Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã khép lại nhẹ nhàng, giảm rất nhiều áp lực cho thí sinh, phụ huynh và xã hội. Nhưng với không ít thầy cô, đội ngũ giảng viên đại học, đây là một mùa thi khó quên, khi phải vượt quãng đường hàng trăm cây số, mang theo những lo lắng, hồi hộp vì lần đầu… về tỉnh coi thi tốt nghiệp.
Sợ bị đánh vì “trông” chặt!
7h sáng 20.6, gần 20 cán bộ, giảng viên Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng đồng nghiệp của trường lên chuyến xe di chuyển về Quảng Ninh làm công tác coi thi. Năm nay, không ít giảng viên trường ĐH lần đầu về trường phổ thông ở tỉnh coi thi THPT quốc gia nên có bỡ ngỡ và lo lắng. Sau 5 ngày làm nhiệm vụ trở về, ai nấy đều thở phào. Có thầy cô dành phần lớn thời gian cho việc ngủ, y như họ vừa trải qua kỳ “vượt vũ môn” căng thẳng thời cắp sách đến trường vậy.
“Có kinh nghiệm nhiều năm đi coi thi, nhưng chưa bao giờ tôi hồi hộp như lần này. Các thầy cô khác cũng vậy. Kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới, phải đi xa, đến nơi mình không quen biết. Trước hôm đi, chúng tôi đặt ra đủ tình huống, rồi ngồi lo với nhau. Lo không biết trong phòng thi các em có giở tài liệu hay không? Khi các em quay cóp, chúng tôi bắt được thì bắt buộc phải lập biên bản. Rồi nếu có tình huống ấy, tôi lo lắng nhiều nơi học trò hư, nếu mình trông thi chặt, chúng có thể rình đánh giám thị ở bên ngoài điểm thi. Nhỡ xảy ra thật, ở một nơi không phải là Hà Nội, không quen biết ai, mình phải làm thế nào? Rất may là điểm thi THPT Hồng Đức, phường Quang Trung, TP.Uông Bí, nơi tôi làm nhiệm vụ, học trò rất ngoan. Với phương thức thi trắc nghiệm, học trò cũng không giở được tài liệu, vì kiến thức khá tổng hợp”, thầy Nguyễn Tuấn Khoa – giảng viên khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – chia sẻ.
Nói về việc lần đầu tiên Bộ GDĐT giao kỳ thi “2 trong 1” về cho các Sở GDĐT địa phương tổ chức, thầy Khoa đánh giá đây là chủ trương đúng đắn. Tuy các giám thị áp lực hơn khi phải di chuyển về tỉnh, nhưng bù lại tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, cũng như giảm áp lực rất nhiều cho phụ huynh và học sinh.
Ăn tạm, chạy đua thời gian
Năm nay, không chỉ vượt một quãng đường dài, nhiều cán bộ coi thi đã phải ăn, ngủ ngay tại điểm thi để kịp tiến độ kỳ thi. Vì theo quy chế, 6h15 sáng, thí sinh phải có mặt ở điểm thi, thầy cô phải đến sớm hơn để làm các thủ tục như nhận phòng, ghi số báo danh và gọi thí sinh vào phòng thi đúng giờ.
Theo một số cán bộ của Trường ĐH Kinh tế TPHCM làm nhiệm vụ ở tỉnh Bình Phước, vì một số xã có điều kiện khó khăn nên họ phải chuẩn bị ghế bố, màn chống muỗi để ngủ ngay tại điểm thi. Ở những nơi khác, thầy cô được địa phương, nhà trường bố trí xe đưa đón, chỗ ăn nghỉ, nhưng cũng phải chạy đua thời gian trong suốt 5 ngày làm nhiệm vụ.
“Đây là một kỳ thi khá vất vả cho các thầy cô chúng tôi. Dù đã “hạ cánh” an toàn, nhưng nghĩ lại những ngày trông thi vừa qua, tôi vẫn chưa hết hồi hộp. Hầu như chúng tôi phải thức dậy trước 5h sáng, vệ sinh cá nhân, ăn uống thật nhanh để đúng 6h có mặt ở điểm thi. Buổi trưa chỉ được nghỉ 10-15 phút, rồi lại chuẩn bị cho buổi thi tiếp theo. Rồi lo quá trình mình làm sao cho nghiêm túc, vì chỉ cần vi phạm một chút là bị kỷ luật, sẽ ảnh hưởng đến danh dự bản thân, nhà trường” – thầy Phạm Đình Bình (Trưởng bộ môn Hình họa trang trí, khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), Phó trưởng điểm thi THPT Hồng Đức, phường Quang Trung, TP.Uông Bí, Quảng Ninh – chia sẻ.
Thầy Bình góp ý, kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới tích cực, nhưng thời gian làm bài tổ hợp khoa học xã hội, khoa học tự nhiên quá dài, khiến cả thí sinh và giám thị mệt mỏi: “Sang đến bài thi cuối của môn tổ hợp, gần như các em có tâm lý làm bài thật nhanh để gục xuống bàn nghỉ. Các cán bộ coi thi cũng ít nhiều lúng túng với tình huống này. Bởi sau 50 phút kết thúc một môn, chỉ trong vòng 10 phút thôi, chúng tôi sẽ phải vừa thu đề, vừa phát đề mới của môn tiếp theo. Nếu được, trong kỳ thi THPT quốc gia tiếp theo, Bộ GDĐT có thể nghiên cứu theo hướng giảm thời gian làm bài thi tổ hợp để tránh căng thẳng cho cả học sinh và giáo viên”.
Theo Laodong