fbpx
Thursday, April 25, 2024
HomeHướng nghiệpCông nghệ thông tinHướng dẫn mua laptop cho tân sinh viên CNTT

Hướng dẫn mua laptop cho tân sinh viên CNTT

Năm nào tân sinh viên cũng hỏi học ngành này mua laptop gì và năm nào mình cũng gặp sinh viên mua những cái máy để chơi game tốt hơn là để học. Nay rỗi rãi thiết nghĩ có thể viết đôi dòng cho các bạn ấy tham khảo.

Dòng đầu tiên phải nói là mình không nhận hoa hồng của hãng laptop nào để quảng cáo. Mà thật sự là cũng không có một mẫu laptop nào là vô đối mà sinh viên nào cũng phải mua. Tất cả những gì viết ở đây chỉ là gợi ý và tổng hợp kinh nghiệm cá nhân, việc chọn mẫu laptop nào cụ thể phụ thuộc vào sở thích của từng người và qua trọng nhất là túi tiền.

Giờ bắt đầu bằng việc chỉ ra cái suy nghĩ phổ biến nhưng tương đối sai lầm của Tân sinh viên: đó là cố mua một cái laptop khủng có thể làm tốt mọi tác vụ để xài trong suốt 4 năm học đại học. Một laptop như vậy không hề tồn tại, ít nhất là với công nghệ  hiện tại. Trong suốt 4 năm học, sinh viên Công nghệ thông tin bất kể ngành nào cũng thường sẽ dùng nhiều hơn 1 máy tính, đó có thể là laptop đem đến trường, máy bàn đặt ở nhà và server điều khiển từ xa qua mạng. Những công việc khác nhau đòi hỏi công cụ khác nhau và sinh viên CNTT nên làm quen với nhiều công cụ khác nhau. Nếu một sinh viên ngành khác, không biết chọn máy tính nên phải lựa loại chỉ mua một lần xài suốt đời thì có thể thông cảm. Còn sinh viên CNTT, bó hẹp 4 năm không dùng cái máy nào ngoài cái laptop từ thời năm nhất thì rất không nên.

NHỮNG THỨ CẦN CÓ Ở LAPTOP

Và vì những công việc đặc thù đã có những máy tính đặc thù (mua hoặc thuê) để làm nên laptop để đi học ngành CNTT không khác nhiều với các ngành phổ thông khác. Một số chi tiết cần lưu ý về cấu hình bao gồm:

1. Pin trâu. Tưởng tượng bạn đang đi thi, thời gian làm bài 2 tiếng, đề mở được dùng laptop nhưng laptop chỉ có pin đủ cho 1 tiếng thì xác định số phận nhé. Và vì pin thì sẽ phải chai sau 3 năm sử dụng nhiều laptop sẽ chỉ còn 50% dung lượng pin ban đầu nên mục tiêu ban đầu cần nhắm những laptop pin 4 tiếng hoặc những dòng laptop dễ thay pin và pin rẻ.

2. Gọn nhẹ. Mục đích chính để mua laptop là vì nó cơ động. Người trẻ nhiều khi không ngại đôi ba ký nhưng có những tình huống  gấp gáp nhưng bạn muốn đuổi theo thầy để hỏi bài, hay bạn mải mê làm bài quên mất sắp tới giờ trường đóng cửa thì một hai ký chênh lệch cũng khá đáng kể. Thứ hai là laptop nhẹ thì xác suất tuột tay rơi vỡ cũng ít hơn và cách các bạn sử dụng chúng cũng sẽ tự tin hơn. 

Và đặc biệt cần lưu ý là laptop thường có phụ kiện chứ không đi một mình và như điện thoại. Và khối lượng đồ phải đem kèm laptop sẽ tăng theo thời gian. Pin bị chai thì sẽ phải kè kè cục sạc,  cục sạc lại cần  ổ cắm nối dài, đĩa cứng đầy thì cần ổ cứng di động, bàn phím hư nên cần bàn phím rời. Đó là chưa kể chuột, tai nghe, sách, vở, dù, bình nước, v.v… Khi mua laptop để đi học lúc còn tân sinh viên đừng mua một cái máy ở tận cùng khả năng mang vác của mình, loại nào nặng hơn 2kg có thể  bỏ qua không cần nhìn tới.

3. Cấu hình/khả năng nâng cấp. Tùy túi tiền mà các bạn Tân SV có thể lựa chọn cấu hình cao và khỏi nâng cấp hoặc cấu hình thấp nhưng nâng cấp được.

  • CPU Intel Core i3 – i5 dòng U hoặc tương đương, Nếu không đủ tiền thì có thể giảm xuống intel Celeron cũng không phải là tận thế. Core i5 là đủ dùng với laptop đi học. Các tác vụ nặng thì cứ thuê máy chủ để cho nó chạy giùm
  • Ram 4-8GiB, thường  yếu tố ngốn RAM nhất với tân sinh viên sẽ là máy ảo. Trong quá trình học có nhiều thứ cần dùng thử nhưng không phải cái gì cũng có thể cài hết vào máy mình thì phải dùng máy ảo. Nhiều công nghệ khác cũng dùng máy ảo, lập trình di động cần máy ảo giả lập thiết bị, lập trình web cần máy ảo giả lập server, v.v… 
    Quy tắc chung là 4GiB là xài được, 8GiB là thoải mái.
    Thị trường thường ít laptop có sẵn 8GiB giá rẻ nhưng các bạn có thể mua loại có 02 khe cắm RAM để sau này mua RAM tự gắn vào. 

  • SSD 128GiB. Tưởng tượng cuối giờ bạn gặp giảng viên để hỏi bài. Thầy thì bận nên cần hỏi nhanh, bạn rất muốn mở máy tính lên cho thầy xem để dễ hỏi vì bạn không biết mô tả vấn đề thế nào, nhưng lap của bạn khởi động là hết 5 phút!! Lúc đó bạn sẽ thấy giá trị của SSD.
    Một ưu điểm nữa của SSD là bạn vác lap chạy đi khi nó đang hoạt động không sợ làm hư đĩa cứng, với đĩa HDD thông thường mà vác đi khi đĩa đang hoạt động có thể làm bad sector và chia tay đĩa.
    Một laptop có sẵn SSD thường không rẻ. Nhưng các bạn có thể cố xài đĩa cứng 1 thời gian, khi có tiền thì mua SSD gắn vào và tháo HDD ra làm ổ di động. Hoặc ưu tiên chọn máy nào có khe NVMe chuyên dụng để cắm SSD
NHỮNG THỨ CẦN TRÁNH.

1. Máy cấu hình quá cao. Nghe thì có vẻ hơi kỳ nhưng một máy cấu hình quá cao thường sẽ thiếu những điều cần có đã liệt kê ở trên. Máy cấu hình cao thường pin không trâu. Nếu pin trâu thì nó sẽ không nhẹ. Nếu pin vừa trâu vừa nhẹ thì máy bị nhồi nhét quá nhiều sẽ dễ nóng, máy nóng thì nó tự chạy chậm lại nên các bạn sẽ có một cái máy cấu hình cao giá cao nhưng chạy còn rùa bò hơn máy tầm trung. Và một yếu tố thường ít được nhà sản xuất đề cập là máy cấu hình cao cục sạc bao giờ cũng bự hơn và nặng hơn cấu hình tầm trung mà pin lại không trâu nên lúc nào cũng cần đem sạc, tổng khối lượng phải đem sẽ tăng đáng kể dù có khi bản thân cái máy không nặng.

Như đã nói từ đầu, chiếc máy hoàn hảo là không tồn tại nên các bạn phải chấp nhận đánh đổi. Nên tránh các thể loại core i7 hay ryzen 7, những thứ này hợp với máy để bàn hơn. GPU khủng cũng nên tránh, Geforce 1050 là dư dả với laptop mà thậm chí không có GPU trên laptop cũng chẳng sao, VGA tích hợp là đủ rồi.

2. Màn hình quá khủng. Màn hình là thành phần quan trọng trong laptop và ngốn điện nhiều chỉ sau CPU với GPU. Nên tránh tất cả thể loại màn hình lớn hơn 15″ trừ khi mắt bạn quá yếu. Màn hình to chiếm nhiều chỗ trên bàn gây khó chịu cho người xung quanh và khi khẩn cấp bạn không thể để cái máy màn hình quá  to trên đùi được. Nên chọn màn hình khoảng từ 10-15″, tùy thể trạng mà màn hình có thể khác nhau. Nhưng nguyên tắc chung là nếu bạn không thể thoải mái cầm máy bằng 1 tay và tay còn lại chỉ trỏ vào màn hình để trình bày với người đang đứng cạnh mình là màn hình quá to với bạn.

Bạn cũng nên tránh các thể loại màn hình 4k hay màn hình cảm ứng. Các loại màn hình này ngốn pin hơn bình thường, mắc hơn nhiều so với bình thường, nặng hơn bình thường mà hiệu quả mang lại với một laptop đi học là không cao. Trả thêm 2-4 triệu chỉ để cái hình selfie được dùng làm wallpaper trông mịn hơn là khá chát. Hơn nữa hầu hết các loại laptop có màn hình cảm ứng thường chât lượng không tốt, bản lề lỏng lẻo, dễ hỏng. Nếu bạn quá thích màn hình cảm ứng thì nên mua máy tính bảng đi học thay cho laptop, cái này sẽ nói ở phần sau.

3. Laptop chơi game. Các dòng laptop chơi game thường có đầy đủ những điều cần tránh và thiếu những điều cần có ở trên. Hơn nữa các loại laptop này thường rất đắt đỏ  và cũng khá ít bán ở Việt Nam nên các bạn không cần quan tâm tới chúng. Dù nếu cố tìm kiếm và có mối mua hàng ở nước ngoài các bạn cũng có thể kiếm được các laptop chơi game pin trâu và nhẹ (như razer blade chẳng hạn) nhưng việc có một laptop chơi game kè kè mọi lúc mọi nơi là một cám dỗ rất lớn. Nếu thích chơi game nên hẹn nhau ra quán quánh cho đã rồi về hoặc mua máy bàn để ở nhà nơi có người giúp bạn kiểm soát bản thân.

