fbpx
Thursday, April 25, 2024
HomeTài liệu luyện thiMôn VănCác bài nên xem lại để yên tâm trước kỳ thi THPTQG

Các bài nên xem lại để yên tâm trước kỳ thi THPTQG

 

Chia sẻ của thầy giáo Trịnh Quỳnh đối với môn Văn trước kì thi THPTQG

PHÂN TÍCH CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA HỒN TRƯƠNG BA VÀ XÁC HÀNG THỊT

– Khái quát: LQV là được mệnh danh là “cây bút vàng” của sân khấu VN những năm 80 của thế kỉ 20. Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được viết năm 1981, và là vở kịch nói đầu tiên mang ra nước ngoài công diễn. Bằng ngòi bút giàu chất triết lý, Lưu Quang Vũ đã thổi vào tích xưa một luồng gió mới. Kịch bản của ông không đơn thuần là chuyện vay mượn xác – tái sinh. Đặt vấn đề về lẽ sống con người qua nỗi khổ “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, qua mâu thuẫn giữa tâm hồn (thanh cao) và thể xác (phàm tục), vở kịch mang chứa những triết lý nhân sinh. “Tôi muốn là tôi toàn vẹn”, bởi sống nhờ, sống giả, sống không phải là mình, đó là bi kịch đau đớn nhất của con người.

a) Hồn TB:
– Tâm thế của hồn TB trong cuộc đối thoại: Lời thoại của Hồn Trương Ba ở đầu đoạn trích đã bộc lộ rõ tâm trạng vừa chán ngán, vừa sợ hãi cái thân xác mà ông đang vay mượn: “Tôi chán cái chỗ không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta muốn rời xa mi ngay tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát!”.

=> Ước muốn của Hồn Trương Ba đã được thoả nguyện. Sự phân tách và đối đầu giữa Hồn Trương Ba và Xác hàng thịt trước hết có thể hiểu là sự tranh cãi quyết liệt giữa một bên là Hồn TB (tượng trưng cho sự cao khiết, cho đạo đức, cho “phần Người” chân chính của mỗi con người) và một bên là Xác hàng thịt (tượng trưng cho bản năng, cho nhưng ham muốn trần tục, là “phần Con” tầm thường ẩn nấp trong mỗi con người).

– Nội dung lời nói của Hồn TB:

+ Hồn có cơ hội bày tỏ tâm trạng uất ức, tức giận vì phải chung sống với Xác thô lỗ, tầm thường, dung tục. Hồn cũng không che giấu sự coi thường, khinh bỉ đối với Xác, “kẻ âm u đui mù, không cảm xúc, không tư tưởng, không có tiếng nói”…; kẻ có nhu cầu vật chất thấp kém gần với con thú (thèm ăn ngon, thèm rượu thịt), sức mạnh thể chất gắn với sự tàn bạo…

+ Hồn cũng phủ nhận sự lệ thuộc của linh hồn vào xác thịt, khẳng định linh hồn có đời sống riêng: “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”…

=> Tưởng rằng, Hồn sẽ phần nào giải toả được nỗi đau khổ bị dồn nén bấy lâu khi có cơ hội cất lên tiếng nói của mình.

b) Xác hàng thịt:
– Tâm thế của xác hàng thịt trong cuộc đối thoại: Xác không bị động, nhún nhường. Ngược lại, Xác có thái độ khi thì ngạo nghễ, thách thức, khi thì ranh mãnh với những câu hỏi mang tính phản biện đầy bỡn cợt, châm chọc.

– Nội dung lời nói của Xác hàng thịt:

+ Xác âm u, đui mù nhưng có thể lấn át, sai khiến, thậm chí đồng hoá linh hồn cao khiết. Hồn không thể còn nguyên vẹn, trong sạch, khi phải chung sống và chiều theo những đòi hỏi của xác thịt dung tục (Hồn Trương Ba đã có cảm giác xao xuyến, khao khat khi đnứg bên vợ hàng thịt, đến nỗi chân tay run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại, đã có cảm xúc lâng lâng trước các món ăn mà ông cho là dung tục như tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi, đã sử dụng vũ lực mà ông cho là tàn bạo để tát thằng con toé máu mồm, máu mũi… Rõ ràng, Hồn Trương Ba đã nhiễm những thói hư tật xấu của xác hàng thịt).

=> Như vậy, Hồn Trương Ba đau đớn, dằn vặt, khao khát khẳng định mình vẫn là mình, nhưng cuối cùng phải thừa nhận rằng, mình đang sống nhờ thể xác kẻ khác và bị thể xác đó điều khiển, dẫn đến sự tha hoá không có cách gì chuyển biến đư­ợc. Bi kịch của Hồn Trương Ba, vì thế, không những không được giải toả, mà còn trở nên đau đớn, xót xa hơn.

+ Trước đó, Hồn TB cho mình là cao khiết và coi thường, khinh bỉ Xác hàng thịt, thậm chí uất ức vì phải chung sống với Xác HT. Nhưng Xác hàng thịt đã chỉ ra thói hư tật xấu trong Hồn Trương Ba “Những vị lắm chữ nhiêu sách như các ông cứ vin vào cớ linh hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn để rồi bỏ bê thân xác mãi khổ sở nhếch nhác” và “làm xong điều xấu gì, ông cứ việc đổ tội cho tôi, để ông được thanh thản. Tôi biết: cần phải để cho tính tự ái của ông được ve vuôt. Tâm hồn là thứ lắm sĩ diện” . Đồng thời, Xác hàng thịt đã bày tỏ những bất công mà mình phải gánh chịu khi sống với linh hồn Trương Ba: bị xúc phạm, bị bỏ bê nhếch nhác, khổ sở…vì những lí do không chính đáng.

=> Những lý lẽ và dẫn chứng mà Xác hàng thịt đ­ưa ra khiến Hồn Trương Ba không thể phủ nhận được.

c) Ý nghĩa: Cuộc đối thoại căng thẳng, quyết liệt giữa hồn và xác mang ý nghĩa sâu sắc.
+ Trước hết, ở góc độ Hồn TB, ta nhận ra khát vọng sống cao thượng, thánh thiện của con người, khi bị những cám dỗ vật chất phàm tục làm cho tha hoá, biến chất.

+ Ở góc độ Xác hàng thịt, ta nhận ra những nếp nghĩ sai lầm của con người: đó là thói quen đề cao tinh thần mà coi thường vật chất, tự ru ngủ mình trong những giấc mơ cao thượng mà quên đi rằng, cần phải thiêt lập mối quan hệ hoà hợp, gắn bó giữa chúng.

=> Như vậy, Hồn và Xác là những ẩn dụ nghệ thuật lớn, và cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác là một tình huống kịch đặc sắc, tô đậm bi kịch “bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo”, sự thiếu hài hoà, không thống nhất trên các phương diện: linh hồn và thể xác, vật chất và tinh thần, nội dung và hình thức, bản năng và lí tưởng, cao cả và tầm thường…ở mỗi con người.

– Kết thúc cuộc đối thoại, Hồn Trương Ba dằn vặt, đau đớn, hoang mang, tuyệt vọng trở về cuộc sống trái với chính mình. Chi tiết “Hồn Trương Ba bần thần nhập lại vào xác hàng thịt, ngồi lặng lẽ bên chõng” diễn tả cô đọng tính chất căng thẳng của xung đột kịch: mâu thuẫn không những không được giải quyết mà còn được đẩy lên đến một mức cao hơn.

ĐÁNH GIÁ CHUNG

– Đặc sắc nghệ thuật: Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là vở bi kịch đặc sắc trên nhiều phương diện: Sự kết hợp giữa nội dung hiện thực với yếu tố kì ảo, nghệ thuật tạo tình huống và dẫn dắt xung đột kịch, sắc thái đa dạng của lời thoại khiến cho tâm lí nhân vật được phơi trải, sát với đặc trưng thể loại, ngôn ngữ kịch giàu chất triết lí, giọng điệu tranh biện độc đáo.

– Ý nghĩa triết lý về đạo đức và nhân sinh

Thứ nhất: là triết lí về sự hài hoà, thống nhất giữa hồn và xác trong mỗi con người, qua đó phê phán hai quan niệm sống lệch lạc: hoặc quá coi trọng những ham muốn của thân xác, hoặc chỉ chú trọng đời sống tinh thần. Ngòi bút Lưu Quang Vũ cũng không ngần ngại phê phán lối sống giả tạo, làm cho con người có nguy cơ đánh mất mình

Thứ hai là triết lí về nhân sinh, về hạnh phúc: Hạnh phúc ở đời không phải chỉ là được sống, mà là đ­ược sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có trong sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Để có được điều đó, con người phải luôn luôn biết đấu tranh với nghịch cảnh, với chính bản thân để hoàn thiện nhân cách, vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

RỪNG XÀ NU

Ý 1: Giới thiệu

Nguyễn Trung Thành có mặt ở Tây Nguyên trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Ông đã từng nói: “Tây Nguyên đối với tôi là cả niềm tâm sự không bao giờ dứt”. Ông đã có lần nói về tác phẩm: “ Rừng xà nu là câu chuyện của một đời và được kể trong một đêm, cái đêm dài như cả đời người”. Người được kể trong câu chuyện đó chính là Tnú. Nếu cụ Mết tượng trưng cho truyền thống, là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, pho sử sống của làng Xô Man thì Tnú là người tiêu biểu nhất cho sự tiếp nối của truyền thống đó và là kết tinh vẻ đẹp của con người Tây Nguyên thời hiện tại.

Ý 2: Tnú khi còn nhỏ:

Ngay từ khi còn rất nhỏ, Tnú đã đến với cách mạng một cách tự nhiên, gan góc, dũng cảm lạ thường. Mặc cho bọn địch khủng bố dã man những người tham gia nuôi giấu cán bộ. Khi được cán bộ Quyết dạy chữ, Tnú học chậm, lại hay nổi nóng. Khi anh Quyết rủ rỉ: “Sau này, nếu Mĩ- Diệm giết anh, Tnú phải làm cán bộ thay anh. Không học chữ sao làm được cán bộ giỏi”, Tnú “giả ngủ” và “lén chùi nước mắt” để rồi sáng hôm sau, nó đã dẹp tự ái cá nhân để thừa nhận “cái đầu tôi ngu quá” và nhờ Mai dạy chữ. Học chậm nhưng khi đi liên lạc Tnú lại rất linh hoạt, thông minh, táo bạo. Một lần, Tnú rơi vào ổ phục kích của giặc. Tnú nhanh trí nuốt vội lá thư vào bụng.

Ý 3: Tnú khi vợ con bị giặc tra tấn:

Trận càn diễn ra quá bất ngờ, cụ Mết buộc phải dẫn Tnú và đám thanh niên lánh tạm vào rừng, chỉ để lại đàn bà và con nít ở lại làng. Không ngờ bọn giặc đã bắt vợ con Tnú với ý đồ nham hiểm “Bắt được con cọp cái và cọp con, tất sẽ dụ được cọp đực trở về”. Quả đúng như vậy! Tnú lập tức trở về làng, dù trong tay không có vũ khí. Chứng kiến cảnh vợ con bị bọn giặc hành hạ dã man, trái tim như ứa máu, lí trí Tnú cố kiềm chế nhưng không thể. Tnú dũng mãnh như một con hổ dữ “nhẩy xổ vào giữa bọn lính” được trang bị súng đạn đầy mình. Tất cả đã hun đúc nên một Tnú dũng mãnh, kiêu hãnh không hề biết sợ.

Ý 4: Tnú khi bị giặc tra tấn:

Nhưng Tnú vẫn không cứu sống được vợ con Bởi vì Tnú chỉ có hai bàn tay trắng. Với hai bàn tay trắng, Tnú thậm chí không bảo vệ được chính mình! Kẻ thù đã quấn giẻ có tẩm dầu xà nu vào mười ngón tay anh rồi châm lửa đốt. Đó là 10 ngon đuốc biểu tượng cho sự tàn bạo dã man của kẻ thù, cho ngọn lửa hờn căm đang ngùn ngụt bốc lên ở những người Xô Man yêu nước.

Nhà văn đã đặc tả cảm giác đau đớn tột cũng của Tnú. Tnú không còn nhận biết được xung quanh, chỉ còn cảm giác đau đớn rát bỏng lan ra khắp cơ thể. Tnú nghe “lửa cháy ở ngực, ở bụng, Nhưng nhớ lời anh Quyết “người cộng sản không thèm kêu van”, Tnú vẫn quyết không kêu, mặc dù máu đã mặn chát nơi đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi”. Nỗi đau tột cũng về thể xác đã chuyển hoá thành nỗi đau tinh thần, ngọn lửa đời thường đã thành ngọn lửa uất hận: “Trời ơi, Cháy, cháy cả ruột đây rồi”. Đoạn văn thấm đẫm chất bi tráng khi khắc hoạ lòng quả cảm, phẩm chất anh hùng của người cộng sản trước sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù.

Ý 5: Bi kịch của Tnú và sự nổi dậy của dân làng Xô Man

Từ cái chết của mẹ con Mai và hai bàn tay bị đốt của Tnú, dân làng Xô Man đã thấm thía một chân lí bất di bất dịch “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Trong ánh đuốc xà nu, cụ Mết cùng đám thanh niện với giáo mac trong tay xông lên diệt gọn tiểu đội lính địch, mở đầu cho cuộc nổi dậy vũ trang khởi nghĩa của làng. Khi Tnú tỉnh lại thì lửa đã tắt trên mười đầu ngón tay, như là ẩn dụ cho sự chiến đấu và chiến thắng. Nhưng đống lửa xà nu lớn giữa nhà vẫn đỏ, như lòng căm thù, uất hận vẫn chưa thể nguôi ngoai. Lời hiệu triệu vang vọng của cụ Mết: “Đốt lửa lên!” như là lời hịch vang vọng, đốt lên ngọn lửa của sự quyết tâm trong cuộc sống mái với kẻ thù. Và đêm ấy, lửa cháy khắp rừng. Làng Xô Man đã trở thành làng vũ trang, với khí thế ngút trời…

Ý 6: Kết luận:

Hình ảnh Tnú làm người đọc nhớ tới hình ảnh những cây xà nu mà “đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một cơ thể cường tráng. Tnú như là hiện thân cho thế hệ trẻ Tây Nguyên kiên cường, là hình tượng góp phần mang lại không khí sử thi đậm nét cho tác phẩm.

MỘT SỐ NHÂN VẬT KHÁC

Cụ Mết
Từ một nhân vật có thật ngoài đời, cụ Mết bước vào văn học như một nhân vật trong thần thoại mà vô cùng sống động. Ông cụ “vẫn quắc thước như xưa”, dù râu đã dài tới ngực nhưng vẫn đen bóng”, mắt “sáng và “xếch ngược”. Ông ở trần, “ngực căng như một cây xà nu lớn” còn tiếng nói thì “ nặng trịch”, “ồ ồ dội vang trong lồng ngực” tưởng như tiếng vọng của núi rừng. Bằng vài nét phác thảo về ngoại hình, diện mạo có phần ước lệ, cụ Mết hiện lên vững vàng, mạnh mẽ, tráng kiện tựa như một cây xà nu cổ thụ trong đại ngàn Tây Nguyên.

Không chỉ khoẻ khoắn về mặt thể chất, cụ Mết còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho dân làng Xô Man những ngày chống Mĩ. Cụ truyền cho con cháu niềm tin vào Đảng, vào cách mạng: “Cán bộ là Đảng, Đảng còn núi nước này còn”, tiếp thêm sức mạnh cho dân làng tin vào sức sống bất diệt của con người như tin vào sự bất diệt của rừng xà nu “Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên, đố nó giết hết rừng xà nu này”. Những lời nói của cụ Mết giản dị mà giống như những lời tổng kết thể hiện đường lối cách mạng “Trong cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, cụ đã rút ra một chân lý đúng đắn: không thể tay không đương đầu với giặc. “Tnú cũng không cứu được vợ con. Còn mày, chúng nó bắt mày, trong tay mày chỉ có hai bàn tay trắng… Tau không nhảy ra cứu mày. Tau cũng chỉ có hai bàn tay không”. “Tay trắng”, “tay không” làm sao có thể đương đầu với kẻ thù! …” Cụ Mết đã dặn dò tạc vào lòng con cháu một chân lí bất di bất dịch: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Tiếng cụ Mết như tiếng hịch vang rền sông núi: “Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, một cây rựa. Ai không có chông thì vót chông, năm trăm cây chông. Đốt lửa lên!” …

– Khi kể chuyện Tnú: Cụ Mết là hiện thân cho truyền thống thiêng liêng, tạo nên màu sắc Tây Nguyên đậm đà trên từng trang viết. Lối kể sử thi của cụ Mết đã mang lại cho khuynh hướng sử thi của tác phẩm một biểu hiện đặc sắc, rất riêng.

Dít – Mai
Nét nổi bật ở Mai là vẻ đẹp dịu dàng, tấm lòng yêu thương, nhân hậu. Người phụ nữ ấy đã có những ngày tháng hạnh phúc êm đẹp bên người chồng dũng mãnh và đứa con nhỏ yêu thương. Cái chết của mẹ con Mai làm ta liên tưởng đến những cây xà nu đang tràn đầy sức sống, bị đại bác chặt đứt nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão, những cây xà nu con phải chết một cách oan khuất…

Nếu vẻ đẹp nổi bật của Mai là sự yêu thương nhường nhịn thì Dít có thêm sự cứng cỏi của người chiến sĩ. Lớn lên trong đau thương, mất mát của quê hương, gia đình, thù nhà, nợ nước chồng chất đã tôi luyện cho Dít thành một con người kiên gan cứng cỏi đến lạ thường. Phải chăng những giọt nước mắt của Dít đã chảy vào trong kết thành những giọt thù, giọt hận thấm sâu trong tâm hồn để nuôi dưỡng khát vọng trả thù.

Heng
Là nhân vật nhỏ tuổi nhất, Heng như cây xà nu mới lớn. “Bên cạnh một cây xà nu mới ngã gục có bốn, năm cây con mọc lên, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Heng háo hức tham gia cách mạng, ước mơ trở thành anh giải phóng quân. Nó đã tự trang bị cho mình trang phục của người lính. Bằng cái nhìn rất hóm hỉnh và nhân hậu, nhà văn đã dựng lên trước mắt người đọc bức chân dung vừa ngộ nghĩnh vừa đáng yêu của cậu bé (xin được chiếc mũ tai bèo sùm sụp, chiếc áo bà ba dài thườn thượt). Thông thạo tất cả hầm chông, bẫy đá, mọi lối đi của làng Xôman, Heng dẫn đường cho Tnú về. Dường như trong chú bé này có hình bóng của một Tnú khi còn làm liên lạc cho cán bộ khi xưa. Cùng với bước đi lên của cách mạng, thế hệ của Heng chắc chắ sẽ có bước tiến vượt xa lớp cha anh.

