fbpx
Saturday, April 20, 2024
HomeTài liệu luyện thiMôn VănCách đặt câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi THPT...

Cách đặt câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT

Giáo viên Diệu Thu, Trường THPT Trần Quang Khải (Hà Nội) chia sẻ quan điểm về cách đặt câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT.

Trước cách đặt câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi THPT quốc gia, cô giáo Lê Trần Diệu Thu, Trường THPT Trần Quang Khải (Hà Nội) đã có sự tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra những nhận định trước vấn đề này giúp thí sinh hiểu rõ hơn về bản chất của đề.

Dưới đây là bài viết của cô giáo Diệu Thu về cách đặt câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT:

1. Người đặt câu hỏi hiểu sai về khái niệm đoạn văn.

Quan niệm trong SGK Ngữ Văn của Việt Nam:

– Đoạn văn là đơn vị để tạo thành văn bản.

– Nó là một thể thống nhất thường bao gồm nhiều câu triển khai một tiểu chủ đề nhất định.

– Đoạn văn bắt đầu bằng chữ cái viết hoa, thụt đầu hàng và kết thúc bằng dấu ngắt câu, xuống hàng.

Những yêu cầu cơ bản đối với một đoạn văn:

– Có sự thống nhất nội tại chặt chẽ:

+ Thể hiện trọn vẹn một tiểu chủ đề.

+ Đảm bảo sự liên kết chặt chẽ và logic.

– Có quan hệ chặt chẽ với các đoạn văn bản khác trong văn bản.

– Đoạn văn phải phù hợp với phong cách chung của văn bản.

Minh chứng trong SGK Ngữ văn

Ví dụ bài tập 2: Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận phân tích và so sánh, SGK Ngữ văn 11 tập 1, ban cơ bản, trang 120, 121.

Vận dụng kết hợp phân tích và so sánh, viết đoạn văn bàn về vẻ đẹp của một bài thơ (bài văn).

Câu 2:

a) Coi phần văn bản mà anh/chị sẽ viết là một bộ phận của một bài văn hoàn chỉnh và cho biết:

– Chủ đề của bài văn ấy là gì?

– Để làm sáng tỏ chủ đề ấy, cần phải nêu những luận điểm cụ thể nào? Hãy sắp xếp những luận điểm ấy thành một dàn ý rành mạch, hợp lí.

– Đoạn văn anh/chị định viết sẽ làm sáng tỏ luận điểm nào? Luận điểm ấy nằm ở phần nào của dàn ý? Câu chuyển ý bằng cách nào để phần văn bản anh/chị viết có thể liên kết với đoạn văn bản trước đó?

Câu 3: Công việc ở nhà

a) Vận dụng kết hợp các thao tác phân tích và so sánh để viết đoạn văn trình bày một luận điểm khác ở dàn ý mà anh/chị đã xây dựng.

b) Viết một văn bản nghị luận ngắn về một phẩm chất của một người học sinh trong đó có vận dụng kết hợp các thao tác lập luận phân tích và so sánh.

SGK đã thể hiện rõ quan điểm đoạn văn nằm trong một văn bản, thực hiện một luận điểm của văn bản, có liên kết với các đoạn văn khác. Còn khi đứng độc lập thì phải được được gọi là văn bản nếu dung lượng ngắn thì gọi là văn bản ngắn.

Như vậy, các quan điểm trên đều có sự thống nhất ở điểm đoạn văn không tồn tại độc lập, nó phải nằm trong mối quan hệ với các đoạn văn khác. Đoạn văn nằm trong bài văn và là một phần của bài văn. Đoạn văn thực hiện những chức năng khác nhau của một bài văn. Khi đoạn văn đứng độc lập, đoạn văn đã là một văn bản, thực hiện yêu cầu và chức năng của một văn bản.

2. Cần đặt câu hỏi như thế nào để đúng với bản chất của đoạn văn?

Dựa vào khái niệm và những yêu cầu của một đoạn văn, chúng ta thấy đoạn văn không chỉ qui định về dung lượng 400 chữ hay 200 chữ mà đoạn văn phải có vị trí, chức năng so với toàn bài (văn bản trọn vẹn) và đoạn văn vì thế không nhất thiết phải thực hiện hoàn chỉnh một chủ đề nào đó.

Vì vậy, khi đưa ra yêu cầu viết đoạn văn giáo viên không được rập khuôn kiểu đặt câu hỏi yêu cầu như viết một bài văn.

Kiểu đặt câu hỏi yêu cầu viết bài văn:

Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình. Anh/Chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) bàn luận về ý kiến trên.

(Đề thi THPT quốc gia 2016)

Kiểu đặt câu hỏi yêu cầu viết đoạn văn:

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Leo lên đỉnh cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em”.

(Đề thi minh họa năm 2017)

Từ nội dung đoan trích phần Đọc hiểu, anh/chi hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.

(Đề thi năm 2017)

Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay?

Kiểu đặt câu hỏi yêu cầu viết đoạn văn như thế chưa đặt đoạn văn trong toàn vẹn văn bản nào cả. Học sinh không biết vị trí của đoạn văn đó ở đâu trong văn bản, yêu cầu và nhiệm vụ của đoạn văn so với toàn văn bản, khía cạnh nào luận điểm nào của vấn đề nghị luận mà đoạn văn cần triển khai.

Thực chất nên hiểu đây là câu hỏi tự luận yêu cầu trả lời ngắn. Tham khảo cách đặt câu hỏi tự luận yêu cầu trả lời ngắn trong đề đọc hiểu PISA sẽ thấy cách đặt câu hỏi rất phong phú và đưa ra từ để hỏi rõ ràng nhằm quy định nhiệm vụ mà HS phải thực hiện khi trả lời.

Ví dụ:

Bài 3: Tất cả những ai quan tâm tới việc cần được bảo vệ khỏi vi–rút. Sau khi Fiona đã lưu hành tờ thông tin này, một đồng nghiệp nói với cô ấy rằng cô ấy nên bỏ phần “Tất cả những ai quan tâm tới việc cần được bảo vệ khỏi vi–rút” vì như vậy sẽ gây hiểu lầm.

Bạn có đồng ý với ý kiến này không? Giải thích câu trả lời đó

Bài 5: Chúng ta có thể nói về những gì lá thư nói đến (nội dung). Chúng ta có thể nói về cách thức lá thư được viết (văn phong).

Không đề cập tới việc em đồng thuận với lá thư nào, theo ý kiến của em, lá thư nào tốt hơn? Hãy giải thích câu trả lời của em về cách thức của một hoặc cả hai lá thư được viết.

Bài 6: Em có nghĩ rằng việc vị quan tòa tuyên cùng một hình phạt cho các tội phạm là công bằng hay không? Giải thích câu trả lời, đề cập tới điểm giống và khác nhau giữa ba trường hợp trong câu chuyện.

Với câu hỏi này, em cần so sánh giữa pháp luật và công lí ở đất nước mình với pháp luật và công lí nêu trong câu chuyện. Trong truyện này, những tên tội phạm đã bị pháp luật trừng trị. Còn điểm gì tương đồng giữa pháp luật và công lí ở nước của em với pháp luật và công lí trong câu chuyện này?

Trong truyện, vị quan tòa đã phạt mỗi tên tội phạm 50 roi. Ngoài các hình thức tuyên phạt, có điểm nào khác giữa pháp luật và công lí ở nước của em với pháp luật và công lí thể hiện trong câu chuyện này?

Như vậy, một câu hỏi thì chỉ có một nhiệm vụ, một yêu cầu thôi nhưng bao giờ cũng có thêm nhiều câu chỉ dẫn, làm rõ yêu cầu và khu biệt nội dung cần trả lời chứ không mơ hồ, chung chung.

Vì thế khi đặt ra câu hỏi nghị luận xã hội cần phải khu biệt vấn đề nghị luận vào một khía cạnh của một chủ đề chứ không phải chủ đề toàn vẹn.

Thứ hai, cần định hướng rõ nhiệm vụ của đoạn văn phải giải thích, phải phân tích vai trò ý nghĩa, bình luận hay rút ra bài học hay nêu rõ luận điểm mà đoạn văn phải triển khai so với toàn bài.

Ví dụ: Anh/chị rút ra được kết luận gì về việc…?

Anh/chị hãy viết một thông điệp ngắn gửi tới mọi người với chủ đề: Bạn và tôi, chúng ta phải làm như thế nào để bảo vệ môi trường.

Hãy đưa ra những bình luận của em về…

Em có đồng ý với ý kiến trên không? Hãy giải thích vì sao…

Em hãy so sánh điểm tương đồng và khác biệt giữa…

3. Một số giải pháp theo hướng tích cực

+ Khái niệm đoạn văn chỉ tồn tại khi nó nằm trong một bài văn cụ thể, nếu không nằm trong bài văn cụ thể nào thì rất khó để định hướng cách viết. Do vậy, BGD cần đặt câu hỏi cho phần nghị luận xã hội rõ ràng để giáo viên, học sinh có thể hiểu đúng với khi trình bày câu hỏi nghị luận xã hội:

Ví dụ về cách hỏi đúng: Anh chị hãy viết một văn bản nghị luận xã hội khoảng 200 chữ về…

+ Nếu Bộ GD&ĐT không sửa câu hỏi thì GV cũng như HS nên ngầm hiểu cách ra đề của BGD yêu cầu học sinh cần trình bày một văn bản nghị luận xã hội ngắn (chứ không phải là một đoạn văn như cách hiểu hiện tại chúng ta được học trong chương trình THPT) và vì vậy ta có thể hiểu đó là một văn bản nghị luận xã hội ngắn (gồm mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn).

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular