Mặc dù thí sinh thường coi nhẹ phần này, nhưng đây là phần rất quan trọng trong việc quyết định kết quả cả bài làm thí sinh có khả quan không; đặc biệt là các em có học lực trung bình – yếu.
Dưới đây là lời khuyên của thạc sĩ Nguyễn Thị Diễm An – Tổ phó Tổ Ngữ văn Trường THPT Tháp Mười, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn của tỉnh Đồng Tháp – giúp học sinh lấy được trọn điểm hay chí ít cũng phải “rinh” được 2 điểm phần đọc hiểu trong bài thi Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia:
Thứ nhất: Thí sinh phải hệ thống lại một cách cơ bản kiến thức thường gặp như: Biện pháp tu từ về từ, biện pháp tu từ về câu, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt…
Thứ hai: Học sinh cần tạo cho mình thói quen đọc trước yêu cầu đề. Sau đó, đọc thật kĩ đoạn trích và gạch chân những từ quan trọng.
Thứ ba: Khi đọc câu hỏi phải đọc thật kĩ để xác định chính xác nội dung yêu cầu để trả lời đúng trọng tâm. Ví dụ như: Nêu phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích; sẽ khác với câu: Nêu các phương thức biểu đạt trong đoạn trích.
Thứ tư: Khi trả lời cần trình bày thật rõ ràng, gọn gàng bằng những gạch đầu dòng cho mỗi ý.
Thứ năm: Với loại câu hỏi nêu nội dung, ý nghĩa câu thơ học sinh đừng chủ quan sẽ dễ bị mất điểm. Các em nên chú ý đọc thật kĩ câu thơ tìm hình ảnh quan trọng rồi sau đó đặt câu thơ vào toàn văn bản để hiểu khái quát nhất. Khi tìm nội dung nên chú ý tìm hai nội dung như thế sẽ không lo bị sót ý.
Thứ sáu: Với dạng câu hỏi “Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về vấn đề nào đó. Thí sinh thường mất điểm vì diễn ý sơ sài. Nên cần lưu ý triển khai vấn đề theo cách sau để tránh lặp ý và đạt điểm tối đa: Câu 1- Giới thiệu vấn đề. Câu 2 – Tại sao lại lựa chọn, suy nghĩ như thế. Câu 3 – Biểu hiện của vấn đề. Câu 4 – Chốt lại ý kiến cảm xúc của người viết.
Cuối cùng, cô Nguyễn Thị Diễm An lưu ý thí sinh: Khi trả lời dù là ý gạch đầu dòng hay là viết đoạn văn cần phải diễn đạt mạch lạc, trôi chảy và có chất văn.