Ngày 3/2, chỉ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán vài ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành Quy chế thi THPT Quốc gia 2016. Ngay lập tức bản quy chế đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các thí sinh, phụ huynh và nhà trường trên cả nước.
Năm 2015, Bộ GD&ĐT bắt đầu thực hiện việc thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo phương án thi chung và xét tuyển theo đợt. Tuy nhiên, những đổi mới này đã vấp phải nhiều khó khăn khiến dư luận bất bình. Tiêu biểu là ở nhóm trường top đầu, nhiều thí sinh và phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo để rút nộp hồ sơ vào nhiều trường. Có gia đình phải “dã chiến” tại trường để tránh hụt mất cơ hội trúng tuyển. Thậm chí có những thí sinh hôm nay trúng tuyển nhưng ngày mai lại trượt dù đã “canh mạng” suốt cả ngày trời.
Năm 2016, Bộ vẫn tiếp tục tổ chức thi THPT Quốc gia theo phương án 2 trong 1 với kỳ thi chung trong cả nước. Theo bản quy chế chính thức, để giảm thiểu tình trạng lộn xộn và bất cập như năm 2015, Bộ đã có nhiều thay đổi trong quy trình tuyển sinh.
Đăng ký vào 2 trường để nâng cao định hướng nghề nghiệp
Đáng chú ý nhất là năm nay thí sinh được đăng ký vào 2 trường cùng lúc nhưng không được thay đổi nguyện vọng trong các kỳ xét tuyển và thời gian xét tuyển sẽ rút ngắn hơn so với năm ngoái. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc không cho thí sinh được thay đổi nguyện vọng sẽ phần nào hạn chế cơ hội trúng tuyển của các em. Nhưng bù vào đó các em được đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 ngành đào tạo.
Với thay đổi này, các em sẽ phải cân nhắc thật kỹ trong việc chọn trường, chọn ngành. Trường thứ nhất có thể chọn theo ý thích, nhưng trường thứ 2 các em nên chọn theo khả năng của mình và có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn. Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên chọn 2 trường ở 2 top khác nhau và nên tham khảo phổ điểm của các trương đưa ra năm 2015 để có lựa chọn đúng đắn nhất.
Không có nhiều nguyện vọng để tránh lộn xộn trong công tác tuyển sinh
Tất cả các thí sinh đều mong muốn được tự do đăng ký nguyện vọng, tuy nhiên Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục hạn chế số lượng nguyện vọng của các thí sinh. Mục đích là tránh tình trạng lộn xộn trong công tác tuyển sinh ở các trường. Nếu thí sinh được tự do đăng ký nguyện vọng vào tất cả các trường mình thích thì rất khó trong việc chọn lọc hồ sơ.
Theo Thứ trưởng điều này sẽ dẫn đến tình trạng có thí sinh sẽ đỗ vào nhiều trường nhưng chỉ theo học được một trường. Trong khi đó, sẽ có những thí sinh không đỗ vào bất kỳ trường nào, do lượng hồ sơ ảo quá lớn. Như vậy sẽ rất thiệt thòi cho các em và gây khó khăn trong công tác xét tuyển của nhà trường.
Ứng dụng phần mềm tuyển sinh để giảm bớt quy trình thủ công
Năm nay Bộ bắt buộc các trường phải công khai toàn bộ thông tin và quy trình tuyển sinh trên hệ thống trực tuyến của Bộ và của trường. Tuy nhiên, nhiều trường khẳng định hệ thống của Bộ chưa đáp ứng được yêu cầu của các trường. Nguyên nhân là do các trường không chỉ tuyển sinh theo hình thức lấy điểm từ cao xuống thấp, mà còn phải cân nhắc giữa các khối thi, các ngành, các khoa đào tạo… Điều này phụ thuộc vào tình hình thí sinh của mỗi trường, nên rất khó kiểm soát trên hệ thống của Bộ.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định Bộ sẽ tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng của hệ thống trực tuyến để đáp ứng được yêu cầu của các trường, thuận tiện cho thí sinh, phụ huynh và giảm thiểu được nhiều hơn những quy trình mang tính thủ công cố hữu trong phương thức tuyển sinh trước đây.