fbpx
Friday, March 29, 2024
HomeTin tuyển sinhHọc trò than đề tham khảo toán, hóa, văn 'khó nhằn'

Học trò than đề tham khảo toán, hóa, văn ‘khó nhằn’

Đọc đề tham khảo thi THPT quốc gia 2018, học sinh than đề toán nặng, đề văn đòi hỏi ôn rộng kiến thức, đề giáo dục công dân ‘khó nhằn’…

Riêng đề vật lý và sinh được các em cho là dễ lấy điểm 5, còn đề hóa cần phải cố gắng mới làm được bài.

Vũ Trường Chinh (học sinh lớp 12 Trường THPT Đào Sơn Tây, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Đề toán hơi… khó

Với em, đề toán có khoảng 20 câu đầu là dạng kiến thức cơ bản, không khó lắm. Những câu sau thì độ khó cao dần lên. Ngoài ra, em còn thấy một số kiến thức lớp 11 trong đề, nếu chưa ôn lại thì khó mà làm nổi.

Với đề này, em nghĩ lấy điểm tốt nghiệp thì dễ, chứ lấy điểm xét tuyển đại học thì cần phải học nhiều và làm nhiều bài tập nâng cao, cùng với việc phải có suy luận nhanh, chặt chẽ, vì trung bình một câu chỉ có thời gian làm chưa tới 2 phút.

Khối lượng kiến thức kết hợp giữa hai lớp như vậy là khá nặng, hơi khó cho học sinh.

Phương Thảo (lớp 12 Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TP.HCM):

Tiếng Anh: kiến thức quen; văn: ôn quá rộng

Em thấy đề thi thử môn tiếng Anh không quá khó, phần lớn là kiến thức quen thuộc, tương tự đề thi học kỳ ở trường. Đề thiên về từ vựng, nếu nắm chắc từ vựng phổ thông và trau dồi thêm nhiều từ mới khác, có thể làm tốt đề thi thử này.

Với đề thi thử môn văn, em thấy phần đọc hiểu rất thực tế. Như câu 4 về cách chấp nhận người khác và bản thân, nó liên hệ với thực tế, những câu như vậy thì học sinh dễ diễn giải.

Tuy nhiên, câu 3 có chút trừu tượng: “Như một lẽ tất nhiên, sau một bước tiến xa luôn tồn tại một bước lùi gần”, đề yêu cầu nêu ý kiến về câu này nhưng em không thể hiểu đầy đủ ý nghĩa của nó.

Còn phần làm văn, câu 2, em đọc được có 3 ý: người lái đò sông Đà, liên hệ Huấn Cao và vẻ đẹp con người. Trong trường, tụi em ít khi được kiểm tra hay ôn sâu về dạng liên kết hình ảnh với nhau, lấy hình tượng người này so sánh với người kia trong hai tác phẩm khác nhau, nhất là một tác phẩm ở lớp 12 còn tác phẩm kia ở lớp 11.

Với kiến thức cần ôn rộng như vậy, em nghĩ tỉ lệ học sinh làm bài đạt yêu cầu sẽ không cao lắm.

Phạm Thùy Trang (lớp 12, Q.1, TP.HCM):

Giáo dục công dân: “khó nhằn”

Em thấy đề thi thử môn sử tương đối ổn. Bạn nào học bài kỹ chắc chắn sẽ không bị điểm liệt. Tuy nhiên, để lấy điểm cao, em không chắc lắm. Bởi đề thi rải rác mỗi bài học trong sách giáo khoa là một câu, yêu cầu học sinh phải nắm chắc kiến thức mới kiếm điểm trọn vẹn. Với học sinh thiên về khối tự nhiên như em thì áp lực quá.

Đề thi thử giáo dục công dân cũng tương tự vậy, những kiến thức pháp luật là “khó nhằn” với học sinh. Trong đề này, phần kiến thức lớp 11 cũng khá nhiều, khiến em và bạn bè khá hoang mang. Với đề này, em nhắm mình chỉ có thể làm trên điểm liệt, khó có thể lấy điểm khá.

Đỗ Thế Thùy Trang (lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):

Lý, sinh dễ kiếm 5 điểm, hóa khó

Nhìn chung đề thi vật lý, hóa học, sinh học tương đối dễ để vượt qua 5 điểm. Môn sinh học có nhiều câu chỉ cần học thuộc nội dung sách giáo khoa là tìm ra ngay đáp án. Tuy nhiên, phần bài tập toán di truyền rất khó để lấy điểm 8, 9, 10.

Với đề vật lý, vài câu đầu chỉ cần thuộc công thức là làm được, nửa sau của đề có tính phân hóa cao hơn so với đề năm trước. Kiến thức vật lý trải đều qua lớp 11 (ở một số lĩnh vực trọng tâm) và toàn bộ nội dung lớp 12.

Hóa là môn khó hơn hẳn vật lý và sinh học. Đối với học sinh có học lực bình thường như em, để lấy 5 điểm môn này cần cố gắng, không thể lơ là.

Hóa có nhiều bài tập tốn không ít thời gian, để giải nhanh phải luyện tập và có mẹo – điều này các bạn tập trung ôn khối thi tự nhiên chắc hẳn đã chuẩn bị để đối mặt.

Khoảng từ câu 20 trở về sau, học sinh không chuyên sẽ gặp khó khăn để giải quyết, riêng 10 câu cuối chắc không kịp giờ làm.

Theo Tuoitre

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular