fbpx
Saturday, April 20, 2024
HomeTin tuyển sinhHọc sinh đờ đẫn vì sáng thi Khoa học tự nhiên, chiều...

Học sinh đờ đẫn vì sáng thi Khoa học tự nhiên, chiều làm Ngoại ngữ

Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia 2017 có nhiều điểm mới. Chính vì vậy, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức khảo sát toàn bộ học sinh lớp 12 trong 3 ngày như thi thật.

de-thi-thpt-quoc-gia-mon-dia3
Tại kỳ khảo sát diễn rà từ 20/3 đến 23/3 vừa qua của Sở GD&ĐT Hà Nội, khâu làm đề thi đã gặp hai sự cố. Đó là đề thi môn Toán ở mã đề 015, một câu hỏi không có câu trả lời đúng.

Ở đề thi môn Hóa, mã đề 03, một đáp án không có nội dung. Với môn Toán, chỉ sau khi thí sinh thi xong, phản ánh, ban ra đề thi của Sở GD&ĐT mới biết, còn môn Hóa, trong thời gian phát đề, đã được phát hiện và xử lý kịp thời.

Khâu làm đề: Dễ mắc sai sót
Hai sự việc trên liên quan những sai sót trong kỹ thuật làm đề, chưa phải sai sót về kiến thức nhưng cũng khiến dư luận băn khoăn. Vì kỳ thi THPT quốc gia 2017, trong số 9 môn thi (gồm 3 bài thi đơn môn và 2 bài thi tổ hợp), chỉ có một môn duy nhất là tự luận, còn lại đều trắc nghiệm.

Tại hội nghị triển khai công tác thi và tuyển sinh ĐH 2017 được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức vừa qua, ông Bùi Quang Thái, Phó trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng của sở, cũng lo lắng về vấn đề này.

Ông Thái cho biết số loại đề thi năm nay nhiều hơn, có 8 bài thi và môn thi thành phần, có 6 loại ngoại ngữ. Tổng là có 14 loại đề thi, mỗi loại có 24 mã đề thi. Nhiều môn trắc nghiệm nên số lượng trang in nhiều hơn. Trong quá trình in ấn, đảo đề rất dễ sai sót, nhầm lẫn.

Đồng quan điểm, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, nói điều khó nhất là các sở in ấn đúng trang, đúng thứ tự, mã đề phải chuẩn. Vì 3 môn thành phần của bài thi tổ hợp, một thí sinh phải có cùng mã đề. Ba bài thi nhưng mã đề phải như nhau để làm trên một phiếu trả lời.

Đối với bài thi này, khâu coi thi cũng phải quán triệt, giám thị cũng phải nhắc nhở đến thí sinh thật kỹ. Bản thân thí sinh cũng hay lơ là chuyện này. Mỗi môn thi một mã đề thì thí sinh có làm đúng, máy tính cũng sẽ không tính điểm.

“Với công tác tổ chức thi, mỗi khâu phải tập huấn riêng cụ thể. Bộ phận nào làm việc gì thì sẽ có tập huấn, quán triệt kỹ cho từng bộ phận đó”, ông Cao Xuân Hùng cho hay.

Ông Hùng chia sẻ đối với thí sinh tự do cũng khá phức tạp. Vì không bắt buộc phải thi cả ba môn thành phần trong bài thi tổ hợp. Giám thị coi thi cũng vất vả hơn. Trong khi đó, đối tượng này theo quy định năm nay, các sở GD&ĐT không được thu lệ phí thi.

Gánh nặng trên vai giám thị
24 thí sinh là 24 mã đề thi. Một bài thi tổ hợp với 3 môn thi thành phần, mã đề mỗi thí sinh phải trùng nhau. Thí sinh tự do được lựa chọn môn thi trong bài thi tổ hợp. Những điểm mới này đã thực sự tạo nên áp lực đối với giám thị coi thi năm nay.

Cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên trường THPT Thượng Cát (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết qua đợt khảo sát, với hai bài thi tổ hợp, cô nhận thấy nếu đánh số báo danh theo thứ tự trong từng phòng thi (từ 001 đến 0024) thì sẽ rất thuận lợi cho giám thị khi kiểm soát mã đề đối với bài thi tổ hợp. Nhưng nếu đánh số báo danh không theo số thứ tự thì các giám thị sẽ vất vả hơn.

Mặt khác, cô Dung cho rằng sắp xếp thời gian thi các môn như vừa qua chưa thực sự khoa học. Các thí sinh buổi sáng làm bài thi Khoa học tự nhiên, đến buổi chiều, khi bước vào bài thi Ngoại ngữ, ai cũng mệt mỏi đến đờ đẫn. Vì buổi sáng, một bài thi nhưng thực chất là 3 môn thi.

Với các môn thi Khoa học tự nhiên, nhiều thí sinh sẽ lựa chọn để xét tuyển ĐH. Chính vì vậy, thí sinh sẽ rất căng thẳng, ảnh hưởng kết quả thi nếu không muốn nói thí sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên sẽ thiệt hơn.

“Trong khi đó, hôm sau cũng bài thi tổ hợp, nhưng là Khoa học xã hội, thí sinh thoải mái hơn rất nhiều. Vì phần lớn các con chọn bài thi này chỉ để xét tốt nghiệp. Do đó, nếu được điều chỉnh thì nên có điều chỉnh thời gian thi giữa hai bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội cho hợp lý hơn”, cô Dung đề xuất.

Ông Bùi Quang Thái, Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội, cũng khẳng định trong công tác coi thi giám thị phải nắm vững quy chế, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng khiếu kiện.

“Đã có bài học của những mùa thi trước, giám thị ký nhầm vào ô của cán bộ chấm thi, sau đó bắt thí sinh làm lại bài dẫn đến ảnh hưởng kết quả thi của họ. Điều này gây bức xúc và giám thị đã bị kiện. Giám thị cần nắm vững quy chế để xử lý các tình huống phát sinh”, ông Thái cho hay.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cũng cho rằng lần đầu tiên trong những năm gần đây, các sở GD&ĐT được giao nhiệm vụ đứng ra tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp và lấy kết quả xét tuyển ĐH.

Đây là trách nhiệm hết sức nặng nề. Mỗi cơ sở giáo dục, cho đến ngành giáo dục của mỗi tỉnh thành phố phải làm công tác chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng và chính xác. Đặc biệt, các khâu phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Từ công tác phân công, tổ chức giám thị, công tác in sao đề, coi thi và chấm thi. Các khâu phải thật sự hoàn hảo để giảm thiểu sai sót.

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular