fbpx
Home Tin tuyển sinh 100% giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội chấm thi trắc nghiệm THPT quốc gia 2019 tại Lạng Sơn, tuyệt đối không cho sinh viên tham gia

100% giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội chấm thi trắc nghiệm THPT quốc gia 2019 tại Lạng Sơn, tuyệt đối không cho sinh viên tham gia

0
100% giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội chấm thi trắc nghiệm THPT quốc gia 2019 tại Lạng Sơn, tuyệt đối không cho sinh viên tham gia

Một trong hai cán bộ coi thi ở mỗi phòng thi THPT quốc gia 2019 tại Lạng Sơn là giảng viên của ĐH Sư phạm Hà Nội và chủ trì chấm thi trắc nghiệm 100% phải là giảng viên có kinh nghiệm của trường.

ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì chấm thi trắc nghiệm năm 2019 tại Lạng Sơn

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố quyết định về việc giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức coi thi, chấm thi trắc nghiệm kì thi THPT quốc gia 2019 của 63 cụm thi trên toàn quốc. 

Theo đó, tại cụm thi số 10 tỉnh Lạng Sơn, đơn vị chủ trì là Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn. Đơn vị phối hợp tổ chức thi và chủ trì chấm thi trắc nghiệm sẽ là trường ĐH Sư phạm Hà Nội. 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Trịnh Tuấn Anh, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Sư phạm Hà Nội để tìm hiểu thêm về công tác chuẩn bị nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thi cử. 

TS Tuấn Anh cho hay: “Kì thi THPT quốc gia năm 2018 nhà trường được Bộ GD&ĐT phân công phối hợp tổ chức thi ở Thanh Hóa. Năm 2019, ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ chủ trì chấm thi trắc nghiệm THPT ở Lạng Sơn. 

Tùy theo lịch công tác của Ban chỉ đạo thi tỉnh Lạng Sơn mà sẽ có cuộc họp để phân công nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi giữa Sở GD&ĐT tỉnh, ĐH Sư phạm Hà Nội và các ban ngành chức năng như an ninh, công an của tỉnh. Cuộc họp có thể được tiến hành trong tháng 5/2019.

Sau cuộc họp đó mới ra được những kế hoạch phối hợp chi tiết giữa các đơn vị liên quan. Thời điểm hiện tại (tức đầu tháng 5) vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, theo qui định của Bộ, một trong hai cán bộ coi thi ở mỗi phòng thi phải là giảng viên của trường đại học. Công tác tập huấn tổ chức thi cũng sẽ được nhà trường đẩy mạnh để sẵn sàng cho kì thi”. 

Lãnh đạo Phòng Đào tạo (ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng cho hay, Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) khẳng định, Bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để đảm bảo tổ chức theo qui trình chặt chẽ. 

Năm 2019, phần mềm chấm thi trắc nghiệm sẽ được tăng cường bảo mật theo hướng có muốn gian lận cũng khó mà gian lận được. Các khâu trong quá trình chấm trắc nghiệm cũng được mã hóa với công nghệ mới. Bộ cũng tiến hành đánh phách điện tử, phân vai trách nhiệm các cá nhân tham gia kì thi cụ thể, rõ ràng. 

Công tác mã hóa dữ liệu chỉ cho phép những người được giao nhiệm vụ mới có thể xem được dữ liệu, đảm bảo có lọt ra ngoài cũng không thể can thiệp được để chỉnh sửa. 

“Việc giao quyền cho các trường đại học phối hợp tổ chức thi và chủ trì chấm thi trắc nghiệm là cần thiết. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ phối hợp chứ trường đại học không phải nắm trong tay toàn quyền quyết định. Các bên phải cùng thực hiện quyền giám sát nhau ở các khâu để tổ chức kì thi cho tốt, tránh phát sinh tiêu cực trong thi cử. 

Con số giảng viên của nhà trường tham gia tổ chức kì thi THPT quốc gia 2018 tại Thanh Hóa là hơn 400 người. Dự kiến năm 2019 cũng tương đương. Lực lượng tham gia phối hợp và chủ trì chấm thi trắc nghiệm 100% phải là giảng viên có kinh nghiệm của trường, tuyệt đối không cho sinh viên tham gia. 

Khâu tập huấn cho các cán bộ coi thi và chấm thi trắc nghiệm của nhà trường là nhiệm vụ rất quan trọng. Các giảng viên phải được trang bị các kĩ năng, kiến thức để nhận diện các thiết bị gian lận, thủ thuật của thí sinh để có thể gian lận ở phòng thi. Việc này được tổ chức thường xuyên ngay tại trường và tại địa phương trước khi tổ chức kì thi”, TS Tuấn Anh nói. 

Comments

comments