fbpx
Friday, April 19, 2024
HomeTin tuyển sinhThi và xét tuyển năm 2017: Cần nhiều công sức cho xây...

Thi và xét tuyển năm 2017: Cần nhiều công sức cho xây dựng đề thi

Những điểm mới khiến dư luận còn băn khoăn về phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và đặt ra nhiều câu hỏi như việc điều chỉnh phương thức thi liệu có đạt được hiệu quả như mong muốn, phương án tổ chức sắp xếp các bài thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ như thế nào? Việc điều chỉnh này có khắc phục thí sinh ảo không…?

Mở rộng thi trắc nghiệm là khuynh hướng tích cực

Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang xây dựng phương án tổ chức thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017. Theo đó, phương án này được cơ bản như năm 2016 với một số nội dung điều chỉnh về tổ chức cụm thi, bài thi, hình thức thi, đề thi, nội dung thi, thời gian làm bài và lịch thi… Đáng chú ý nhất là bài thi được điều chỉnh theo phương án 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) dưới hình thức trắc nghiệm (trừ môn Ngữ Văn sử dụng hình thức tự luận).

Đánh giá về những thay đổi này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nhận định mở rộng thi trắc nghiệm là khuynh hướng tích cực. Phương pháp thi này không chỉ tránh được khoảng cách giữa các giáo viên, giảng viên trong khi chấm thi mà còn rút ngắn thời gian thi, giảm chi phí, giảm nhẹ áp lực cho toàn xã hội, cho thí sinh, phụ huynh.

Ông Sơn phân tích: Hình thức trắc nghiệm năm nay khác với trắc nghiệm trước đây khi mỗi thí sinh trong cùng phòng thi sẽ có một mã đề thi riêng, không ai trùng lặp ai. Thí sinh sẽ làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm và bài thi được chấm bằng phần mềm máy tính. Điều này tăng độ tin cậy và tính khách quan cho kết quả mỗi bài thi.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng lưu ý cần chú trọng vào khâu tổ chức thi, thắt chặt coi thi. Bởi ở kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh trong cùng phòng thi không có tính cạnh tranh, thêm việc các em cùng địa phương quen biết nhau nên dễ xảy ra tình trạng nhắc bài. Bên cạnh đó, việc xây dựng bộ đề có tính phân loại cao đánh giá được thí sinh trong thời gian thi rút ngắn và dung lượng ít hơn cần được đầu tư nhiều thời gian và công sức.

Là một người có kinh nghiệm tổ chức thi nhiều năm, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng việc rút ngắn thời gian từ 4 ngày (năm 2015) xuống còn 2 ngày năm nay thì sẽ là một bước cải tiến đáng kể làm cho kỳ thi gọn nhẹ, phù hợp hơn.

 Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội

“Ảo” trong xét tuyển không chỉ gây bất lợi cho các trường mà còn ảnh hướng đến chính các thí sinh

Trả lời câu hỏi, phương án mà Bộ đưa ra tạo điều kiện cho thí sinh thông qua việc cho phép thí sinh nộp thêm nhiều nguyện vọng sẽ gây thêm khó khăn cho nhà trường trong việc ngăn “ảo”, PGS.TS Hoàng Minh Sơn bày tỏ quan điểm: “ Điều gì tốt cho thí sinh thì tốt cho các trường, và ngược lại điều gì không tốt cho trường cũng sẽ không tốt cho thí sinh”.

“Ảo” trong xét tuyển không chỉ gây bất lợi cho các trường mà còn ảnh hướng đến chính các thí sinh. Thí sinh ảo dẫn đến điểm chuẩn ảo, điểm chuẩn ảo khiến các trường không tuyển được thí sinh đúng nguyện vọng, phải hạ điểm chuẩn, thí sinh không đủ điểm vào trường phải theo học trường khác…”.

“Việc cho thí sinh nộp nhiều nguyện vọng sẽ tránh được việc các em điều chỉnh nguyện vọng, như vậy chúng ta sẽ loại được nhược điểm của năm 2015. Đồng thời các nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, chúng ta có cơ hội làm tốt hơn 2016” – ông Sơn nhấn mạnh.

Trước những băn khoăn, lo lắng của dư luận, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng đây là tâm lý chung trước những sự thay đổi. Phương án năm nay hướng tới mục đích hạn chế tình trạng học lệch, học tủ, tăng cường phân luồng khi bắt buộc thi 3 môn Văn – Toán – Ngoại ngữ và để các em tự chọn KHTN hoặc KHXH.

“So sánh với năm 2016, các em phải thi 6 môn nhưng chỉ qua 4 bài thi và thời gian thi ít hơn so với trước kia rất nhiều, số câu hỏi cho từng môn ít hơn nên không thể nói là nặng nề hơn cho các em được. Thêm nữa, các kiến thức trong tổ hợp KHTN hoặc KHXH đều có những liên quan nhất định đến nhau, điều này rất tốt cho việc đánh giá toàn diện thí sinh” – ông Sơn khẳng định.

Bàn về tính khả thi của dự thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa đánh giá đây là định hướng tốt.

Theo Dân Trí

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular