fbpx
Saturday, April 20, 2024
HomeBộ đề luyện thi THPT Quốc giaMôn VănĐề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016 - Đề...

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016 – Đề số 3

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016 – Đề số 3, có đáp án và lời giải chi tiết, các em tham khảo dưới đây:

Xem thêm: Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2016

MÔN VĂN – ĐỀ SỐ 3

Thời gian làm bài: 180 phút

Câu I(2,0 điểm):

     Con yêu quí  của cha, suốt mấy tháng qua con vùi đầu vào mớ bài học thật là vất vả. Nhìn con nhiều lúc mệt ngủ gục trên bàn học, lòng cha cũng thấy xót xa vô cùng. Nhưng cuộc đời là như thế con ạ, sống là phải đối diện với những thử thách mà vượt qua nó. Rồi con lại bước vào kì thi quan trọng của cuộc đời mình với biết bao nhiêu khó nhọc. Khi con vào trường thi, cha chỉ biết cầu chúc cho con được nhiều may mắn để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Quan sát nét mặt những vị phụ huynh đang ngồi la liệt trước cổng trường, cha thấy rõ được biết bao nhiêu là tâm trạng lo âu, thổn thức, mong ngóng…của họ. Điều đó là tất yếu vì những đứa con luôn là niềm tự hào to lớn, là cuộc sống của bậc sinh thành.

      Con đã tham dự tới mấy đợt dự thi để tìm kiếm cho mình tấm vé an toàn tại giảng đường đại học. Cái sự học khó nhọc không phải của riêng con mà của biết bao bạn bè cùng trang lứa trên khắp mọi miền đất nước. Ngưỡng cửa đại học đối với nhiều bạn là niềm mơ ước, niềm khao khát hay cũng có thể là cơ hội đầu đời, là bước ngoặt của cả đời người. Và con của cha cũng không ngoại lệ, con đã được sự trải nghiệm, sự cạnh tranh quyết liệt đầu đời. Từ nay cha mẹ sẽ buông tay con ra để con tự do khám phá và quyết định cuộc đời mình. Đã đến lúc cha mẹ lui về chỗ đứng của mình để thế hệ con cái tiến lên. Nhưng con hãy yên tâm bên cạnh con cha mẹ luôn hiện diện như những vị cố vấn, như một chỗ dựa tinh thần vững chắc bất cứ khi nào con cần tới.

(Trích“Thư gửi con mùa thi đại học”, trênnetchunetnguoi.com)

a)    Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?

b)    Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.

c)    Khái quát nội dung của đoạn văn bản trích trên.

d)   Hãy tìm nhan đề phù hợp để đặt tên cho đoạn trích.

Câu II(3,0 điểm):

     Suy nghĩ của anh/chị về hai lời khuyên sau đối với người trẻ tuổi:“Trâu chậm uống nước đục”“Lợi thế người đi sau”

Câu III(5,0 điểm):

     Cùng tái hiện vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận mỗi nhà thơ lại có cách khám phá thể hiện riêng.

Trong bài“Tây Tiến”, Quang Dũng viết:

                                 “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

                                 Quân xanh màu lá dữ oai hùm

                                 Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

                                 Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

(“Tây Tiến”– Quang Dũng)

Trong thi phẩm“Việt Bắc”, Tố Hữu tái hiện:

                “Những đường Việt Bắc của ta

                Đêm đêm rầm rập như là đất rung

                  Quân đi điệp điệp trùng trùng

                Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”

(“Việt Bắc”– Tố Hữu)

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trên?

ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN VĂN NĂM 2016 – ĐỀ SỐ 3

Câu

Ý

Nội dung

Điểm

I

Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi:

2,0

a.

Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

0,5

b.

Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: tự sự, miêu tả và biểu cảm.

0,5

c.

Khái quát nội dung của đoạn văn bản trích:
– Đoạn trích là sự thấu hiểu và tình yêu thương, sẵn sàng sẻ chia của người cha trước những vất vả của con trước ngưỡng cửa thi đại học.

– Đồng thời, đó cũng là lời động viên, khích lệ, tin tưởng của cha dành cho những nỗ lực của con.

0,5

d.

Nhan đề phù hợp là nhan đề ngắn gọn, hàm súc, khái quát được nội dung của đoạn trích và có tính hấp dẫn. Ví dụ: Mùa thi bên con,…

0,5

II

Suy nghĩ về hai lời khuyên đối với người trẻ tuổi:“Trâu chậm uống nước đục”“Lợi thế người đi sau”

3,0

Bài làm phải đảm bảo bố cục 3 phần, luận điểm rõ ràng, mạch lạc, có dẫn chứng cụ thể, xác thực, không mắc lỗi diễn đạt. Học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý chính sau:

1.

GIẢI THÍCH:

0,5

-“Trâu chậm uống nước đục”:Lời khuyên này rút ra từ thực tế: trâu thường xuống sông uống nước theo đàn, con nào uống sau sẽ phải uống nước đục. Ý nghĩa: người nhanh chân sẽ có nhiều lợi thế, gặp điều may, được hưởng những điều tốt đẹp còn kẻ chậm chân tất phải chịu thiệt thòi.

“Lợi thế người đi sau”: người đi sau có lợi, trái ngược với ý nghĩa câu trước.

2.

PHÂN TÍCH, CHỨNG MINH:

1,5

– Câu thứ nhất: Thiệt thòi của người đi sau:

+ Người đi trước sẽ là người nắm bắt được cơ hội, chậm chân hơn sẽ mất đi cơ hội tốt đẹp, sẽ khó có điều kiện phát huy, khẳng định được bản thân. Ví dụ: trong kinh doanh, người đi đầu trong một lĩnh vực, một mặt hàng sẽ chiếm lĩnh được thị trường rộng lớn, tạo được thương hiệu,…

+ Người đi trước sẽ là người tiên phong, được mọi người công nhận, còn người đi sau thì khó hoặc không.

–   Lợi thế của người đi sau:

+ Từ những gì người đi trước đã làm sẽ học hỏi được kinh nghiệm, những điều hay, điều tốt để phát huy.

+ Rút ra những kinh nghiệm quý báu cho bản thân, không mắc sai lầm mà người trước đã gặp phải.

=> Dù là người đi trước hay đi sau thì đều có những thuận lợi và khó khăn, cần vận dụng, biến hóa linh hoạt để có thể thành công trong cuộc sống.

3.

BÌNH LUẬN, MỞ RỘNG:

1,0

– Khẳng định hai câu trên đều là những lời khuyên thiết thực đối với giới trẻ, đều có lẽ đúng.

– Phê phán thái độ sống ngại khó, ngại khổ, không chịu đi trước cũng như những người ỷ lại, trông chờ, phụ thuộc vào người khác.

– Rút ra bài học nhận thức và hành động: Phải biết phát huy lợi thế của mình trong mọi trường hợp.

III

Cảm nhận về hai đoạn thơ trong “Tây Tiến” của Quang Dũng và “Việt Bắc” của Tố Hữu.

Bài làm phải đảm bảo bố cục 3 phần, luận điểm rõ ràng, mạch lạc, có cảm nhận bám sát với văn bản, không thoát li văn bản. Bài viết không mắc lỗi diễn đạt. Học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý chính sau:

5,0

1

KHÁI QUÁT CHUNG:

0,5

– Giới thiệu Quang Dũng, Tố Hữu và hai tác phẩm:

+ Quang Dũng là gương mặt tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Pháp với hồn thơ hào hoa, lãng mạn thấm đượm tình đồng bào đồng chí.“Tây Tiến”là bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của Quang Dũng. Bài thơ được Quang Dũng viết vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh khi ông đã xa đơn vị Tây Tiến một thời gian.

+ Tố Hữu là nhà thơ lớn của dân tộc, thơ ông theo sát những chặng đường của cách mạng Việt Nam. Bài thơ “Việt Bắc” là một thành công đặc biệt trong đời thơ Tố Hữu. Tác phẩm vừa là bản tình ca về tình cảm cách mạng – giữa đoàn cán bộ miền xuôi với nhân dân Việt Bắc, vừa là bản hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ mà vẻ vang của dân tộc.

– Hai đoạn thơ được trích từ hai bài thơ đều tái hiện vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận song mỗi nhà thơ lại có cách khám phá, thể hiện riêng.

2

TRÌNH BÀY CẢM NHẬN:

3,0

a

ĐOẠN THƠ TRONG BÀI THƠ“TÂY TIẾN”

1,5

* Vẻ đẹp vừa bi thương vừa hào hùng của đoàn quân Tây Tiến trên đường hành quân:
       Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

  Quân xanh màu lá dữ oai hùm

– Cái bi thương của người lính được gợi lên từ ngoại hình ốm yếu, tiều tụy, đầu trọc, da dẻ xanh như màu lá.

+  Sở dĩ người lính Tây Tiến đầu trọc da xanh là do hậu quả của những tháng ngày hành quân vất vả vì đói và khát, là dấu ấn của những trận sốt rét ác tính.

+ Những cơn sốt rét rừng ấy không chỉ có trong thơ Quang Dũng mà còn để lại dấu ấn đau thương trong thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung.

– Cái hào hùng:

+ Thủ pháp nghệ thuật đối lập giữa ngoại hình ốm yếu và tâm hồn bên trong đã làm nên khí chất mạnh mẽ của người lính. “Không mọc tóc”là cách nói ngang tàng rất lính, hóm hỉnh vui đùa với khó khăn gian khổ của mình.

+ Thể hiện qua cách dùng từ Hán Việt“đoàn binh”. Chữ“đoàn binh”chứ không phải là đoàn quân đã gợi lên được sự mạnh mẽ lạ thường của sự hùng dũng, Ba từ“dữ oai hùm”gợi lên dáng vẻ oai phong lẫm liệt, oai của chúa sơn lâm. Qua đó ta thấy người lính Tây Tiến vẫn mạnh mẽ làm chủ tình hình, làm chủ núi rừng, chế ngự mọi khắc nghiệt xung quanh, đạp bằng mọi gian khổ.“Mắt trừng”là đôi mắt dữ tợn, căm thù, mạnh mẽ, nung nấu quyết đoán làm kẻ thù khiếp sợ.

*Họ cũng là những chàng trai Hà Nội lãng mạn, hào hoa:
        Mắt trừng gửi mộng qua biên giới 
       Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

– “ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”là đôi mắt thao thức nhớ về quê hương Hà Nội, về một dáng kiều thơm trong mộng.

Người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng cầm gươm theo tiếng gọi của non sông mà giữa bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn trái tim họ vẫn rung động, nhớ nhung về vẻ đẹp của Hà Nội: đó có thể là phố cũ, trường xưa,… hay chính xác hơn là nhớ về bóng dáng của những người bạn gái Hà Nội yêu kiều, diễm lệ. Đó chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để họ vững vàng tay súng, sẵn sàng cống hiến, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc.

b

ĐOẠN THƠ TRONG BÀI THƠ“VIỆT BẮC”

1,5

*Vẻ đẹp hào hùng của đoàn quân:

        “Những đường Việt Bắc của ta

     Đêm đêm rầm rập như là đất rung

       Quân đi điệp điệp trùng trùng

– Các từ láy“rầm rập”, “điệp điệp”“trùng trùng”và hình ảnh so sánh“… như là đất rung”vừa gợi lên sự đông đảo, vừa gợi lên sức mạnh, khí thế hào hùng của đoàn quân ra trận. Mỗi bước đi của đoàn quân ấy mang cả sức mạnh của lòng yêu nước, của lí tưởng cách mạng, khát khao chiến đấu và chiến thắng quân thù.

*Vẻ đẹp lãng mạn:

    “Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”

Đây có thể là hình ảnh ánh sao trời treo trên đầu súng của những người lính trong mỗi đêm hành quân, cũng có thể là ánh sáng của ngôi sao gắn trên chiếc mũ nan của người lính, ánh sáng của lí tưởng cách mạng soi cho người lính bước đi. Họ là những con người có lí tưởng cao cả, đẹp đẽ, sẵn sàng cống hiến vì sự nhiệp chung. Ý thơ khiến người đọc liên tưởng tới hình ảnh “Đầu súng trăng treo” trong thơ Chính Hữu.

c

SO SÁNH HAI ĐOẠN THƠ:

1,0

– Giống nhau: Đều khắc họa người lính với vẻ đẹp vừa hào hùng, vừa lãng mạn, bay bổng.

– Khác nhau:

+ Trong đoạn thơ thuộc bài thơ“Tây Tiến”,vẻ đẹp hào hùng của người lính phảng phất sự bi thương.

+ Trong đoạn thơ thuộc bài thơ“Việt Bắc”,vẻ đẹp lãng mạn của người lính còn được Tố Hữu gắn liền với hiện thực.

– Cả hai tác giả đều có trải nghiệm từ thực tế chiến đấu nên thơ đậm chất hiện thực. Bên cạnh đó, Quang Dũng là một chàng trai Hà thành rất hào hoa nên thơ ông có cái lãng mạn rất riêng; còn ở Tố Hữu, thơ ông là thơ trữ tình chính trị, luôn có cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào cách mạng.

3.

ĐÁNH GIÁ CHUNG:

0,5

–   Hai đoạn thơ bên cạnh những điểm tương đồng còn có những nét riêng độc đáo, thể hiện tài năng của hai nhà thơ.

–    Khẳng định vị trí của hai tác giả trong nền văn học cũng như trong lòng độc giả.

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết tại đây:Download

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular