Ông Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT thông tin với Thanh Niên về những sai lầm thí sinh cần tránh trong quá trình đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018, cũng như mức độ khó dễ trong đề thi năm nay.
Ông Nghĩa cho biết, từ 1.4 đến hết ngày 20.4, các thí sinh (TS) sẽ đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển. Các quy định về đăng ký cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2017. Tuy nhiên, TS tự do chưa tốt nghiệp cần lưu ý về điều kiện bảo lưu kết quả thi. Theo đó, TS được phép bảo lưu kết quả các môn thi, bài thi và môn thi thành phần của bài thi tổ hợp với điều kiện các môn thi, bài thi này đạt từ 5 điểm trở lên. Đối với bài thi tổ hợp, để được bảo lưu cả bài thi, ngoài điều kiện kết quả bài thi đạt từ 5 điểm trở lên, các môn thành phần của bài thi phải có kết quả lớn hơn 1 điểm.
Làm tốt phần cơ bản là có thể vào được đại học
Nhiều TS lo ngại có phần kiến thức lớp 11, dù trong đề minh họa phần kiến thức này chỉ chiếm khoảng 20 – 30% nhưng không có “khoanh vùng” nội dung kiến thức lớp 11 nên các trường buộc phải ôn tập hết cho học sinh. Điều này dẫn tới việc dạy và học quá tải. Ông giải thích ra sao về điều này?
Từ cuối năm 2016, Bộ đã thông báo nội dung thi năm 2018 có cả nội dung của chương trình lớp 11. Như vậy, từ khi học lớp 11, TS đã được thông báo nội dung thi để chuẩn bị ôn tập từ lớp 11 và các trường cũng có thông tin để chuẩn bị cho việc ôn tập cho TS chương trình lớp 11 từ năm học 2016 – 2017.
Hơn nữa, cấu trúc của đề thi năm nay vẫn giữ ổn định như năm 2017. Câu hỏi về kiến thức cơ bản sẽ chiếm 50 – 60%. Những TS làm tốt phần này không chỉ đủ điều kiện để tốt nghiệp mà còn có thể trúng tuyển vào nhiều trường đại học (ĐH). Phần phân hóa chỉ có ý nghĩa đối với TS đăng ký vào các trường tốp đầu và sự cạnh tranh này là bình đẳng khi các quy định về đề thi áp dụng cho tất cả các TS.
Những lưu ý khi đăng ký dự thi
Xin ông cho biết, những sai sót, nhầm lẫn nào TS hay gặp phải trong quá trình đăng ký dự thi?
Khi đăng ký dự thi, có một số điểm TS cần lưu ý để không mắc phải các sai lầm như trong năm 2017.
Chứng minh nhân dân được sử dụng khi đăng ký dự thi, khi sơ tuyển (đối với trường có sơ tuyển) và thi các môn năng khiếu. Trong trường hợp này phải sử dụng thống nhất một số giấy chứng minh nhân dân để các trường có thể liên kết dữ liệu thi với kết quả thi năng khiếu và/hoặc kết quả sơ tuyển.
Sau khi TS nộp phiếu đăng ký, các trường THPT sẽ nhập dữ liệu đăng ký của TS, in ra để TS rà soát, ký xác nhận. TS lưu ý rà soát kỹ trước khi ký xác nhận.
TS được cấp tài khoản và mật khẩu để truy cập hệ thống. Khi có tài khoản này, TS có thể vào hệ thống kiểm tra các thông tin cá nhân đã được hệ thống chấp nhận, giấy báo thi, kết quả thi, kết quả xét tuyển. Chính vì vậy, nếu chưa nhận được tài khoản và mật khẩu, các TS (đặc biệt là TS tự do) phải liên hệ với địa điểm tiếp nhận đăng ký dự thi để lấy được tài khoản và mật khẩu.
TS cần lưu ý chỉ kê khai các chế độ ưu tiên khi chắc chắn, nếu còn chưa rõ phải hỏi nhà trường, sở GD-ĐT để được tư vấn.
Nhiều ý kiến băn khoăn về cách thức làm bài thi tổ hợp, cho rằng việc TS phải làm 3 môn thi trong một bài thi dẫn tới căng thẳng, quá sức… Việc làm bài cả 3 môn thi trong cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm dễ dẫn tới việc TS dồn thời gian cho môn thi đăng ký xét tuyển ĐH. Tại sao năm nay Bộ không thay đổi điều này?
Việc thi bài thi tổ hợp đã được thử nghiệm từ năm 2015 với bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và có cơ sở thực tế để triển khai. Hơn nữa, thời gian thi các bài thi tổ hợp này là 150 phút, ngắn hơn thời gian thi toán hay ngữ văn trước kia (180 phút). Phân tích phổ điểm bài thi tổ hợp năm 2017 cho thấy không có những bất thường do quá tải của TS khi làm các bài thi này. Trước khi đưa ra phương án thi năm 2018, Bộ đã tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến các sở, các trường ĐH.
Theo Thanhnien