Sau khi đăng ký xét tuyển ĐH – CĐ thành công thí sinh không nên chỉ chờ đợi thông báo trượt hay đỗ của trường mà mình lựa chọn.
1. Kiểm tra lại tất cả thông tin trên phiếu đăng ký xét tuyển ĐH – CĐ
Mới kết thúc ngày đầu tiên trong đợt xét tuyển, thí sinh nào đã đăng ký thành công cũng nên kiểm tra lại tất cả những thông tin đã điền trên Phiếu đăng ký xét tuyển ĐH – CĐ để tránh sai sót đáng tiếc. Nếu có sai sót, thí sinh nên tìm cách để khắc phục những lỗi sai này càng sớm càng tốt.
2. Xem xét việc nộp hồ sơ trực tiếp nếu có sai sót khi nộp theo phương thức khác
Khi đăng ký bằng hình thức trực tuyến hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện nếu xảy ra sai sót khiến việc đăng ký xét tuyển ĐH – CĐ của thí sinh không thành công, thì thí sinh nên nghĩ đến việc đến trực tiếp tại trường để được nghe hướng dẫn và tư vấn làm lại hồ sơ đăng ký.
Khi đăng ký xét tuyển ĐH – CĐ trực tuyến thành công thí sinh sẽ xem được danh sách các nguyện vọng của mình.
3. Gọi điện thoại cho Ban tuyển sinh của nhà trường để xác nhận hồ sơ
Năm nay, nhằm hỗ trợ tối đa cho các thí sinh trong kỳ xét tuyển, nhiều trường ngoài số điện thoại cố định còn cung cấp thêm đường dây nóng phục vụ mùa tuyển sinh. Thí sinh nếu không đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trường thì nên tra cứu số điện thoại của trường và gọi điện để xác nhận xem trường đã nhận được hồ sơ đăng ký của mình chưa. Nhất là đối với những thí sinh không yên tâm khi nộp hồ sơ qua hệ thống trực tuyến của Bộ GD&ĐT cũng như sợ thất lạc vì nộp hồ sơ qua đường bưu điện.
4. Giữ cẩn thận những biên lai liên quan đến hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH – CĐ
Khi nộp hồ sơ xét tuyển ĐH – CĐ bằng bất cứ hình thức nào thí sinh cũng sẽ có giấy tờ để đối chứng khi cần thiết. Cụ thể:
- Nộp hồ sơ trực tuyến: Bản in do hệ thống gửi về cho thí sinh. Thí sinh nên in ngay bản in này khi nhận được, vì nếu quá thời hạn quy định, thí sinh sẽ không thể truy cập được vào hệ thống để lấy thông tin lần nữa.
- Nộp hồ sơ qua đường bưu điện: Biên lai của bưu điện ghi rõ họ tên, các giấy tờ thí sinh gửi đi, giờ đóng dấu bưu kiện và địa chỉ nơi nhận hồ sơ. Nếu thí sinh gửi lệ phí qua bưu điện thì kèm theo biên lai thu tiền.
- Nộp hồ sơ trực tiếp tại trường: Khi thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường cũng sẽ nhận được biên lai xác nhận đã thu hồ sơ.
- Chuyển khoản lệ phí ĐKXT qua ngân hàng: Khi thực hiện việc chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng, thí sinh cũng sẽ nhận được biên lai xác nhận việc chuyển tiền.
5. Tránh để thất lạc Giấy chứng nhận kết quả thi
Giấy chứng nhận kết quả thi là giấy tờ quan trọng quyết định việc đỗ trượt của thí sinh, vì vậy, khi đã đăng ký xét tuyển ĐH – CĐ thành công thí sinh nên cất giấy này cẩn thận. Tránh tình trạng bị nhàu nát, xé rách hay thất lạc dẫn đến việc không thể nộp hồ sơ nhập học dù trúng tuyển. Thí sinh lưu ý, năm 2016, thí sinh có 5 ngày để quyết định nộp giấy này để xác nhận nhập học khi trúng tuyển. Nếu không nộp giấy này thì tư cách trúng tuyển của thí sinh sẽ bị hủy.
6. Chuẩn bị sẵn hồ sơ nhập học
Đối với những thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH – CĐ thành công và “chắc suất” vào đại học thì nên truy cập vào trang chủ của nhà trường để xem thông tin liên quan đến giấy tờ để xác nhận việc nhập học. Ngoài ra, thí sinh cũng nên cân nhắc và chuẩn bị một khoản tiền để nộp học phí cho kỳ học đầu tiên và mua sắm sách vở, giáo trình khi trở thành tân sinh viên.
7. Nghiên cứu nguyện vọng bổ sung nếu cơ hội đỗ NV1 không cao
Đối với những thí sinh mấp mé ngưỡng đỗ – trượt, thì nên dành thời gian để nghiên cứu thêm một số trường có tuyển sinh nguyện vọng bổ sung hoặc nghiên cứu thêm những phương thức xét tuyển khác để tăng cơ hội trúng tuyển như xét tuyển bằng học bạ, thi đánh giá năng lực, thi năng khiếu…
Nguồn: www.hoc.vtc.vn