Làm thế nào để giảm căng thẳng, tránh phân tâm và tập trung trong phòng thi ? Đọc bài viết sau để biết 5 phương pháp giúp bạn ổn định tâm lý hiệu quả
1. Hít thở sâu
Khi bị áp lực, não tiết ra nhiều hóc môn adrenaline và cortisol, kích thích máu lưu thông, tăng huyết áp. Ngoài ra, cảm giác áp lực còn kích thích tim đập nhanh hơn, theo The Guardian.
Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần ngừng mọi việc lại, hít thở sâu sẽ giúp ổn định nhịp tim, tinh thần bình tĩnh trở lại.
2. Buông bút và đọc câu hỏi ít nhất 2 lần
Một trong những lỗi phổ biến nhất khi làm bài thi là hiểu sai câu hỏi. Đọc lại câu hỏi nhiều lần tưởng như đơn giản nhưng nó rất cần thiết. Với những thí sinh có thói quen thiếu cẩn thận, làm bài thi hấp tấp thì điều này càng phải lưu ý.
3. Tự hỏi xem thầy cô mình sẽ giải quyết tình huống trong câu hỏi như thế nào
Các nhà tâm lý học thường nhắc đến hiệu ứng Dunning-Kruger. Hiệu ứng tâm lý này cho rằng những người thường mới bắt đầu làm việc gì, học cái gì hay suy nghĩ về một vấn đề thường có xu hướng đánh giá quá cao năng lực bản thân so với thực tế.
Chính vì vậy khi giảng dạy, giáo viên ở Anh đã khắc phục hiệu ứng này của học sinh bằng cách yêu cầu họ hãy tự đặt mình vào vị trí của một ai đó lớn tuổi và thông minh hơn.
Với người học, giáo viên là đối tượng có khả năng đưa ra những lời khuyên tốt nhất. Do đó, tự đặt câu hỏi là thầy cô mình sẽ giải quyết câu hỏi này như thế nào có thể giúp ích cho học sinh.
4. Có chiến lược làm bài thi hiệu quả
Thí sinh rất dễ mất tinh thần khi gặp một câu hỏi khó. Tuy nhiên, có được chiến lược làm bài hợp lý sẽ giúp học sinh lấy lại sự tập trung.
Não của chúng ta luôn muốn sự chắc chắn và cảm giác kiểm soát được mọi thứ. Do đó, khi chúng ta gặp câu hỏi khó sẽ xuất hiện cảm giác lo lắng, căng thẳng.
Bằng cách tập trung vào một chiến lược làm đã bài chuẩn bị trước, sinh viên có thể lấy lại được cảm giác chắc chắn.
5. Đừng tự tạo quá nhiều áp lực cho bản thân
Tự tạo một số áp lực cho bản thân có thể sẽ tốt, nhưng tạo quá nhiều áp lực thì lại phản tác dụng.
Các nhà tâm lý học cho rằng dấu hiệu của một người đang chịu áp lực là suy nghĩ cực đoan. Hiện tượng này có thể dễ nhận thấy ở học sinh. Khi áp lực, họ sẽ suy nghĩ và nói những câu như “tôi phải viết ít nhất 4 trang cho câu trả lời này”.
Học sinh không nên tự tạo quá nhiều áp lực, nên có chế độ ăn uống, thư giản, giải trí hợp lý trước kỳ thi.
Theo thanhnien.vn