fbpx
Friday, March 29, 2024
HomeHọc đườngNhững lưu ý quan trọng trước khi nộp hồ sơ xét tuyển...

Những lưu ý quan trọng trước khi nộp hồ sơ xét tuyển Đại học, Cao đẳng

Những thay đổi trong kì tuyển sinh năm nay cũng cần được nắm rõ để tránh những sai sót đáng tiếc, đặc biệt trong cách ghi hồ sơ và nhận định điểm chuẩn của các trường sao cho phù hợp với số điểm.

Như vậy, đợt xét tuyển cao đẳng, đại học đã bắt đầu và cũng là giai đoạn quan trọng không kém so với việc làm bài thi của thí sinh. Sau khi biết được kết quả thi, đợt xét tuyển cao đẳng, đại học này sẽ quyết định thí sinh đỗ vào trường nào. Có thể nói rằng đây là giai đoạn quyết định đến cả một quá trình học cũng như xuyên suốt kì thi THPT Quốc Gia năm 2016. Vì vậy, rất cần những lựa chọn sáng suốt, những thủ tục liên quan cũng như là những phân tích, đánh giá sao cho phù hợp nhất với phổ điểm và sở thích của bản thân.

Những thay đổi trong kì tuyển sinh năm nay cũng cần được nắm rõ để tránh những sai sót đáng tiếc, đặc biệt trong cách ghi hồ sơ và nhận định điểm chuẩn của các trường sao cho phù hợp với số điểm. Những lưu ý sau đây sẽ giúp bạn tránh được những sai sót không đáng có cũng như chọn cho mình một  ngành học và trường đào tạo thật vừa ý.

Chọn ngành trước, chọn trường sau

Đây có lẽ là điều mà rất nhiều bạn gặp phải, đặc biệt là những lời “than vãn” của những sinh viên năm nhất vì lựa chọn không đúng ngành nghề. Nhiều học sinh không nhận thức được sự quan trọng của ngành học mà nhiều khi lầm tưởng về một ngôi trường uy tín, hoặc cũng có thể là mong ước được học ở ngôi trường ấy nên chỉ cần vào được trường còn ngành học gì cũng được. Nhưng đổi lại, vào học rồi mới nhận ra, thì ra công việc quyết định bởi ngành học chứ không phải ở trường học.

Nhiều ngôi trường sư phạm vẫn có đào tạo cử nhân khoa học, nhiều trường vẫn có những ngành đào tạo đa dạng khác nhau mà đôi khi nó không hề liên quan đến cái tên trường một tí nào cả. Bạn lưu ý sau này bạn làm công việc gì, thì ngành học mới là yếu tố quyết định. Đừng vì cái danh của trường mà chọn bừa ngành học, rồi sau khi tốt nghiệp lại làm công việc mà mình không hề có năng lực cũng như đam mê. Bạn nên chọn cho mình ngành học trước, sau đó liệt kê ra những trường nào có đào tạo ngành học ấy rồi lựa chọn cho mình một trường thật tốt và phù hợp với số điểm của bạn. Ngành học quan trọng hơn trường học.

Làm gì cũng phải thích và đam mê

Đó là điều hiển nhiên, dù cho đó là những việc nhỏ nhặt hay những việc quan trọng, bạn cần có sở thích và đam mê để làm động lực. Chẳng có việc gì là dễ dàng cả, nên động lực chính là yếu tố giúp bạn vượt qua những khó khăn. Cuộc sống sinh viên chẳng hề dễ dàng như thời cấp 3 bạn từng nghĩ, chương trình học cực kì nặng, học theo kiểu tự chủ, cuộc sống xa nhà và tự lập đôi khi khiến bản thân mình bất lực và chán nản trước mọi việc.

Nếu bạn không học một ngành học mà mình yêu thích, không học ở một ngôi trường mà ít ra bạn cũng cảm thấy hài lòng về nó thì chắc chắn việc học sẽ bỏ bê, học theo kiểu “học đại” và sau khi tốt nghiệp cũng rất khó để xin được một công việc với tấm bằng “cho có” ấy. Đơn giản là vì bạn không có động lực, và khó khăn hơn nữa là sự chán nản kéo theo những hệ lụy vô cùng to lớn. Sự bỏ bê, lơ là cũng như lối sống cẩu thả sẽ hủy hoại cả tương lai của bạn chứ nó không đơn thuần chỉ là công việc sau này. Vì vậy chọn ngành học và trường học đừng bao giờ vì ép buộc, nếu bạn không thực sự thích, đừng bao giờ miễn cưỡng theo kiểu đại học là “học đại”.

Những lưu ý quan trọng trước khi nộp hồ sơ xét tuyển Đại học, Cao đẳng - Ảnh 2.

Thí sinh không được rút hay thay đổi hồ sơ sau khi đã nộp

Đợt xét tuyển cao đẳng, đại học bắt đầu từ ngày 1/8 và kết thúc vào ngày 12/8, sau khi kết thúc thời gian nộp hồ sơ xét tuyển, các trường sẽ công bố danh sách trúng tuyển. Như vậy mỗi thí sinh được phép nộp hồ sơ vào 2 trường, mỗi trường như vậy được chọn 2 ngành học. Thí sinh sử dụng 2 bộ hồ sơ riêng dành cho 2 trường, thí sinh truy cập vào website của trường mà mình dự định nộp hồ sơ để xem thông tin tuyển sinh và tải mẫu hồ sơ ngay tại website của trường. Điều đáng chú ý, sự khác biệt trong kì tuyển sinh năm nay là thí sinh không được thay đổi hay rút hồ sơ như năm 2015, sau khi nộp hồ sơ, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng hay rút hồ sơ nên cần phải đưa ra quyết định thật chính xác để tránh sai sót.

Có 3 cách nộp hồ sơ, thí sinh chỉ chọn 1 trong 3 cách.

Đợt xét tuyển cao đẳng, đại học năm nay, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng 3 hình thức, nộp trực tiếp tại trường đăng kí, nộp hồ sơ qua đường bưu điện và nộp hồ sơ online qua website của bộ GD&ĐT. Riêng Đại học Đà Nẵng chỉ nhận hồ sơ online và hồ sơ qua đường bưu điện, không nhận hồ sơ nộp trực tiếp. Lưu ý là thí sinh chỉ được phép chọn 1 trong 3 hình thức để nộp hồ sơ xét tuyển, nếu thí sinh nộp bằng 2 cách thì hồ sơ sẽ bị vi phạm quy chế và bị hủy bỏ. Nhiều thí sinh vì lo ngại sợ thất lạc hồ sơ nên vừa nộp qua đường bưu điện vừa đăng kí online, điều đó là vi phạm quy chế và coi như hồ sơ bị hủy. Ngoài ra, về cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, thí sinh cần có số điện thoại di động để đăng kí, bạn nhớ in kết quả đăng kí để xác thực các thông tin có trong hồ sơ. Ngoài ra, thí sinh cũng cần chú ý đến việc nộp lệ phí xét tuyển đúng theo hướng dẫn, có 3 cách để nộp lệ phí, qua đường bưu điện, qua ngân hàng và qua cây ATM.

Đăng kí xét tuyển trực tuyến sẽ kết thúc trước 1 ngày.

Thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến, cần truy cập trực tiếp vào địa chỉ trang thông tin điện tử:http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn

Đăng ký xét tuyển trực tuyến sẽ kết thúc trước 01 ngày so với mốc thời gian quy định ở trên. Như vậy, cổng đăng kí xét tuyển trực tuyến của bộ GD&ĐT sẽ đóng vào ngày 11/8, các thí sinh có nguyện vọng đăng kí bằng hình thức trực tuyến cần chú ý quy định trên để tránh chậm trễ. Nếu như không kịp thì cũng không nên “hốt hoảng” vì đường bưu điện và hình thức nộp hồ sơ trực tiếp vẫn hoạt động cho đến hết ngày 12/8. Tuy nhiên, thí sinh cũng không nên để “nước đến chân mới nhảy”, vì không có quyền rút hồ sơ nên nếu như đã chọn được trường và ngành học thì nên nộp càng sớm càng tốt.

Theo Nguyễn Huy / Trí Thức Trẻ

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular