Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận thấy nhiều sinh viên thiếu kỹ năng thực tế nên doanh nghiệp phải đào tạo lại.
Sáng 21/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm “Gắn kết cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao”.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc kết nối cung cầu nhân lực là nhu cầu tự thân của các đại học và doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ cho quan hệ cung cầu chứ không làm thay.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho hay, ngành nông nghiệp chiếm 37% tổng lượng lao động trên cả nước, trải rộng nhiều lĩnh vực, từ vật nuôi, cây trồng cho đến chế biến, phân phối. Cả nước có khoảng 54 cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu có đào tạo ngành, nghề liên quan đến nông nghiệp.
“Qua khảo sát năm 2018, trong 10.000 sinh viên tốt nghiệp khoảng 75% có việc là đúng ngành nghề đào tạo, số đó chưa cao; 25% chưa có việc làm hoặc phải đổi nghề”, ông Nhạ thông tin và cho rằng vấn đề quyết định hiện nay không phải là số đông mà là giá trị gia tăng.
Bộ trưởng nêu một số hạn chế trong đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp như: tính dự báo của các cơ sở đào tạo còn hạn chế; những ngành mới phục vụ cho nông nghiệp con thiếu; tuyển sinh vào các ngành nông nghiệp cũng còn bất cập; quy trình tổ chức đào tạo chưa tốt, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng thực tế, doanh nghiệp mất nhiều công đào tạo lại.
Theo ông Nhạ, do phương thức đào tạo chủ yếu vẫn là thầy dạy trò chép, thực tập chưa thiết thực, chưa tạo ra được hệ sinh thái đào tạo nên nhiều sinh viên tốt nghiệp ra “cũng còn ngơ ngác” với thực tế. Quốc hội ban hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi một số điều, với tinh thần tự chủ rất cao. Đây được xem là bước ngoặt để các cơ sở giáo dục đào tạo tự quyết định bản thân.
Bộ cũng đang trình Chính phủ hai nghị định, thứ nhất về tự chủ đại học. Các trường sẽ tự quyết định chương trình đào tạo, ngành nghề, cơ cấu nhân sự, tài chính. Thứ hai, nghị định thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi và dưới đó là một số thông tư để tạo điều kiện cho các trường tự chủ, nhưng cũng siết chặt chất lượng, tăng tính giải trình thông qua kiểm định của các trường.
Ngành giáo dục đang rà soát để sửa đổi quy định mã ngành linh hoạt, không nhất thiết là một ngành mà có thể liên ngành tích hợp, đồng thời có những hướng dẫn tạo điều kiện cho các trường và doanh nghiệp trong đào tạo nghiên cứu chuyển giao, tạo ra hệ sinh thái để rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, Việt Nam tuy có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng đa số nguồn nhân lực trong nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới. Ông nhận định, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn với các cơ sở đào tạo.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Nguyễn Thị Lan cho biết, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Không những vậy, lao động nông nghiệp Việt Nam đang ở độ tuổi cao và thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.
Từ thực tế trên, bà Lan kiến nghị Chính phủ cần có chính sách và chương trình đầu tư thỏa đáng cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp và phát triển nông thôn; cần coi đây là sự đầu tư đào tạo nhân lực cho những ngành nhà nước rất cần nhưng khó tuyển sinh.