fbpx
Wednesday, April 24, 2024
HomeTài liệu luyện thiMôn VănThi THPT Quốc gia 2016 môn Ngữ Văn: Những điều thí sinh...

Thi THPT Quốc gia 2016 môn Ngữ Văn: Những điều thí sinh cần biết để đạt điểm cao phần đọc hiểu

Để giúp thí sinh có thể nắm rõ được cấu trúc, các dạng câu hỏi cũng như nội dung chủ yếu trong phần đọc hiểu đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ Văn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Hữu Cường – người Thầy với 20 năm kinh nghiệm giảng dạy và luyện thi đại học môn Ngữ văn.

Trong đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn tỷ lệ điểm phần đọc hiểu chỉ chiếm 30% tổng số điểm bài làm nhưng phần này có vai trò quan trọng quyết định điểm số toàn bài thi, giúp thí sinh có cơ hội trúng tuyển cao.

Liên quan đến vấn đề ôn thi và làm bài thi phần đọc hiểu trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016, TS. Phạm Hữu Cường đã có những chia sẻ hết sức bổ ích.

infonet_thay_cuong_2_1
TS. Phạm Hữu Cường – người có 20 năm kinh nghiệm luyện thi môn Ngữ Văn

Thầy có thể đưa ra một vài nhận định về cấu trúc đề thi phần đọc hiểu để thí sinh tham khảo?

Phần đọc hiểu trong đề thi THPT Quốc gia thường yêu cầu thí sinh đọc hiểu 2 văn bản. Trong đó, văn bản thứ nhất thường là văn bản nghệ thuật (thơ, truyện, kí, kịch, nhưng nhiều nhất là thơ); văn bản thứ hai có thể thuộc bất cứ phong cách ngôn ngữ nào (nhưng thường là văn bản chính luận hoặc nghị luận nói chung, văn bản khoa học hoặc báo chí)

Đề thường yêu cầu thí sinh trả lời 8 câu hỏi nhỏ (3 điểm), mỗi văn bản 4 câu (tương ứng 1,5 điểm). Mỗi câu hỏi có mức điểm thấp nhất là 0,25 và cao nhất là 0,5.

Về yêu cầu kiến thức và kĩ năng, câu 1 và câu 5 hướng đến mức độ nhận biết; câu 2, câu 3 và câu 6, câu 7 hướng đến mức độ thông hiểu; câu 4 và câu 8 hướng đến mức độ vận dụng thấp.

Những dạng câu hỏi nào thường xuất hiện trong phần đọc hiểu và mức điểm cho từng câu hỏi?

Dạng câu hỏi thường xuất hiện trong phần đọc hiểu và mức điểm cho từng câu hỏi như sau:

– Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản: 0,25 điểm

Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản: 0,25 điểm

Xác định thao tác lập luận văn bản: 0,25 điểm

– Xác định thể thơ và cách gieo vần: 0,25 điểm

– Xác định biện pháp tu từ và nêu hiệu quả biểu đạt của nó: 0,5 điểm

– Xác định câu chủ đề hoặc khái quát chủ đề, hoặc nêu nội dung chính của văn bản: 0,25 điểm

– Viết khoảng 5-8 dòng thể hiện suy nghĩ của bản thân về một vấn đề được đặt ra từ văn bản: 0,25 điểm

Như vậy các câu hỏi phần đọc hiểu tập trung vào một số khía cạnh như:

+ Các thông tin quan trọng của văn bản: Nhan đề văn bản; phong cách ngôn ngữ văn bản, phương thức biểu đạt của văn bản, thao tác lập luận trong văn bản.

+ Nội dung chính của văn bản (tư tưởng tác giả gửi gắm trong văn bản/thông điệp rút ra từ văn bản) hoặc ý nghĩa của văn bản.

+ Những hiểu biết về từ ngữ, cú pháp, chấm câu, cấu trúc, thể loại văn bản;

+ Một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản và tác dụng của chúng.

Theo thầy, các văn bản trong phần đọc hiểu thường lấy từ nguồn nào?

Ngữ liệu đọc hiểu là 2 đoạn văn bản có thể thuộc bất cứ loại văn bản nào, từ văn bản khoa học, báo chí, nghị luận, đến văn bản nghệ thuật… miễn là văn bản ấy được viết bằng ngôn từ. Các văn bản ấy đều không nằm trong chương trình đã học hay trong SGK mà hoàn toàn mới lạ. Các văn bản này thường được lấy từ nhiều nguồn, như các tài liệu tham khảo dành cho học sinh, tác phẩm của các tác giả nổi tiếng, các bài báo hay các công trình nghiên cứu có ‎ý nghĩa….

Các em nên chú ‎ý đến các văn bản có liên quan, hoặc đề cập đến các vấn đề sau: bảo vệ văn hóa dân tộc; thói sùng ngoại, bài ngoại, thói tham ô lãng phí; biển đảo và trách nhiệm của thế hệ trẻ với biển đảo của đất nước; Gạc Ma – vòng tròn bất tử; thời cơ thách thức của Việt Nam khi gia nhập TPP; thực phẩm bẩn đầu độc người dân và lương tâm con người; sự vô tâm của con người nhìn từ vụ án ở Bình Phước; ý thức con người về biến đổi khí hậu; ngập mặn, hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long; vai trò của nguồn nước trong cuộc sống; virus Zi-ka; lòng tự trọng, lòng nhân ái khoan dung, lí tưởng, lẽ sống, phẩm chất, sự thành đạt của tuổi trẻ, nghị lực sống của con người (qua các tấm gương Trần Lập, chú lính chì dũng cảm Nguyễn Thiện Nhân) … …

Để giải quyết tốt phần đọc hiểu, thí sinh cần chú ý những gì?

Kiểu bài đọc hiểu nằm ở Phần I (3 điểm), trong Đề thi THPT Quốc gia hiện hành. Làm kiểu bài đọc hiểu, thí sinh rất dễ đạt được điểm tuyệt đối 3/3. Điều này có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao tổng số điểm của cả bài văn.

Để làm tốt phần đọc hiểu, các em cần:

1. Nắm được phương pháp và kĩ năng đọc hiểu một văn bản; các yêu cầu và hình thức kiểm tra cụ thể về đọc hiểu; nắm vững các kiến thức cơ bản thường gặp như: các biện pháp tu từ từ vựng và tu từ cú pháp; các phong cách ngôn ngữ chức năng, các phương thức biểu đạt; các thao tác lập luận; cách xác định chủ đề/câu chủ đề hoặc nội dung của một văn bản…

2. Các em nên làm phần đọc hiểu trong vòng 30 – 40 phút, viết trong vòng 2 mặt giấy thi. Sử dụng kí hiệu thống nhất như trong đề bài. Trình bày rõ ràng, sạch đẹp, không sai lỗi chính tả, ngữ pháp. Diễn đạt mạch lạc, trôi chảy và có chất văn.

3. Đọc các câu hỏi trước, gạch chân những từ quan trọng trong câu hỏi, để có định hướng chính xác khi đọc đoạn trích. Khi đọc câu hỏi phải đọc thật kĩ để xác định chính xác nội dung cần trả lời. Ví dụ như: Nêu phương thức biu đạt chính trong đoạn trích; sẽ khác với câu: Nêu các phương thức biu đạt trong đoạn trích.

4. Trả lời từng câu hỏi, dễ trước khó sau, nhưng không nên bỏ bất cứ câu nào, ‎ ý nào để giành chắc chắn từng 0,25 điểm. Nên trả lời trực tiếp vào câu hỏi, theo kiểu “hỏi gì đáp nấy”. Câu trả lời cần chính xác, đầy đủ, ngắn gọn. Không nên gạch đầu dòng mà nên viết mỗi ý trong câu hỏi thành đoạn văn nhỏ, hoàn chỉnh.

5. Để đạt điểm tối đa, khi xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản, thao tác lập luận hoặc phương thức biểu đạt trong văn bản, nên giải thích ngắn gọn 2-3 dòng (dựa vào đặc trưng của phong cách ngôn ngữ/ thao tác lập luận hoặc phương thức biểu đạt mà các em nêu) . Khi xác định biện pháp tu từ, nên chỉ rõ biện pháp ấy được thể hiện qua từ ngữ/hình ảnh nào.

6. Để nhận biết văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nào, cần dựa vào các xuất xứ ghi dưới văn bản và dựa vào đặc trưng của phong cách ngôn ngữ.

7. Để xác định chính xác phương thức biểu đạt, em nên lưu ý:

– Phương thức nghị luận (sử dụng nhiều lập luận, lí lẽ, dẫn chứng; nhiều từ khen chê, bộc lộ thái độ) chủ yếu xuất hiện trong văn bản nghị luận.

– Các phương thức miêu tả, biểu cảm, tự sự thường chủ yếu xuất hiện trong các văn bản nghệ thuật:

+ Nếu văn bản chủ yếu khắc họa đặc điểm, trạng thái, tính chất của đối tượng => Phương thức miêu tả.

+ Nếu văn bản chủ yếu bộc lộ cảm xúc của người viết => Phương thức biểu cảm.

+ Nếu văn bản chủ yếu kể lại diễn biến sự việc đã xảy ra => Phương thức tự sự.

Một văn bản có khi kết hợp nhiều phương thức biểu đạt khác nhau nhưng bao giờ cũng chỉ có một phương thức biểu đạt chính. Có 4 phương thức thường xuất hiện trong các đề thi/ đề kiểm tra: biểu cảm, tự sự, miêu tả, nghị luận.(Trong thơ: chủ yếu sử dụng hai phương thức: biểu cảm và miêu tả. Còn phương thức tự sự có sử dụng nhưng không nhiều. Trong văn xuôi: chủ yếu sử dụng các phương thức: tự sự và miêu tả, biểu cảm.)

8. Để nhận biết chính xác các biện pháp nghệ thuật, các em cần nắm vững kiến thức về các biện pháp tu từ, đặc trưng của từng biện pháp tu từ; đồng thời luyện tập thường xuyên thông qua các bài tập.

Chẳng hạn so sánh thường có mô hình A như B; ẩn dụ là dùng A để chỉ B… Các em cần nắm vững các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, vật hóa, điệp ngữ, nói quá, nói giảm, chơi chữ, lặp cấu trúc, đảo ngữ; câu hỏi tu từ, liệt kê… Các biện pháp tu từ có tác dụng làm rõ đối tượng nói đến, tăng thêm gợi cảm, gợi hình ảnh, âm thanh, màu sắc, làm đối tượng hấp dẫn, sâu sắc.

9. Để xác định chính xác nội dung của 1 văn bản, các em nên:

– Tìm câu văn nêu vấn đề nổi bật mà văn bản đề cập tới.

– Xác định chính xác nội dung của từng đoạn văn bản, rồi tổng hợp lại thành nội dung bao quát toàn văn bản.

– Với loại câu hỏi nêu nội dung, ý nghĩa câu thơ; các em nên chú ý đọc thật kĩ câu thơ tìm hình ảnh quan trọng rồi sau đó đặt câu thơ vào toàn văn bản để tìm ra nội dung, ý nghĩa của câu thơ.

10. Ở những phần yêu cầu viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về vấn đề nào đó, để đạt điểm cao, em nên trình bày với độ dài 5,6 hoặc 7 dòng (tùy theo yêu cầu của đề). Em có thể viết theo lối diễn dịch, quy nạp hay tổng phân hợp nhưng tốt nhất là viết theo lối diễn dịch. Các em cần bám sát chủ đề mà câu hỏi nêu ra; chỉ cần viết 2-3 câu: Câu 1 nêu lại chủ đề mà đề bài yêu cầu. Câu 2 và 3 triển khai cụ thể chủ đề ấy.

Sau khi làm xong, các em cũng nên kiểm tra lại và sửa lỗi (nếu có).

Chúc các em đạt điểm cao và kiêu hãnh, tự tin bước vào một trường đại học lớn mà các em mơ ước.

Xin cảm ơn sự chia sẻ của thầy!

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular