“Đề nghị Bộ GD&ĐT giữ ổn định những gì thành công trong kì thi THPT quốc gia vừa qua và chỉnh sửa một số chi tiết về kĩ thuật. Trong đó, kiến nghị sửa bài thi tổ hợp, không chia thành từng môn nữa vì gây khó khăn trong xét tuyển”.
Trên đây là ý kiến của ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tại Hội nghị Tổng kết năm học 20166- 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017- 2018, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 21/8 tại Hà Nội.
Sửa về mặt kĩ thuật
Theo ông Hoàng Minh Sơn, có 3 ý kiến đề xuất với Bộ GD&ĐT. Thứ nhất, việc thi và tuyển sinh, ông nhất trí cao như thi năm 2017 vì đây là kì thi được đánh giá rất thành công. Do đó, ngành giáo dục nên giữ nguyên những điểm tốt và chỉ sửa chữa một chút về mặt kĩ thuật.
Cụ thể, theo ông Sơn, trong kì thi tới, đề nghị Bộ GD&ĐT thay đổi đề thi môn tổ hợp. Theo đó, không chia thành từng môn trong bài thi tổ hợp nữa vì gây khó khăn trong công tác xét tuyển.
Đưa ra ý kiến đóng góp về kì thi THPT quốc gia, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc thi phổ thông là để đánh giá học sinh sau 12 năm học, còn thi ĐH nên để các trường tự lo. Hiện nay, chúng ta đang lấy kết quả của thi phổ thông để xét vào ĐH là chưa phù hợp.
Ngoài ra, cũng theo ông Bình, cần xem xét xem chúng ta cần gì ở cấp học phổ thông. “Theo tôi hướng về đào tạo nhân lực, nhân lực hội nhập quốc tế, nhân lực khi CNTT đang phát triển, với điều kiện đất nước như hiện nay thì cần nhất là nguồn nhân lực”, ông Bình nói.
Không loại trừ nhiều trường tuyển sinh bằng mọi giá
Một vấn đề không mới nhưng đang ồn ào trong thời gian gần đây là việc thừa, thiếu nhân lực trong ngành sư phạm. Đặc biệt, một số trường cao đẳng Sư phạm “vơ bèo vạt tép”, tuyển sinh với mức 9 điểm/3 môn.
Về điều này, GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc dư luận nói nhiều đến những bất cập trong ngành Sư phạm thời gian qua cho thấy sự quan tâm của cả xã hội đối với giáo dục. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề tập trung nâng cao chất lượng của người thầy là hết sức quan trọng.
“Tại các trường Sư phạm truyền thống vẫn giữ được điểm đầu vào khá cao. Dù điểm đầu vào không phải là tất cả, nhưng đó là những tham số đáng quan tâm khi tuyển sinh. Ngoài ra không loại trừ khả năng, một số cơ sở cố tình tuyển sinh bằng mọi giá. Nếu thế, đây chính là hệ lụy cho việc thiếu kiểm soát của các cơ sở đào tạo sư phạm”, ông Minh chia sẻ.
Cũng theo ông Minh, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh những năm qua chưa được thực hiện một cách rốt ráo. Điều này dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, tác động không nhỏ tới tâm tư của học sinh giỏi muốn đăng ký vào các trường sư phạm. Do đó ông cho rằng, việc quan trọng nhất lúc này là cần sớm quy hoạch mạng lưới đào tạo sư phạm.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, sở dĩ thí sinh thờ ơ với ngành Sư phạm, hay nhân lực ngành giáo dục trở thành vấn đề “nóng” thời gian qua là vì lâu nay, ngành đang ở thế khó, hay nói cách khác là “ngành giáo dục đang rất khó điều hành”.
“Giáo viên là viên chức do Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ quản lý, trong khi Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Việc này gây ra tình trạng khó điều hành trong công tác quản lý. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng cần điều chỉnh và có những kiến nghị hợp lý, để tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý của mình”, ông Bình cho biết.
Theo Dantri