fbpx
Friday, March 29, 2024
HomeTin tuyển sinhLưu ý đặc biệt khi khai hồ sơ thi THPT và xét...

Lưu ý đặc biệt khi khai hồ sơ thi THPT và xét tuyển đại học

Từ ngày 1 đến 20/4 là thời gian thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017. Đây là năm đầu tiên thực hiện đăng ký đồng thời cả 2 nội dung này trên cùng một phiếu, vì vậy đòi hỏi thí sinh phải đọc kỹ quy chế, cân nhắc và điền chính xác thông tin, nhất là về nguyện vọng xét tuyển.

Để giúp thí sinh hạn chế sai sót trong đăng ký, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) về vấn đề này.

– Ông có thể cho biết việc phát hành phiếu đăng ký dự thi (ĐKDT) cho các đơn vị có học sinh tham dự kỳ thi năm nay của Hà Nội được tiến hành như thế nào?

– Từ đầu tháng 3-2017, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức phổ biến quy chế và tập huấn cho cán bộ quản lý trường học, nhân viên phụ trách công tác dữ liệu thi. Hà Nội cũng đã hoàn thành việc in ấn và phát hành phiếu ĐKDT tới các đơn vị từ trước ngày 20-3, bảo đảm tất cả các trường THPT công lập, ngoài công lập và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đều nhận đủ số lượng.

Ngoài ra, phiếu ĐKDT cũng được phát hành đến 30 phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã để phục vụ các thí sinh tự do sinh sống, làm việc trên địa bàn. Sở GD-ĐT Hà Nội quy định, học sinh lớp 12 học ở trường nào thì nộp phiếu ĐKDT tại đó, thí sinh tự do (đã tốt nghiệp) nộp tại các phòng GD-ĐT.

– Phiếu ĐKDT của thí sinh năm nay có điểm gì cần lưu ý?

– Ngoài các thông tin cá nhân, trong phiếu ĐKDT năm nay thí sinh cần đặc biệt lưu ý mục số 14 đăng ký bài thi/môn thi. Đối với thí sinh đang học lớp 12 phải đăng ký bài thi tại điểm a, không được phép chọn các môn thi thành phần ở điểm b. Đối với thí sinh tự do, tùy theo mục đích dự thi, việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) có thể chọn cả 2 bài thi (tại điểm a) hoặc chỉ chọn một số môn thành phần (tại điểm b). Theo quy định, thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên không phải thi môn ngoại ngữ để xét tốt nghiệp THPT, nhưng các em vẫn có thể chọn ĐKDT môn này nếu có nguyện vọng sử dụng để xét tuyển ĐH, CĐ.

Điểm cần nhớ, sau ngày 20-4 thí sinh không được thay đổi cụm thi và các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký. Do đó, thí sinh cần cân nhắc thật kỹ và điền chính xác khi khai phiếu ĐKDT, nhất là ở mục đăng ký bài thi/môn thi, tránh nhầm lẫn, ảnh hưởng đến quyền lợi dự thi của mình.

– Sự điều chỉnh phương thức thi có dẫn đến sự khác biệt trong phiếu ĐKDT của thí sinh không, thưa ông?

– Điểm khác biệt năm nay là, ngoài việc đăng ký các bài thi/môn thi, thí sinh đồng thời đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH và các trường CĐ thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy vào phiếu ĐKDT, nên ngoài nội dung như mọi năm, phiếu ĐKDT năm nay có hai phần chính: Phần thông tin để xét công nhận tốt nghiệp và phần thông tin để xét tuyển. Còn các trường CĐ nghề và những trường khác thuộc quyền quản lý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội từ năm nay không đăng ký vào hồ sơ này.

Năm nay, Bộ GD-ĐT không hạn chế số lượng nguyện vọng, song các thí sinh phải nhớ ghi tổng số nguyện vọng đăng ký và xếp lần lượt theo thứ tự ưu tiên. Các thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của trường có nguyện vọng học được đăng trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trang thông tin của các trường để có thông tin đăng ký chính xác về mã trường, mã ngành/nhóm ngành, tên ngành/nhóm ngành, tổ hợp xét tuyển.

Thí sinh đăng ký nguyện vọng nào không đúng với quy định của các trường, nguyện vọng đó sẽ không được nhập vào hệ thống phần mềm để trường xét tuyển. Đối với những thí sinh đăng ký vào các trường thuộc lực lượng vũ trang (công an, quân đội), thì nguyện vọng vào các trường này phải được đặt ở vị trí ưu tiên số 1.

– Nhiều thí sinh băn khoăn khi chứng minh thư nhân dân có 9 chữ số, nhưng trong phiếu ĐKDT ở phần khai số chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước công dân có tới 12 ô. Vậy, trong trường hợp này các em sẽ điền thông tin như thế nào cho đúng?

– Những thí sinh có chứng minh thư mẫu mới hoặc thẻ căn cước công dân thì ghi đủ 12 chữ số, lần lượt từ trái qua phải vào các ô tương ứng. Đối với những thí sinh đang dùng chứng minh thư mẫu cũ, có 9 chữ số thì bỏ trống 3 ô đầu, bắt đầu điền số từ ô thứ 4 đến ô cuối cùng.

Thực tế có những thí sinh có nhiều số chứng minh thư nhân dân, nhưng từ lúc ĐKDT đến lúc nhận giấy báo nhập học, phần mềm quản lý dữ liệu thi chỉ quản lý một số, do vậy các thí sinh cần khai thống nhất một số chứng minh nhân dân. Những thí sinh đăng ký vào các trường thuộc lực lượng vũ trang, thì số chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước phải trùng với lúc sơ tuyển.

– Hai ngày đầu tiên trong chuỗi 20 ngày khai, nộp hồ sơ lại trùng với những ngày nghỉ cuối tuần, liệu có ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh không, thưa ông?

– Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hạn cuối nộp phiếu ĐKDT của thí sinh là ngày 20-4. Từ nay đến hôm đó, thí sinh còn thời gian khá dài, đủ để các em cân nhắc, lựa chọn và quyết định nguyện vọng ĐKDT phù hợp. Thực tế nhiều năm qua tại Hà Nội cho thấy, hiếm có thí sinh nào nộp phiếu ĐKDT ở tuần đầu. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu các nhà trường tuyệt đối không được kết thúc việc thu nhận hồ sơ của thí sinh trước thời hạn. Vì vậy, các thí sinh cứ bình tĩnh, cân nhắc thật kỹ trước khi khai phiếu ĐKDT.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular