fbpx
Home Tài liệu luyện thi Môn Toán 3 câu hỏi khó trong đề thi THPT Quốc gia môn Toán thường rơi vào dạng bài nào?

3 câu hỏi khó trong đề thi THPT Quốc gia môn Toán thường rơi vào dạng bài nào?

0

Để đạt được điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, thí sinh cần nắm chắc kiến thức và các dạng bài tập để có thể giải quyết được những câu hỏi khó nhất của đề bài.

Theo cấu trúc đề thi, mức độ từ dễ đến khó sẽ được sắp xếp tăng dần theo số lượng câu hỏi. Như vậy 3 câu hỏi khó nhất của đề bài sẽ rơi vào câu 8, 9, 10 đặc biệt là câu 10. Trong đó, các dạng bài thường xuyên xuất hiện gồm:

Câu 8: Thông thường sẽ là bài toán hình học giải tích trong mặt phẳng hệ trục tọa độ OXY. Theo như xu hướng ra đề những năm gần đây thì câu hỏi thường yêu cầu học sinh từ hình vẽ phát hiện ra một tính chất đặc biệt như quan hệ vuông góc, song song… rồi chứng minh tính chất này.

Để có thể giải quyết được dạng bài này, trong quá trình ôn tập, thí sinh nên ôn lại những kiến thức hình học của lớp 9 và lớp 10 để có thể nhận ra các tính chất hình học của bài toán. Đồng thời cần học được cách khai triển bài toán, chứ không phải học thuộc tính chất có sẵn của hình vẽ, như vậy sẽ bị động và hoang mang.

Câu 9: Là một câu về giải phương trình, hệ phương trình hoặc bất phương trình có chứa căn thức. Trong quá trình giải, thí sinh cần có sự kết hợp giữa các phương pháp giải quan trọng như đặt ẩn phụ, liên hợp, dùng bất đẳng thức. Bên cạnh đó, để giảm nhẹ khối lượng tính toán, thí sinh nên tận dụng việc sử dụng máy tính cầm tay để hỗ trợ cho mình trong quá trình phân tích nhân tử, cũng như dự đoán nghiệm.

Câu 10: Đây là câu hỏi khó nhất dùng để phân loại thí sinh. Dạng bài thường xuất hiện trong câu này thuộc chủ đề bất đẳng thức hoặc tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất. Để làm được câu này cần nắm vững kỹ thuật chọn điểm rơi; các bất đẳng thức phụ cơ bản và ý tưởng khai triển bài toán.

Phương pháp được sử dụng phổ biến trong các đề thi của Bộ trong những năm gần đây là đưa ra bài toán 3 biến x, y, z về bài toán 1 biến nào đó rồi khảo sát hàm một biến đó để đi đến kết luận. Thường thì ta sẽ dồn về biến có vai trò không đối xứng. Suốt quá trình đánh giá bài toán, ta phải đảm bảo được dấu “=” xảy ra.

Cấu trúc đề thi năm nay dự đoán sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2015 với 60% câu hỏi ở mức độ cơ bản và 40% mức độ vận dụng cao. Trong quá trình làm bài, thí sinh cần có sự phân bố thời gian thật hợp lý để có thể hoàn thành tốt nhất bài thi của mình tránh tình trạng mất quá nhiều thời gian cho câu hỏi khó trong khi chưa hoàn thành xong những câu hỏi dễ.

Comments

comments