Từ ngày 15/7 đến 23/7, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học duy nhất một lần.
Theo quy chế Tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần. Thời gian thay đổi là từ ngày 15/7 đến 23/7. Trước đó, thí sinh được đăng ký không giới hạn số trường và số nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng.
Có 2 phương thức thay đổi là trực tuyến và dùng phiếu điều chỉnh xét tuyển. Với phương thức trực tuyến, thời gian thay đổi cho thí sinh là từ ngày 15/7 đến 17h ngày 21/7. Thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký tại địa chỉ thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Phương thức này chỉ chấp nhận khi số nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký xét tuyển.
Với phương thức phiếu, thời gian điều chỉnh từ 15/7 đến 17h ngày 23/7. Phương thức này dành cho thí sinh muốn điều chỉnh tăng thêm số nguyện vọng so với số đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký xét tuyển và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định.
Điểm không quá lệch với dự kiến, thí sinh không nên điều chỉnh
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga khuyên thí sinh bình tĩnh phân tích tình hình trước khi điều chỉnh nguyện vọng. Ông cho rằng, không nên thay đổi nếu điểm thi không quá lệch so với dự kiến ban đầu.
“Trước đây các em dự đoán được 20 điểm và đăng ký một vài nguyện vọng ở mức cao hơn, bằng và thấp hơn 20 điểm. Nếu điểm thi của các em trong ngưỡng 19,5-20,5 thì không nên điều chỉnh. Năm nay nguyên tắc xét tuyển là theo điểm chứ không theo nguyện vọng. Thí sinh đăng ký nguyện vọng 10 nhưng điểm cao hơn thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 thì vẫn trúng tuyển”, Thứ trưởng giải thích.
Thí sinh chỉ nên thay đổi nguyện vọng xét tuyển nếu điểm thực tế quá chênh lệch so với dự kiến. Ví dụ, thí sinh dự kiến 20 điểm nhưng được 27, hoặc 15, thì phải điều chỉnh để tăng khả năng trúng tuyển vào các trường.
Ngoài ra, thí sinh nên căn cứ vào phổ điểm thi THPT quốc gia, sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sau khi có điểm thi, để điều chỉnh nguyện vọng. Nếu phổ điểm lệch về phía phải, điểm trung bình trước đây là 5, năm nay tăng lên 6 thì thí sinh có thể hiểu là kết quả của mình phải nhích thêm 1 điểm mới mong đỗ trường mà trước đó nghĩ là vừa tầm.
Ngày 14/7 công bố điểm sàn xét tuyển đại học, cao đẳng
2017 là năm cuối cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điểm sàn để đảm bảo chất lượng đầu vào đại học, cao đẳng sư phạm. Từ mùa tuyển sinh năm 2018 trở đi, các đại học, cao đẳng sư phạm tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường mình.
Điểm sàn được xây dựng dựa theo phổ điểm thực tế của học sinh. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, số điểm này sẽ không biến động nhiều so với năm trước bởi chất lượng dạy học, trình độ của học sinh không thể thay đổi đột ngột.
“Khó có chuyện điểm sàn năm trước là 15 mà năm nay lên 18 hoặc xuống 13 được”, ông Ga nói. Nhiều năm nay, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các đại học, cao đẳng sư phạm là 15.
Theo quy chế các đại học đóng trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được xét tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 bài thi/môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1 điểm. Các trường hợp này phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định.
Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng
Trong đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Đối với mỗi thí sinh, nếu đăng ký vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách đã đăng ký. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài quy định này còn phải thực hiện quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan.
Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp và được làm tròn đến 0,25; cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực. Đối với thí sinh bằng điểm ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường thông báo. Nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.
Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối và trường được xét tuyển thí sinh khác trong đợt bổ sung.
Chậm nhất ngày 1/8 các đại học sẽ công bố kết quả tuyển sinh đợt 1.
Theo VNE