fbpx
Friday, March 29, 2024
HomeHọc đườngNhững lời nói dối xót xa của sinh viên, "lừa" cả giáo...

Những lời nói dối xót xa của sinh viên, “lừa” cả giáo viên, ba mẹ, bạn bè và chính bản thân mình

Chẳng ai sinh ra mà chưa từng nói dối, người ta nói dối vì muốn né tránh sự chỉ trích, nói dối vì không muốn làm người khác bận tậm, nói dối vì đơn giản nó đã trở thành một thói quen khó từ bỏ. Và cho dù với mục đích tốt hay xấu, thì “nói dối” là điều không thể thiếu trong đời sống sinh viên.

“Con vẫn còn tiền…”

Câu nói dối kinh điển nhất, quen thuộc nhất, và cũng xót xa nhất của sinh viên xa nhà những ngày cuối tháng. Dẫu đã phần nào nhận thức được giá trị của đồng tiền, nhưng ở giai đoạn nồng nhiệt nhất của tuổi trẻ, của ham mê khám phá những điều mới lạ, không tránh khỏi những lúc chúng ta lỏng lẻo trong cách chi tiêu, nhiều tháng phát sinh đủ mọi khoản như quà sinh nhật, tiền quỹ lớp, quỹ câu lạc bộ, đi chơi xa cùng bạn bè,… vì vậy vào những ngày cuối tháng, “cạn túi” trở thành là tình trạng chung. Đôi khi, trong quá trình học tập đòi hỏi phải sưu tầm tài liệu, sách vở, đầu tư cho bài tập cuối môn, cũng chiếm kha khá số tiền chi tiêu của các bạn.

Nhưng khi bố mẹ gọi điện hỏi thăm, hầu hết sinh viên đều trả lời rằng “con vẫn còn tiền…” bởi không muốn bố mẹ phải lo lắng, phải vất vả vì khoản chu cấp hằng tháng đã là khá nhiều. Thậm chí, dù bố mẹ gửi không đủ để chi tiêu, nhiều bạn sinh viên lựa chọn cách đi làm thêm, một hoặc nhiều việc cùng lúc để tự trang trải cho cuộc sống của mình.

“Tắc đường”, “Xe em bị hỏng”, “Em bị ốm nặng, sốt cao”

Những câu nói dối tưởng chừng như chỉ xuất hiện ở cấp trung học, phổ thông vậy mà trong môi trường Đại học, nó lại xuất hiện với tần suất đáng kinh ngạc. Đã bao nhiêu lần bạn dùng những câu nói trên để biện minh cho việc đi học muộn của mình, trong khi nguyên nhân lại không phải do “tắc đường”, do “xe hỏng” mà là do bạn ngủ nướng, bạn thức khuya hay đơn giản là cố tình không vào học vì đang ăn dở bữa sáng ngoài cổng trường? Chẳng cần phải đi đâu xa, chỉ cần đến các trường Đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, dễ dàng nhận thấy có những lớp sinh viên nghỉ học lên đến 2 con số, với muôn vàn những lí do khác nhau nhưng liệu trong đó có bao nhiêu phần trăm là thực, bao nhiêu phần trăm là nói dối?

Đó là còn chưa kể đến tình trạng thi cử hay làm bài tập cuối môn, có những bài hầu hết đi sao chép, copy ở nhiều nguồn khác nhau nhưng vẫn tự tin khẳng định đó là sản phẩm của chính mình, là kết quả sáng tạo do mình làm ra, nhận điểm cao mà không hề cảm thấy ái ngại.

Nhưng điều đáng buồn hơn, đó là dù biết là “nói dối” nhưng tuyệt nhiên hiếm thấy thầy cô hay sinh viên nào tỏ ra không đồng tình, phần lớn cho rằng đó là điều hiển nhiên của đời sống sinh viên, chẳng có gì phải lên tiếng chê trách. Vậy có bao giờ chúng ta nghĩ đến tương lai của những sinh viên thường xuyên nói dối sẽ ra sao hay không? Sẽ là một nhân viên chuyên đi làm muộn vì lí do “tắc đường”, một bản báo cáo chi chít những sao chép và copy, một bộ phận công việc bị dồn ứ không giải quyết được với hàng trăm, hàng ngàn lí do biện minh cho sự lười biếng

“Chúng ta vẫn ổn”

Không nói dối bố mẹ, cũng không nói dối thầy cô, bạn bè, mà đôi lúc chúng ta nói dối với cảm xúc của chính mình. Đã bao giờ bạn cảm thấy nhớ nhà, nhớ quê, nhớ hương vị của bữa cơm gia đình đến phát khóc, nhưng vẫn cố kìm nén và tỏ ra mạnh mẽ hay chưa? Bạn dành hết tâm huyết của mình cho một công trình nghiên cứu, một dự án bạn cho là rất hay nhưng kết quả lại không nhưng mong đợi, bạn vẫn phải tỏ ra không buồn bã trước mặt mọi người, tự động viên bản thân mình nhưng cảm xúc suy sụp lại như muốn vỡ òa. Hay có đôi khi, rung động trước một chàng trai, cô gái nào đó mà chẳng được hồi âm, có buồn, có thương, có đau nhưng vẫn gồng mình làm ra vui vẻ rồi gói gém cảm xúc thao thức, buồn bã cả đêm. Một phần đông người trẻ, sinh viên hiện nay đều đang sống trong những cảm xúc “nói dối”, vì sợ xấu hổ, vì không muốn yếu đuối trước mặt mọi người nên luôn tạo cho mình một vỏ bọc khác hoàn toàn với cảm xúc bên trong.

Thử hỏi, khi chúng ta còn không thể sống thật với chính mình, thì việc “nói dối” sẽ chẳng hề khó khăn. Cho dù với mục đích nào đi chăng nữa thì việc nói dối chắc chắn sẽ mang lại hậu quả tiêu cực nhiều hơn, nguy hiểm nhất, đó là tạo nên thói quen thiếu trung thực trong đời sống. Do vậy, dù cuộc sống sinh viên có nhiều màu sắc, nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều thử thách đến đâu, hãy tô màu trung thực làm màu sắc chủ đạo.

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular