fbpx
Home Tin tuyển sinh 58 bài thi điểm 0: Bộ GD&ĐT bảo lỗi thí sinh, trường nói do phần mềm

58 bài thi điểm 0: Bộ GD&ĐT bảo lỗi thí sinh, trường nói do phần mềm

0
58 bài thi điểm 0: Bộ GD&ĐT bảo lỗi thí sinh, trường nói do phần mềm

Bộ GD&ĐT cho rằng lỗi khiến 58 bài thi bị chấm 0 điểm là do thí sinh tô mờ, sai số báo danh. Trong khi đó, trường đại học chấm thi cho biết phần mềm chấm không nhận dạng được bài.

Lý giải về 58 bài thi điểm 0 được tăng nhiều điểm sau phúc khảo, Bộ GD&ĐT cho biết đã phát hiện sự bất thường trong điểm thi của Tây Ninh ngay sau khi công bố kết quả THPT quốc gia. Ông Sái Công Hồng – Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT – cho rằng nguyên nhân là thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án.

Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ tham gia chấm thi trắc nghiệm, đó không phải nguyên nhân chính dẫn đến 58 bài thi bị điểm 0. Vì nếu thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án, phần mềm chấm đã báo lỗi. Quy trình chấm thi trắc nghiệm có bước sửa lỗi bài thi.

Lỗi do phần mềm chấm thi của Bộ hay cán bộ chấm của trường?

Một cán bộ của Sở GD&ĐT Tây Ninh cho rằng lỗi thuộc về đơn vị chấm thi, vì đã bỏ qua khâu soát, sửa lỗi. Người này cho rằng ĐH Công nghệ Đồng Nai – đơn vị được giao nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm tại Tây Ninh – lần đầu chấm thi trắc nghiệm nên có thể cán bộ chấm thi chưa có kinh nghiệm.

Trong khi đó, trả lời báo Tuổi Trẻ,ông Trần Đức Thuận – Phó hiệu trưởng ĐH Công nghệ Đồng Nai – nói những bài trắc nghiệm bị điểm 0 là do phần mềm chấm thi không nhận dạng được bản scan phiếu trả lời của thí sinh.

Theo ông Thuận, khi phúc khảo, trường đã kiểm tra bản quét phiếu trả lời trắc nghiệm trước đây và thấy rất rõ ràng, không vấn đề gì. Tuy nhiên, khi đưa bản scan vào, máy chấm không nhận diện được phần trả lời của thí sinh nên đã chấm 0 điểm. Cán bộ chấm thi sử dụng phiếu trả lời gốc của thí sinh và nhập bằng tay từng câu trả lời vào phần mềm chấm thi, máy mới chấm được.

Ngoài ra, có một bài tăng điểm do thí sinh tô sai mã đề thi, một bài có hai câu thay đổi phương án nhưng chưa xóa sạch phần chọn trước đó, khiến máy chấm nhận diện tô 2 câu trả lời nên loại.

Nói về trường hợp 58 bài thi điểm 0 tăng điểm mạnh sau phúc khảo của Tây Ninh, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM – người tham gia chấm thi THPT quốc gia 2019 tại Bình Thuận – cho hay nhiều khả năng lỗi từ cán bộ chấm thi thiếu kinh nghiệm.

“Có lẽ thí sinh tô sai mã đề, số báo danh hoặc tô mờ đáp án nhưng cán bộ chấm thi không sửa kịp thời trước khi chấm, dẫn đến những bài này bị 0 điểm”, ông Sơn nhận định.

TS Bùi Văn Thế Vinh, ĐH Công nghệ TP.HCM – Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – nói: “Đôi lúc phần mềm cũng có trục trặc, giữa các trường đại học tham gia chấm thi và Bộ GD&ĐT có nhóm cùng trao đổi, hướng dẫn khi gặp vấn đề. Nhưng tôi chưa thấy trường hợp lỗi phần mềm dẫn đến sai lệch kết quả. Không rõ ĐH Công nghệ Đồng Nai có tham gia nhóm này và báo cáo Bộ GD&ĐT khi gặp vấn đề hay không”, TS Vinh cho hay.

Trong quá trình chấm thi tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Vinh cho biết hội đồng chấm thi cũng ghi nhận nhiều trường hợp bài thi bị tô sai, tô mờ số báo danh, mã đề, hoặc trong các câu trả lời, thí sinh tô nhiều đáp án trong một câu, bỏ đáp án đã tô nhưng chưa xóa sạch. Những lỗi này, khi máy quét báo, cán bộ chấm thi sẽ sửa lại căn cứ biên bản thu bài có trong mỗi túi đựng bài thi.

“Khi máy báo có lỗi, cán bộ chấm thi sẽ sửa trên máy, tuyệt đối không can thiệp bài thi gốc. Nếu sai số báo danh, mã đề, máy sẽ che phần trả lời, cán bộ chấm thi chỉ thấy số báo danh, mã đề để sửa. Nếu phần trả lời có câu tô mờ, sai xóa chưa sạch, phần số báo danh, mã đề sẽ được che lại, giám thị chỉ thấy phần trả lời”, ông Vinh phân tích.

Ngược lại, cán bộ của một trường đại học phía Nam lại cho hay việc phần mềm bị lỗi, trục trặc, không nhận dạng được bài thi, đã được nhiều trường ghi nhận trong quá trình chấm và có báo cáo Bộ GD&ĐT.

“Trong quá trình chấm thi, phần mềm của Bộ GD&ĐT nhiều lúc bị trục trặc và được cập nhật. Không rõ quy trình cập nhật này như thế nào và sửa những lỗi gì?”, cán bộ này thông tin.

Bộ GD&ĐT cần làm rõ trách nhiệm

Sau khi chấm lại, thí sinh được trả lại điểm thật. Về lý thuyết, sai sót trong chấm trắc nghiệm không ảnh hưởng việc xét tốt nghiệp THPT hay xét tuyển đại học.

Tuy nhiên, sự cố ở tỉnh Tây Ninh khiến nhiều người đặt câu hỏi về độ chính xác của phần mềm, năng lực chấm thi của một số đại học lẫn tính khách quan, minh bạch trong chấm thi trắc nghiệm.

TS Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT – cho rằng dù là lỗi của thí sinh, ĐH Công nghệ Đồng Nai hay Bộ GD&ĐT, nhiều người vẫn khó chấp nhận sai lầm ở khâu chấm thi tại kỳ thi tầm cỡ quốc gia như vậy.

Thêm vào đó, việc đến nay vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn đây là lỗi của ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm, khiến dư luận băn khoăn.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng GD&ĐT – cho rằng sai sót trong việc chấm thi đã rõ ràng. Một khi đã để xảy ra lỗi, Bộ GD&ĐT cần đứng ra làm việc với trường đại học phụ trách chấm thi.

Theo ông, hai bên đối thoại để tìm ra sai sót, làm rõ trách nhiệm để đảm bảo kỳ thi sau không xảy ra tình trạng tương tự.

Quy trình chấm bài thi trắc nghiệm

Bước 1: Nhận bài thi từ hội đồng.

Bước 2: Quét phiếu trả lời trắc nghiệm theo từng phòng thi:

+ Kiểm đếm và đối chiếu phiếu trả lời trắc nghiệm.

+ Kiểm đếm và đóng túi, niêm phong.

+ Cán bộ kỹ thuật nạp phiếu vào máy quét.

+ Sao lưu dữ liệu ảnh đã quét đã được mã hóa sang CD/DVD.

Bước 3: Nhận dạng ảnh quét:

+ Nhận dạng ảnh để chuyển dữ liệu bài làm của thí sinh thành dạng text đã được mã hóa.

+ Xuất dữ liệu nhận dạng ra CD/DVD.

Bước 4: Sửa lỗi.

Bước 5: Chấm điểm.


Comments

comments