4. Máy bán kèm window. Bạn không cần window để học công nghệ thông tin. Thậm chí trong quá trình học đôi khi bạn cần phải cài hệ điều hành khác window. Mà nếu bạn chọn một nhán cần windows thì UIT cũng có liên kết với Microsoft cho bạn xài miễn phí. Máy bán kèm window thường đã tính sẵn tiền bản quyền vào giá bán, nếu một mẫu máy cho phép bạn lựa chọn cài sẵn window hoặc không thì cứ mạnh dạn lựa chọn.

Tương tự bạn cũng không cần các phần mềm bản quyền khuyến mãi đi theo vì hầu hết là không cần, nhất là phần mềm diệt virus. Một trong những lỗi khó hiểu khi học lập trình là do trình diệt virus nhận dạng nhầm bài tập do chính sinh viên code thành virus. Sinh viên CNTT nên tập kỹ năng đề phòng mã độc và dùng máy tính an toàn ngay từ đầu hơn là lệ thuộc antivirus.

5. Macbook. Máy mac có chất lượng rốt tốt nhưng xét hiệu năng chia cho giá tiền thì có nhiều lựa chọn tốt hơn. Hầu hết người dùng chuyên nghiệp chọn mua Mac một là vì công việc của họ bắt buộc cần MacOS (lập trình iOS chẳng hạn) hai là vì máy Mac có cấu hình cố định, mua về xài luôn, không mất công nâng cấp, cài đặt hay tùy chỉnh nhiều, chỉ tập trung dùng máy kiếm tiền thôi. Là sinh viên thì các bạn không nên lười như vậy.

Thứ hai là máy mac không phải dễ xài và hầu hết ưu điểm của MacOS với tân sinh viên thì hệ điều hành linux cũng có tương tự mà giá rẻ hơn nhiều. Trừ khi bạn đã có kinh nghiệm với Mac từ trước và/hoặc bạn có 30 triệu để không chẳng biết làm gì thì có thể chọn Mac, nếu không thì luôn có lựa chọn khác tốt hơn.

TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT

Ngoài các lời khuyên tổng quát ở trên cũng có một số trường hợp đặc biệt mà các bạn có thể cân nhắc các lựa chọn khác. Ở đây chỉ liệt kê một vài trường hợp mà mình biết, qua đó các bạn cũng có thể thấy rõ hơn không có lựa chọn nào là hoàn hảo cho mọi sinh viên, lựa chọn của bạn phải xuất phát từ bản thân bạn.

1. Điện thoại thay cho laptop

Ngày nay điện thoại/máy tính bảng có cấu hình ngày càng cao. Nhìn qua những tiêu chí nên có của laptop đi học như: Pin trâu, nhẹ, RAM 8G, SSD thì hầu hết có thể tìm thấy ở điện thoại. Dĩ nhiên bạn vẫn cần máy tính để học công nghệ thông tin. Tuy nhiên nếu bạn đã có máy tính để bàn và cấu hình điện thoại của bạn đủ cao bạn có thể không cần đến laptop. Cỡ như IphoneX hoặc Galaxy Note 9 là dư sức thay cho hầu hết yêu cầu với laptop đi học. Và các loại tablet có CPU x86 như Microsoft Surface có thể thay thế hoàn toàn laptop.

Ở đây người viết sẽ không phân tích sâu về hướng này, đơn giản vì không có đủ tiền mua nên chưa có kinh nghiệm, bạn nào muốn đầu tư theo hướng Máy bàn + phablet/tablet này thì có thể tìm hiểu trên mạng nhé.

2. Laptop siêu cùi + Máy bàn mạnh.

Nếu bỏ luôn không mua laptop làm bạn thấy lo lắng thì bạn cũng có thể lựa chọn build một cái máy bàn đủ xài và mua một laptop siêu di động rẻ tiền thôi, nhất là các loại dán mác Chrome book hoặc tương đương. Đặc điểm chung của các laptop theo hướng này là:

  • Giá dưới 5 triệu – tiền dư để dành mua máy bàn làm các công việc mà laptop chạy không nổi
  • CPU Atom – vừa rẻ lại tiết kiệm điện, dù yếu banh xác so với Core-i nhưng cũng mạnh hơn cái điện thoại.
  • Ram 2-4GiB – rất hiếm dòng nào 8 GiB, nếu có 8G thì cũng phải xách tay về chứ ở Việt Nam gần như không có bán
  • Ổ cứng eMMC – cùng công nghệ với thẻ nhớ, chậm banh xác nhưng rẻ.

Với cấu hình như vậy dĩ nhiên có nhiều tác vụ các bạn phải sang tải qua máy bàn nhưng nếu kiên nhẫn và khéo léo chọn phần mềm phù hợp thì các bạn vẫn có thể làm được hầu hết công việc của laptop đi học.

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular