fbpx
Friday, March 29, 2024
HomeTin tuyển sinhNhững lưu ý để đạt điểm cao trong kì thi THPT Quốc...

Những lưu ý để đạt điểm cao trong kì thi THPT Quốc Gia 2016

Kì thi THPT Quốc gia năm 2016 đang tới gần. Ngoài việc tập trung luyện các dạng đề, thí sinh cũng cần dựa vào phân tích đề thi năm ngoái và dự đoán đề thi năm nay để có định hướng ôn tập tốt nhằm đạt điểm số cao.

Nhóm môn Tự nhiên

Toán

Đề thi môn Toán trong kì thi năm ngoái được nhiều giáo viên nhận định là có độ phân hóa khá rõ ràng nhưng cũng không đến mức đánh đố để làm khó thí sinh. Với những học sinh có học lực trung bình, việc đạt từ 4-5 điểm để qua môn là điều khá dễ dàng, cụ thể những câu dễ “ăn” điểm trong đề năm 2015 là:

  • Câu 1 (1 điểm): Khảo sát và vẽ đồ thị hàm bậc 3 – một dạng toán quen thuộc đã được học sinh ôn đi ôn lại nhiều lần
  • Câu 2 (1 điểm): Tìm giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của hàm số
  • Câu 3 (1 điểm): Gồm 2 ý về số phức và logarit
  • Câu 4 (1 điểm): Tính tích phân
  • Câu 5 (1 điểm): Dạng bài cơ bản về hình học giải tích

5 câu trên đều thuộc chương trình lớp 12, trong khi đó hai câu 6, 7, 8 là những câu liên quan đến lượng giác, tổ hợp xác suất, hình học phẳng – những kiến thức của lớp 10 và 11 nên đòi hỏi thí sinh cần rà soát, ôn tập kiến thức của 2 khối lớp này mới có thể đạt điểm 6-7 trở lên.

Hai câu khó nhất trong đề là câu 9 và 10, đòi hỏi thí sinh phải thực sự thông minh, nắm được các “mánh” để gỡ được nút thắt của bài toán. Để giải quyết được 2 câu này, trí tuệ của thí sinh là yếu tố đủ, bên cạnh điều kiện cần là chăm chỉ ôn luyện các dạng bài tập nâng cao.

Vật lí

Đề thi Vật lí năm 2015 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, trong đó có khoảng 30 câu thuộc về phần kiến thức cơ bản, thí sinh ở mức độ trung bình có thể dễ dàng đạt 5 điểm, thí sinh học khá hơn cũng không khó để đạt 6-7 điểm.

Những câu hỏi khó trong đề dùng để phân loại thí sinh giỏi nằm ở phần dòng điện xoay chiều, dao động cơ. Bên cạnh đó, đề thi còn có tới 4 câu liên quan đến đồ thị, đòi hỏi thí sinh phải biết đọc và phân tích để tìm ra lời giải. Những câu hỏi tích hợp, vận dụng tình huống thực tế như còi chữa cháy, sóng điện từ ở Trường Sa… cũng xuất hiện nhiều hơn, tuy cách thức ra câu hỏi có phần mới lạ nhưng vẫn chỉ nhằm mục đích kiểm tra kiến thức đã học, do đó để làm được những câu này, thí sinh chỉ cần bám sát kiến thức cơ bản, chú ý lắng nghe những thông tin liên hệ thực tế mà giáo viên giảng giải, đồng thời cần tỉnh táo để phân tích đề bài, từ đó quy về dạng bài mà mình đã ôn tập.

Ngoài ra, thí sinh cũng cần ôn tập các kiến thức Vật lí lớp 10 và 11 như chuyển động biến đổi đều để không bỏ lỡ cơ hội gia tăng số điểm bài thi.

Hóa học

Đối với môn Hóa học, về cấu trúc, đề thi năm ngoái có 60% câu hỏi là lý thuyết, 40% còn lại là bài tập tính toán. Phần kiến thức chủ yếu rơi vào lớp 12, còn lại khoảng 30% thuộc chương trình lớp 10 và 11.

Về độ khó, 30 câu đầu tiên đều là kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, thí sinh trung bình không khó để đạt 5-6 điểm. Những câu tiếp theo có độ khó tăng dần, đặc biệt những câu hỏi cuối. Các câu khó thường rơi vào mảng đốt cháy hỗn hợp chất hữu cơ thuộc các dãy đồng đẳng khác nhau, cũng như bài tập về hợp chất có chứa nitơ.

Để đạt điểm cao ở môn Hóa, thí sinh cần lưu ý một nét mới trong đề thi năm ngoái mà rất có thể sẽ tiếp tục được tăng cường trong năm nay, đó là việc đưa một số câu hỏi liên quan đến thực nghiệm hóa học. Với những câu hỏi này, đề bài có thể sẽ được ra dưới dạng bảng số liệu, hoặc hỏi về ứng dụng thực tiễn của các chất.

Sinh học

Kì thi THPT Quốc gia năm vừa qua, đề thi môn Sinh học được nhận xét là hơi dài và khó hơn đề thi những năm trước. Thí sinh trung bình – khá có thể vượt qua 30 câu đầu tương đối dễ dàng để đạt 5-6 điểm, bởi đây đều là những câu hỏi về lí thuyết cơ bản. Những câu về sau khó hơn nhằm phân hóa rõ rệt thí sinh đạt mốc điểm 7-8 và những thí sinh xuất sắc đạt mốc 9-10.

Để đạt điểm số từ khá trở lên, thí sinh cần lưu ý những điểm sau:

  • Đề thi có sự xuất hiện của một vài câu hỏi thực hành, đòi hỏi sự quan sát, do đó trong các giờ học trên lớp cũng như thực hành, học sinh không nên học qua loa lấy lệ mà cần hiểu rõ, hiểu sâu vấn đề và liên hệ thực tế để làm tốt những câu trên.
  • Khi ôn tập, học sinh nên luyện nhiều dạng đề, dạng câu hỏi đa dạng khác nhau để không bị bỡ ngỡ hay rối trí. Thêm vào đó, thí sinh cần bình tĩnh đọc kĩ các câu hỏi, ghi lại các dữ kiện ra nháp trước khi bắt tay vào giải để không bị bẫy.

Nhóm môn Xã hội

Ngữ văn

Đề thi Ngữ văn năm ngoái gây bất ngờ không chỉ vì đề khá dài mà còn bởi một lí do lớn hơn, đó là cấu trúc đề thi thay đổi quá nhiều. Nếu như những năm trước đó đề thi gồm 2 phần chính: Phần chung và Phần riêng, trong đó mỗi phần có 2 câu hỏi nhỏ, thì đề thi năm 2015 vừa qua lại được chia theo kĩ năng: Kĩ năng Đọc hiểu và kĩ năng Làm văn.

  • Phần đọc hiểu trong đề thi 2015 gồm 2 đoạn thơ, văn cho sẵn, mỗi đoạn có 4 câu hỏi nhỏ về thể loại, từ ngữ, phương thức biểu đạt, khả năng cảm thụ của thí sinh. Vì có đến 8 câu hỏi nhỏ nên thí sinh phải đọc thật kĩ để không bỏ sót. Một điểm khác biệt đó là đoạn thơ trong bài “Đảo Thuyền chài” của Trần Đăng Khoa không nằm trong chương trình sách giáo khoa của bất cứ khối lớp nào.Cách ra đề như thế này nhằm khẳng định quan điểm chống học tủ, học lệch của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Do đó, khi ôn luyện, giáo viên và học sinh cần chú trọng đến phần phương pháp, kĩ năng phân tích để gặp bài nào thí sinh cũng có thể tìm ra hướng làm, hơn là chỉ chăm chăm luyện tập với những tác phẩm đã quen thuộc trong sách giáo khoa.
  • Đề thi có những câu hỏi liên quan đến hiểu biết xã hội, tình hình thời sự hiện nay như vấn đề biển đảo, bệnh vô cảm, giáo dục kĩ năng sống…, do đó thí sinh năm nay nên trang bị cho mình vốn thông tin nhất định về những vấn đề “nóng” nhằm bổ sung vào các luận điểm, luận cứ, giúp lời văn của mình thêm sức thuyết phục và mang tính thực tiễn chứ không chỉ là “chém gió”.
  • Câu 2 thuộc phần Làm văn vẫn có cách ra đề tương tự như phần riêng ở đề thi các năm trước đó, tuy nhiên thí sinh cần đọc kĩ đề để nắm rõ yêu cầu đề bài: Đề chỉ yêu cầu phân tích, nêu cảm nhận về nhân vật, tư tưởng trong riêng đoạn trích đã cho, hay còn yêu cầu phân tích và khái quát ý nghĩa của cả bài? Nắm vững đề bài sẽ giúp thí sinh vạch ra được hướng đi, hướng viết hợp lí, tránh sa đà, lạc đề hay viết quá lan man, không đúng trọng tâm của đoạn trích.

Lịch sử

Đề thi môn Lịch sử 2015 chủ yếu tập trung vào phần lịch sử Việt Nam, tuy nhiên thí sinh năm nay không nên lơ là phần lịch sử thế giới bởi năm ngoái, câu hỏi thuộc phần này (về sự phát triển của kinh tế Nhật Bản) cũng chiếm tới 3 điểm.

Đề thi không chỉ gói gọn trong việc kiểm tra kiến thức bằng cách hỏi những câu hỏi để thí sinh trả lời đơn thuần theo những gì đã học, mà còn đòi hỏi thí sinh phải có sự suy nghĩ, tư duy logic, phân tích – tổng hợp vấn đề. Có thể kể đến những câu được ra theo hướng này như:

  • Ý 2 – câu III: Thí sinh tự chọn 1 sự kiện trong lịch sử dân tộc, sau đó phân tích nhằm làm sáng tỏ ý chí quyết tâm giành độc lập của người dân Việt Nam
  • Ý 1 – câu IV: Nhận xét 1 ý kiến cho sẵn về Hiệp định Geneve
  • Ý 2 – câu IV: Chọn lọc một nhân tố cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Ngoài ra, đề thi còn yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình về tình hình thực tiễn như quyền tự do và độc lập của dân tộc, những việc thanh niên cần làm để củng cố và phát huy nhân tố bảo vệ đất nước. Đây chính là phần mở, giúp thí sinh có cơ hội bày tỏ suy nghĩ, ý kiến của mình về vấn đề bảo vệ quê hương đất nước – một trong những chủ đề được dư luận quan tâm trong nhiều năm qua.

Nếu đề được ra theo chiều hướng này, số câu hỏi thuộc mức cơ bản sẽ chiếm khoảng 60%, giúp thí sinh có thể đạt điểm tương đối để tốt nghiệp và điểm khá, giỏi để xét tuyển vào đại học.

Địa lí

Năm ngoái, đề thi Địa lí được nhiều thí sinh đánh giá là dễ, thậm chí nhiều giáo viên cũng “than trời” vì mức độ dễ “ăn” dẫn đến khả năng khó phân loại được học sinh của đề thi này. Có lẽ đến năm nay, Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ rút kinh nghiệm và ra đề có tính phân hóa rõ rệt hơn nhằm chọn lọc được học sinh giỏi, phục vụ cho công tác xét tuyển đại học – cao đẳng.

Thí sinh không nên chủ quan mà cần chú ý những điều sau khi ôn tập môn Địa lí:

  • Đề thi rải đều ở các mảng kiến thức trong chương trình Địa lí THPT, từ địa lí tự nhiên cho đến địa lí kinh tế, địa lí dân cư, cơ cấu địa lí theo ngành. Do đó, thí sinh không nên học tủ mà cần nắm chắc kiến thức của tất cả các phần.
  • Đề thi những năm qua thường có 1, 2 câu liên quan đến vấn đề biển đảo như nguồn lợi tự nhiên, phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền vùng biển và biên giới lãnh thổ của quốc gia. Vì vậy, thí sinh cần bổ sung, cập nhật tin tức về vấn đề này để lấy ví dụ minh họa cũng như liên hệ thực tế tốt hơn.

Bên cạnh đó, những kĩ năng về đọc bảng số liệu, phân tích và vẽ biểu đồ sau đó nhận xét xu hướng phát triển cũng là phần quan trọng bởi năm nào cũng xuất hiện trong đề thi. Thí sinh còn cần biết cách đọc và lấy thông tin từ Át lát Địa lí Việt Nam để bổ trợ cho bài làm của mình.

Tiếng Anh

Đề thi năm 2015 có sự phân bổ mức độ Dễ – Trung bình – Khó theo tỉ lệ 20%-40%-40%. Đây là tỉ lệ khá hợp lí để vừa tạo điều kiện giúp thí sinh đủ khả năng tốt nghiệp THPT, vừa giúp phân loại thí sinh để xét tuyển vào Đại học. Tuy nhiên, sự phân loại cũng chưa thực sự rõ ràng bởi 40% Khó thì rất khó, trong khi đó 60% còn lại lại có phần hơi “nới lỏng” nên việc thí sinh trung bình khá đạt 5-7 điểm là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, dự báo đề thi năm nay sẽ khó hơn và có tính phân loại rõ rệt hơn.

60% đề thi là các câu hỏi Dễ và Trung bình, thuộc các mảng kiến thức về phát âm, từ vựng, ngữ pháp và giao tiếp cơ bản. Thí sinh chỉ cần ôn luyện thật chắc các nội dung trong sách giáo khoa là có thể làm tốt phần này.

40% đề thi là các câu hỏi Khó nhằm đánh giá học sinh Giỏi, chủ yếu rơi vào phần đọc hiểu, điền từ vào đoạn văn, viết lại câu và viết đoạn văn. Để ăn điểm ở những phần này, thí sinh nên ôn tập thêm các kiến thức nâng cao (các cấu trúc đảo ngữ, biến đổi câu, rút gọn mệnh đề…), lưu ý các trường hợp đặc biệt về cách sử dụng từ, cũng như tập viết các đoạn văn ngắn theo các chủ đề quen thuộc để tránh bị “ngợp”.

Bên cạnh đó, những năm gần đây đề thi thường có một số câu liên quan đến các sự kiện nóng diễn ra trước kì thi khoảng 1-2 tháng như tình hình biển đảo, các sự kiện thể thao… Tuy yêu cầu của những câu này vẫn chỉ để kiểm tra ngữ pháp và từ vựng, nhưng nếu thí sinh có hiểu biết về lĩnh vực, sự kiện đó thì sẽ hiểu câu hỏi hơn và làm tốt hơn.

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular