Sau kỳ thi THPT quốc gia năm nay, nhiều ý kiến trên mạng tranh luận về việc công bố điểm của thí sinh có vi phạm quyền riêng tư.
Công bố điểm thi là hoạt động thường lệ sau phần lớn kỳ thi ở nước ta, từ khảo sát cuối kỳ đến thi tuyển sinh lớp 10 hay thi THPT quốc gia (trước đó là tuyển sinh đại học, cao đẳng). Điểm thi có thể công bố trên báo chí, các trang tra cứu của các sở GD&ĐT, trường đại học hay dán tại bảng tin của trường.
Sau kỳ thi THPT quốc gia năm nay, vấn đề này gây tranh luận trên mạng khi có nhiều ý kiến cho rằng việc công khai điểm thi là vi phạm quyền riêng tư cá nhân.
Nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng việc công khai thông tin thí sinh có thể bị lợi dụng để nhục mạ và gây sức ép công khai trên mạng xã hội. Nó cũng có thể được dùng để tạo ra sự cạnh tranh giữa các thí sinh, thúc đẩy một cuộc chạy đua về điểm số, tóm lại là thành tích, giữa người này và người kia.
Nhiều trường hợp học sinh bỏ nhà ra đi hoặc tệ hơn là tự tử, do bị tổn thương về tâm lý, vì xấu hổ với bạn bè, thầy cô, hàng xóm vì điểm thi thấp.
Có vi phạm luật pháp?
Được và mất của việc công khai điểm thi không chỉ gây tranh cãi trong giới chuyên môn mà những người trong cuộc – thí sinh trực tiếp tham gia kỳ thi THPT quốc gia vừa qua – cũng có quan điểm trái chiều.
Bạn Bùi Ngọc Thịnh (TP.HCM) cho rằng hệ thống tra cứu nên yêu cầu điền thêm thông tin, như số chứng minh thư, để đăng nhập. Việc này đảm bảo chỉ bản thân thí sinh hoặc người thân cận mới biết điểm.
Thịnh giải thích các bạn điểm từ 24, 25 trở lên không lo ngại chuyện công khai kết quả vì nếu người khác biết cũng ngưỡng mộ, chung vui.
“Những bạn không đạt kết quả tốt sẽ rất ngại vì bị bàn tán. Em nghĩ tốt nhất Bộ GD&ĐT nên báo điểm vào tài khoản riêng của thí sinh. Hiện tại, mỗi thí sinh đều có tài khoản này”, nam sinh bày tỏ.
Ngược lại, Nguyễn Văn Hùng (TP.HCM) lại cho rằng việc công khai điểm thi là chuyện hết sức bình thường.
“Sức học của các bạn trong 12 năm ai cũng rõ cả rồi, trong đó có bạn bè, cha mẹ, làng xóm. Điểm thi giờ cũng chỉ là con số. Tất nhiên sẽ có những trường hợp rủi ro trong quá trình làm bài, điểm thấp hoặc cao bất thường nhưng rất hiếm”, Hùng nêu ý kiến.
Từ góc độ nhà quản lý giáo dục, ông N.V.T, Trưởng phòng khảo thí của một sở GD&ĐT, cho rằng việc công bố điểm thi trên Internet và các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch.
Thí sinh phải chấp nhận đúng năng lực của mình. Hơn nữa, các em đã 18 tuổi, đến lúc chịu trách nhiệm cho việc làm của mình. Ông T. cũng lo ngại nếu không công khai điểm thi, người đậu, kẻ rớt sẽ có sự nghi kỵ lẫn nhau và nghi ngờ về sự minh bạch của công tác chấm thi.
Luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty Luật Bảo An, Đoàn luật sư Hà Nội, khẳng định việc công khai điểm thi THPT quốc gia như hiện nay không vi phạm quyền riêng tư.
Ông nói thêm từ trước đến nay, bảng điểm vẫn được niêm yết ở cổng trường nên không có lý do gì cấm công khai điểm thi. Việc công bố như vậy giúp học sinh và người nhà tra cứu thuận lợi, nhà trường cũng dễ nắm bắt kết quả học tập của học sinh, cũng như hiệu quả công tác giảng dạy.
Ngược lại, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng thông tin về trường lớp, kết quả học tập của trẻ em được xem là bí mật đời sống riêng tư, bí mật đời sống cá nhân.
Những học sinh đã trên 16 tuổi, dù không còn là trẻ em nữa, những thông tin về điểm thi, kết quả học tập cũng cần được xem là bí mật đời tư, bí mật cá nhân, được tôn trọng và bảo vệ. Việc công bố công khai kết quả trên Internet và các phương tiện thông tin đại chúng không phù hợp.
Cụ thể, ông Hậu dẫn Hiến pháp năm 2013, điều 21, quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.
Ngoài ra, Điều 38, Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định rõ Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Luật trẻ em (2016) và Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5 hướng dẫn Luật trẻ em, đã quy định những hành vi cấm đối với thông tin về trường, lớp, kết quả học tập của trẻ em.
TS Trần Vinh Dự – tốt nghiệp tiến sĩ ĐH Texas, Mỹ – nêu quan điểm không nên công khai điểm thi. Theo ông, vi phạm quyền riêng tư hay không là vấn đề mang tính quy định của pháp luật. Nhưng về mặt tâm lý, con người, đặc biệt những thí sinh mới 18 tuổi, dễ tổn thương nếu đạt điểm thấp.
Tiến sĩ này cho rằng có nhiều cách để tra cứu, không nhất thiết phải công khai. Cụ thể, mỗi thí sinh có mã số riêng, các em dùng mã đó để đăng nhập trang tra cứu của sở, bộ để kiểm tra kết quả.
Các nước công bố điểm thi khác nhau
Nhiều nước phương Tây coi trọng quyền riêng tư nhưng không có nghĩa điểm thi được bảo mật hoàn toàn.
Lệ Hải, du học sinh tại Đức, điểm thi được coi là thông tin cá nhân, có thể công khai hoặc không công khai. Nhìn chung, mỗi người biết điểm của mình nhưng vẫn có trường hợp điểm thi được cập nhật theo danh sách. Nghĩa là, một người có thể thấy điểm của những người khác.
Trong khi đó, Trung Dũng, du học sinh tại Mỹ cho hay điểm thi thường được gửi về hòm thư cá nhân của thí sinh. Các em cũng được thông báo thành tích của mình nằm ở khoảng nào. Trong trường hợp công khai kết quả, cơ quan tổ chức thi sẽ giấu danh tính của thí sinh.
Theo quy định của College Board, cơ quan tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực SAT của Mỹ, thí sinh nhận điểm thi thông qua email đã đăng ký hoặc gọi điện đến tổng đài để tra cứu (phải trả thêm phí).
Thí sinh cũng có thể đăng ký thêm trong danh sách nhận kết quả. Như vậy, khi có điểm, các trường đại học và chương trình học bổng có thể cập nhật thông tin. Ngoài ra, trường trung học, học khu hoặc chính quyền bang cũng có thể tra điểm của thí sinh thông qua Internet.
Như vậy, điểm thi tại một số nơi ở Mỹ không công khai trên cả nước nhưng cũng không phải bảo mật hoàn toàn.
Ở Anh, Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu từng khiến không ít nhà quản lý giáo dục bức xúc khi quy điểm thi vào danh mục dữ liệu không công khai. Thực tế, điểm thi ở Anh vẫn được công khai trên báo chí. Cụ thể, Telegraph thu thập dữ liệu điểm thi từ hơn 300 trường công lập trên cả nước, cho phép thí sinh những trường này tra cứu điểm của mình đồng thời xếp hạng những thí sinh đạt điểm cao.
Tại Nga, du học sinh Nguyễn Xuân cho biết nước này tổ chức thi tốt nghiệp trung học với 3 đợt thi. Sau khi có kết quả, thí sinh có thể lên mạng tra cứu bằng cách nhập họ tên hoặc số hộ chiếu.
Trong khi đó, điểm thi cao khảo của thí sinh Trung Quốc cũng gần như được công khai trên cả nước.
Thí sinh có thể tra điểm trực tuyến, trường cũng dán bảng điểm để thí sinh tra cứu thuận tiện. Kỳ thi này nhận được sự quan tâm lớn từ xã hội. Do đó, thông tin thí sinh đạt điểm cao thường nhanh chóng được tìm ra và báo chí cũng tích cực đưa tin về những tấm gương này.
Điểm thi cũng không phải là dữ liệu cần đảm bảo riêng tư tại Bangladesh. Cụ thể, danh sách điểm thi được công bố rộng rãi. Thậm chí ở cấp đại học, nhiều trường còn công khai thông tin họ tên, khóa học, điểm thi của thí sinh trên website nhà trường.
Theo Zing