fbpx
Home Tin tuyển sinh 4 lựa chọn đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học thời COVID-19

4 lựa chọn đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học thời COVID-19

0
4 lựa chọn đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học thời COVID-19

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, hơn 90% trường học trên toàn cầu thời gian qua đã đóng cửa. Bộ giáo dục nhiều nước đang đau đầu cân nhắc về những kỳ thi quyết định với tương lai học sinh, quan trọng nhất là kỳ thi tú tài và xét tuyển vào đại học.

Một cuộc khảo sát công bố cuối tháng 6-2020 ở 118 quốc gia do UNESCO, UNICEF và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp thực hiện nhận thấy các nước hiện có 4 lựa chọn khác nhau về các kỳ thi này để phản ứng trước khủng hoảng dịch bệnh.

Theo đó, một là chuyển sang thi online; hai là dời ngày thi lại chờ dịch lắng xuống; ba là tiếp tục kỳ thi như kế hoạch trong khi thực hiện các biện pháp phòng ngừa; và bốn là hủy luôn các kỳ thi và dùng các căn cứ khác để đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Giải pháp của nước Anh

Trong bài chia sẻ mới đây đăng trên trang web của WB, bà Marguerite Clarke, chuyên gia giáo dục cao cấp thuộc Mạng lưới phát triển nhân sự của WB, hiện là người phụ trách chương trình đánh giá kết quả học tập của WB, chia sẻ cách thức Vương quốc Anh đang làm để có cơ sở đánh giá học sinh thay cho kết quả kỳ thi năm nay đã bị hủy vì dịch bệnh.

Trước đó, ngày 18-3-2020, Bộ trưởng Giáo dục Anh thông báo kỳ thi A-Level năm 2020 (kỳ thi tú tài và xét vào đại học của Anh) sẽ bị hủy vì đại dịch COVID-19. Thay vào đó, mỗi học sinh sẽ nhận được “điểm ước tính” (calculated grade) cho các môn học, điểm này được xác định và chuẩn hóa dựa trên 5 cơ sở thông tin cụ thể.

Trong đó, cơ sở đầu tiên và cũng quan trọng nhất là điểm CAG (Centre assessment grades, tạm dịch là “điểm số đánh giá trung tâm”) là đánh giá của giáo viên trong trường của môn học về mức điểm học sinh sẽ đạt được nếu kỳ thi diễn ra bình thường. Điểm này dựa trên các căn cứ như điểm các bài thi thử, đánh giá không qua bài thi, bài tập về nhà và các căn cứ đánh giá khác về những thể hiện năng lực của học sinh trong suốt quá trình học tập.

Điểm CAG sẽ do nhóm phụ trách môn học trong trường quyết định, sau đó phải được hiệu trưởng trường ký duyệt và nộp lên khâu chuẩn hóa.

Bốn tiêu chí còn lại là thứ hạng theo môn học của học sinh trong mỗi mức điểm CAG do trường cung cấp; phổ điểm (grade distribution) dự kiến của môn học đó ở cấp độ toàn quốc; phổ điểm môn học đó của trường xét trong 1-3 năm vừa qua; và phổ điểm dự kiến của môn học đó dựa trên kết quả các kỳ thi khác.

Vai trò của giáo viên

Không ngạc nhiên khi phương án sử dụng “điểm số ước tính” này gây tranh cãi trong dư luận Anh.

Những học sinh ủng hộ cảm thấy giải pháp đó sẽ phản ánh chính xác hơn quá trình học tập của họ sau các năm. Những người phản đối cho rằng “luật chơi” đã bị thay đổi vào phút chót và họ không thể ngờ những yêu cầu học tập trước đó họ xem nhẹ, coi là phụ, bây giờ lại được dùng để đưa ra quyết định rất hệ trọng với họ.

Cũng có người chỉ ra những vấn đề thuộc về kỹ thuật trong phương án đó khi cho rằng nó lệ thuộc quá nhiều vào các phổ điểm và các ước đoán. Chẳng hạn, có ý kiến nói học sinh học tại các trường nhỏ hơn có thể bị thiệt thòi vì phổ điểm ước lượng của trường đó có thể kém ổn định hơn vì dữ liệu ít hơn.

Lại cũng có ý kiến cho rằng những điểm số ước tính với các sinh viên có hoàn cảnh thiệt thòi hơn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực trên cơ sở nhiều giáo viên thường đánh giá thấp khả năng của những học sinh ở hoàn cảnh này.

Giống như Anh, Ireland cũng đã hủy bỏ kỳ thi tú tài (Leaving Certificate) và chọn giải pháp cấp điểm ước tính cho học sinh. Mặc dù công thức tính điểm có thể bớt phức tạp hơn Anh nhưng các vấn đề cũng tương tự.

Vấn đề chính trong cách đưa ra điểm ước tính cho học sinh của cả Anh và Ireland là vai trò của giáo viên trong quá trình đó.

Theo bà Marguerite Clarke, tại Ireland giáo viên có thể đối mặt với sức ép từ phụ huynh và học sinh trong quyết định đưa ra điểm số ước tính. Cụ thể, họ có thể bị khiếu nại nếu học sinh và gia đình không hài lòng với điểm số ước tính nhận được.

Lại cũng có những ý kiến lo ngại việc các giáo viên chưa được đào tạo hay không được cung cấp đủ thời gian cần thiết để có thể tự tin đưa ra những quyết định hệ trọng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của người học như thế.

Đại dịch COVID-19 đã khiến toàn bộ quá trình trở nên gấp rút, khẩn trương hơn bình thường và trong lúc này, điều quan trọng với các nước là phải tìm ra những giải pháp thay thế phù hợp cho công tác tổ chức thi như thông lệ và tìm lối ra cho tình thế khó khăn “trăm năm mới xảy ra một lần” như thế này.

Theo Tuoitre

Comments

comments