lường với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất vô cùng liều linh và táo tợn. Hành vi này có thể xảy ra ở bất cứ đâu với bất kỳ gia đình nào và bất kỳ trẻ em ở lứa tuổi nào. Số vụ bắt cóc ngày một nhiều là hồi chuông cảnh báo cho tất cả các bậc làm cha mẹ cũng như các gia đình và toàn xã hội.
Đối tượng gây án có thể là những người hiếm muộn, kẻ buôn người, buôn nội tạng, lưu manh, nghiện hút, lô đề, cờ bạc, tiền án tiền sự, nợ nần, không có công ăn việc làm. Tuy nhiên, không hiếm những kẻ thủ ác lại chính là bạn bè, người thân trong gia đình. Trẻ thường bị bắt cóc khi đi một mình. Kẻ gây án thường giả danh người nhà hoặc người quen của cha mẹ để tiếp cận và dụ dỗ các bé.
Hiện nay, có nhiều thủ đoạn bắt cóc tinh vi hơn như giả danh y tá, bác sĩ, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân để làm quen với sản phụ tại bệnh viện, rồi lợi dụng sơ hở để bắt cóc trẻ sơ sinh. Người thân, bạn bè bắt cóc chính con, em, cháu ruột của mình để tống tiền cha mẹ trẻ. Nhiều đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội như facebook, zalo… để làm quen, rủ rê trẻ đi chơi, xem phim với chúng để thực hiện hành vi bắt cóc. Thậm chí có những đối tượng táo tợn cướp giật trẻ em ngay ở trên đường phố.
Trước vấn nạn này, cha mẹ nên nói cho con cái về nạn bắt cóc trẻ em, giáo dục con để nâng cao cảnh giác khi bị người lạ tiếp cận. Các bậc cha mẹ, thầy cô không nên lơ là, mất cảnh giác dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Khi ra đường không nên cho con đeo đồ trang sức đắt tiền, cha mẹ cũng nên hạn chế “khoe” con trên mạng xã hội.
Bệnh vô cảm lây lan trong toàn xã hội
Vô cảm là thái độ sống thờ ơ, không cảm xúc trước những sự vật, sự việc đang diễn ra xung quanh hay hờ hững trước nỗi đau, bất hạnh của người khác. Đây là cách sống tiêu cực đáng phê phán, đi ngược lại truyền thống đạo đức vị tha, nhân ái, bao dung bao đời nay của dân tộc ta.
Vốn dĩ vô cảm chỉ là một trạng thái tâm lý nhất thời, tuy nhiên, hiện nay nó đã diễn tiến trở thành một căn bệnh trầm kha khó chữa đang xâm nhập ngày một sâu rộng vào nhiều tầng lớp xã hội, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn với lối sống hiện đại và guồng quay công việc bận rộn. Con người đang chạy theo những cám dỗ như tiền bạc, danh vọng, quyền lực để thỏa mãn cái “tôi” mà coi nhẹ đời sống tinh thân và quên đi cái “ta”. Căn bệnh này bắt nguồn từ lối sống lệch lạc, tính ích kỷ và nhận thức hạn hẹp.
Bệnh vô cảm có nhiều mức độ khác nhau, kèm theo đó là những biểu hiện bệnh tình nặng nhẹ. Nhẹ thì như thanh niên không nhường chỗ cho cụ già, phụ nữ có thai trên xe buýt, kẹt xe mà nhiều người vẫn cố tình chen lấn làn đường, luồn lách đánh võng. Nặng thì thấy người bị nạn trên đường thản nhiên bỏ đi không giúp đỡ hoặc cố tình né tránh vì sợ bị liên lụy hoặc hiểu lầm là người gây tai nạn. Đáng sợ hơn cả là thái độ lạnh lùng thậm chí vô tâm đến tàn nhẫn trước những thương đau, mất mát của đồng bào như trẻ mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, nạn nhân của tai nạn giao thông, thiên tai bão lụt…<