fbpx
Saturday, April 20, 2024
HomeTin tuyển sinh'Nếu hủy kỳ thi THPT quốc gia 2020, phải sửa Luật Giáo...

‘Nếu hủy kỳ thi THPT quốc gia 2020, phải sửa Luật Giáo dục’

Theo thạc sĩ Lưu Đức Quang, thi THPT quốc gia là hình thức duy nhất để công nhận tốt nghiệp cho học sinh, theo Luật Giáo dục hiện hành hay Luật Giáo dục mới có hiệu lực từ 1/7.

Một trong hai kịch bản cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 của Bộ GD&ĐT là không thể tổ chức như mọi năm, nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài.

Theo các chuyên gia, hai phương án (vẫn tổ chức hay hủy kỳ thi) có những thiệt hại nhất định. Bộ GD&ĐT phải tranh thủ thời gian vạch ra kế hoạch chuẩn bị để ít thiệt hại nhất.

Băn khoăn thi hay xét tốt nghiệp

Bộ GD&ĐT đã 2 lần điều chỉnh thời gian kết thúc năm học và tổ chức thi THPT quốc gia, nhưng đến nay, học sinh vẫn chưa thể trở lại trường vì dịch bệnh diễn biến khó lường.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng Bộ GD&ĐT nên dự trù cả phương án cho tình huống xấu nhất. Bộ nên đưa ra mốc thời gian và phương án chuẩn bị rõ ràng. Học sinh nghỉ đến lúc nào là ranh giới cuối cùng. Nếu vượt qua mốc đó, bộ không kịp tổ chức thi THPT quốc gia.

“Bỏ thi không phù hợp Luật Giáo dục nhưng trong trường hợp thiên tai địch họa bất khả kháng, nên có phương án xét quá trình 3 năm học và cấp bằng tốt nghiệp THPT. Các trường đại học có thể căn cứ vào đó để xét tuyển hoặc tổ chức thi thêm một số môn phù hợp ngành, trường”, ông Ngai nêu ý kiến.

Theo ông Ngai, những năm qua, tỷ lệ học sinh dự thi THPT quốc gia đỗ tốt nghiệp luôn trên 90%. Tổ chức kỳ thi bằng mọi cách cũng không có nhiều ý nghĩa trong tình huống hiện nay. Hơn nữa, nếu thời gian quá gấp rút, công tác tổ chức cập rập, học sinh, phụ huynh sẽ lo lắng, hoang mang.

Tương tự, TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng nên hủy kỳ thi nếu thời gian năm học bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, không đảm bảo điều kiện tổ chức. Các địa phương sẽ phân công cơ quan chuyên môn cấp bằng tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT và Luật Giáo dục.

“Nếu chỉ nhằm mục đích lấy kết quả thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp, hủy kỳ thi cũng không đáng ngại. Nếu điều kiện thuận lợi, dịch kết thúc sớm, kỳ thi chung vẫn có thể tổ chức, các trường sử dụng kết quả này để xét tuyển vào đại học, cao đẳng cũng vẫn tốt”, ông Lý nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên – Huế, nhận định thời gian còn lại của năm học sau 2 lần điều chỉnh của Bộ GD&ĐT còn rộng, nên vẫn có thể tổ chức thi THPT quốc gia.

“Nếu hết tháng 4, học sinh cả nước trở lại trường, vẫn đảm bảo thời gian thi THPT quốc gia ngày 8/8. Chúng ta còn tháng 5, 6, 7 để dạy và học đủ chương trình đã tinh giảm. Căn cứ nội dung tinh giảm, đề thi minh họa Bộ GD&ĐT đã công bố, tôi nghĩ có thể tổ chức thi, không quá sức với học sinh. Thậm chí, nếu nghỉ đến nửa đầu tháng 5, mọi thứ vẫn đảm bảo”, ông Tân nêu ý kiến.

Người đứng đầu ngành giáo dục Thừa Thiên – Huế giải thích lâu nay, các trường vẫn tiến hành dạy, ôn tập bằng hình thức online trong thời gian nghỉ, nhất là học sinh lớp 12 và lớp 9.

Dù hiệu quả không như dạy trực tiếp, khi học sinh trở lại trường, thầy cô ôn tập, bồi dưỡng thêm, bám sát chương trình tinh giảm, vẫn đảm bảo thời gian năm học.

“Thay vì vội vã thực hiện phương án xét tốt nghiệp, trong khoảng thời gian vẫn còn cho phép, tôi nghĩ nên tổ chức thi. Sự thay đổi trong vội vã, chuẩn bị không chu đáo sẽ không tốt. Chúng ta nên có thời gian chuẩn bị một phương án áp dụng cho lâu dài thay vì năm nay xét tốt nghiệp rồi các năm sau lại đổi phương án”, ông Tân nói.

Chọn phương án ít thiệt hại nhất

Theo thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật, ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), trong bối cảnh hiện nay, dù chọn phương án nào, chắc chắn đều có ảnh hưởng và thiệt hại. Không có phương án nào hoàn hảo nên Bộ GD&ĐT phải chọn phương án ít thiệt hại nhất.

Hiện nay, thi THPT quốc gia vẫn là hình thức duy nhất để công nhận tốt nghiệp đối với học sinh, theo Luật Giáo dục hiện hành hay Luật Giáo dục mới có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.

Muốn hủy kỳ thi THPT quốc gia năm nay (ví dụ vì dịch Covid-19), Bộ GD&ĐT sẽ trình, tham mưu phương án bỏ thi lên Chính phủ. Sau đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội họp để sửa luật.

Năm nay, kỳ thi THPT dự kiến được tổ chức từ ngày 8-11/8, thời điểm Luật Giáo dục mới đã có hiệu lực.

Tuy nhiên, việc bỏ thi tốt nghiệp chỉ là một phương án. Phương án khác vẫn là tổ chức thi THPT quốc gia. Giảng viên ĐH Kinh tế – Luật cho rằng phương án này vẫn có tính khả thi.

Nếu thời gian tới học sinh vẫn chưa trở lại trường, Bộ GD&ĐT có thể tiếp tục lùi thời gian tổ chức thi một cách linh hoạt, chấp nhận khóa học sinh lớp 12 này sẽ thi muộn, vào đại học muộn.

Năm học tới, các trường đại học sẽ dùng học kỳ hè để bù đắp cho khoảng thời gian thiếu hụt do nhập học muộn.

“Tôi nghĩ vẫn nên ưu tiên việc lùi thời gian thi THPT quốc gia”, ông Quang nói.

Trong bối cảnh thời gian năm học không còn nhiều, giảng viên ĐH Kinh tế – Luật cho rằng Bộ GD&ĐT nên nhanh chóng bàn bạc, quyết định phương án ít thiệt hại và bắt tay vào chuẩn bị, triển khai.

Khoản 3, điều 34 của Luật Giáo dục 2019 sắp có hiệu lực quy định: Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng GD&ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Khoản 3, điều 31 của Luật Giáo dục hiện hành quy định: Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng GD&ĐT, được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được giám đốc sở GD&ĐT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo Zing

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular