Công nghệ gian lận thi cử ngày càng cao, đề nghị quán triệt đầy đủ tới từng điểm thi, ngăn chặn ngay từ đầu. Điểm thi nào chưa yên tâm phải có giám sát chặt chẽ bên ngoài.
Đó là khẳng định của TS Nguyễn Bạch Đằng, Phó tổng cục trưởng P83, Bộ Công an khi làm việc với đoàn kiểm tra thi THPT quốc gia 2017 của Bộ GD&ĐT tại Hải Phòng ngày hôm 14/6.
Kiểm soát nghiêm hơn cả hành khách lên máy bay
Theo đại tá, TS Nguyễn Bạch Đằng, hiện nay, rất nhiều thiết bị công nghệ cao có thể hỗ trợ gian lận thi cử như bút, nhẫn, đồng hồ, kể cả máy tính. “Câu chuyện là làm thế nào giáo viên có thể giám sát được các thiết bị này”, đại tá Nguyễn Bạch Đằng chia sẻ.
Đại tá Vũ Đức Thành, PA83 Công an thành phố Hải Phòng cũng cho biết thêm hiện có loại ống nhòm mới có thể nhìn xa cách mục tiêu 2 km, sau đó phóng lên rồi chụp bằng điện thoại.
“Chính vì vậy, vấn đề lộ đề thi từ những thiết bị này phải được đặt ra. Tất cả điểm thi có tiếp xúc với nhà dân phải đóng cửa sổ. Giám thị phải chú ý đến các biểu hiện của thí sinh trong phòng thi. Khi tập huấn, chúng tôi cũng đã nói rõ điều này”, đại tá Vũ Đức Thành nói.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT, cho biết bộ đã hướng dẫn danh sách máy tính cầm tay được mang vào phòng thi. Theo ông Hải, khó khăn là làm sao giám thị có năng lực để phát hiện hành vi sử dụng công nghệ cao.
Hải Phòng, cũng như các thành phố lớn, cần có quán triệt cao độ tới giáo viên. Vì, người dân ở thành phố lớn sử dụng công nghệ cao nhiều hơn vùng nông thôn.
“Chúng tôi cũng thấy một phần yên tâm vì có lớp tập huấn của trưởng phòng PA83 của Công an thành phố Hải Phòng cho giáo viên. Các sở cần đặc biệt chú ý khâu bảo mật in sao đề và sử dụng công nghệ cao trong quá trình tổ chức thi”, ông Hải cho hay.
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, kinh nghiệm của Hải Phòng là khi vào làm thi, PA83 dùng nghiệp vụ để kiểm soát, xem xét nghiêm hơn cả hành khách lên máy bay.
Điện thoại của các thành viên thuộc ban in sao đề thi đều được niêm phong bên ngoài. Không ai được phép mang thiết bị vào trong khu vực in sao đề thi.
“Vấn đề phá sóng tại các điểm thi rất khó. Chúng tôi hạn chế bằng biện pháp kiểm soát con người. Từ in sao đề cho tới làm phách. Tuy nhiên, lo lắng nhất hiện nay của chúng tôi là công nghệ hiện đại”, ông Trường nói.
Phải có phương án dự phòng cho tất cả các khâu
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho biết ở Hải Phòng vẫn còn điểm thi đặt tại các huyện nên còn tiềm ẩn rủi ro, cần tăng cường đảm bảo an toàn cho các điểm thi này.
Đồng thời, vấn đề đảm bảo an toàn đề, bài thi, nhân sự coi thi được đặt lên hàng đầu. Trong đó, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mất trật tự, cướp bài thi tại các điểm tổ chức thi.
“Tại tất cả điểm thi, bài thi, đề thi ở đâu, công an và điểm trưởng phải ở đó”, ông Trinh khẳng định.
Cũng theo ông Mai Văn Trinh, Hải Phòng có địa bàn thuận lợi hơn địa phương khác nên chuyển đề, thu bài trong ngày. Nhưng bên cạnh thuận lợi cũng có khó khăn. Sở bố trí 14 đoàn xe để vận chuyển đề thi phải có phương án dự phòng nếu chẳng may xe hỏng. Vì trong lịch sử thi cử của Việt Nam từng xảy ra vấn đề này.
“Đối với cán bộ coi thi, các điểm thi tuyệt đối không dùng sinh viên. Đảm bảo đủ 50% giám thị coi thi là giảng viên ĐH, 50% giáo viên phổ thông. Niêm phong bài thi phải có chữ ký của phó trưởng điểm đến từ trường ĐH để bảo mật. Thực hiện nghiêm túc bốc thăm cán bộ coi thi”, ông Mai Văn Trinh nói thêm.
Trước lo lắng về các phương tiện công nghệ cao, ông Trinh cho rằng đúng là các phương tiện công nghệ cao hiện nay nhiều nhưng cán bộ làm hết trách nhiệm thì không thể lọt được.
Một vấn đề nữa mà ông Trinh yêu cầu đó là trong thời gian kỳ thi THPT diễn ra, cần bình tĩnh trước những thông tin trên mạng xã hội, xem xét thấu đáo để tránh mọi hiệu ứng không tốt ảnh hưởng đến tâm lý dự thi của thí sinh.
Theo Zing