Lịch sử làng Xô Man được cụ Mết kể suốt một đêm dài bên bếp lửa nhà ưng là một chuỗi đau thương mất mát nhưng đó cũng là những trang sử vẻ vang bất khuất không thể nào dập tắt được dân làng viết nên bằng máu và nước mắt của mình.

ĐOẠN MỞ ĐẦU TRONG TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP – HỒ CHÍ MINH

Ý 1: Đặt vấn đề:

Tác phẩm vừa là một văn kiện lịch sử vô giá, vừa là một áng văn chính luận mẫu mực. Tác phẩm được viết trong những ngày mùa thu lịch sử, khi cả đất nước ngây ngất trong niềm hạnh phúc được thoát khỏi kiếp sống nô lệ tủi nhục dưới ách thống trị của thực dân phong kiến. Đất nuớc đã giành được độc lập nhu­ng bọn đế quốc thực dân – đặc biệt là thực dân Pháp đang lăm le quay trở lại nhằm nô dịch đất nước ta một lần nữa.

Tuyên ngôn độc lập hu­ớng tới không chỉ đồng bào trong cả n­uớc mà còn là nhân dân trên thế giới, tr­uớc hết là nhân dân tiến bộ ở Pháp và Mỹ. Nó không nhằm chỉ khẳng định quyền tự do độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn bao hàm một cuộc tranh luận ngầm nhằm bác bỏ luận điệu xảo trá của kẻ thù tr­uớc dư luận thế giới. Tuyên ngôn Độc lập là một bài văn chính luận mẫu mực: văn phong khúc chiết, ngắn gọn, lập luận chặt chẽ đanh thép, lời lẽ hùng hồn và đầy sức thuyết phục.

Ý 2: Phân tích đoạn văn mở đầu – cơ sở lý luận vững chắc cho lời tuyên ngôn

* Để bác bỏ những luận điệu xảo trá và âm mưu đen tối của kẻ thù, ngay ở phần mở đầu bản tuyên ngôn, Bác đã dẫn lời 2 bản tuyên ngôn nổi tiếng của Mỹ và của Pháp, chứa đựng những tư tưởng lớn, kết tinh sự phát triển của văn minh nhân loại, để làm cơ sở pháp lí cho bản tuyên ngôn của VN. Từ những nguyên lý chung, B đã khẳng định: đó là những lẽ phải k ai chối cãi được”. Đây là đoạn văn có giá trị nổi bật, rất tiêu biểu cho nghệ thuật chính luận của HCM.

– Trước hết, Bác khẳng định chân lí vĩnh hằng về quyền tự do bình đẳng và quyền sống của con người: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…. quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đó là những lời trang trọng, đúng đắn rút ra từ TNĐL của nước Mĩ. Không dừng lại ở đó, HCM tíêp tục trích dẫn TN nhân quyền và dân quyền của Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng…..”.

– Những câu mà Bác đã trích dẫn đều là những câu tuyệt hay. Nh­ưng vẫn không chứa đựng t­ư t­uởng thực sự của Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam. Vì những câu ấy chỉ nêu lên quyền tự do, bình đẳng giữa ngư­ời với người. Do đó, Bác còn dùng thao tác “suy rộng ra” để nâng vấn đề quyền bình đẳng, tự do của con người lên thành vấn đề quyền bình đẳng, tự do của mỗi dân tộc. Bác đã chuyển từ phạm trù nhân quyền – nền móng tư t­uởng của cách mạng t­ư sản, sang phạm trù chống thực dân – nền móng của phong trào giải phóng dân tộc

* Cách lập luận của tác giả rất chặt chẽ, đanh thép, giàu sức thuyết phục, vừa khôn khéo vừa kiên quyết, bởi lẽ:

+ Ng­ười vẫn tôn trọng những danh ngôn những bản Tuyên ngôn đã trở thành chân lý bất hủ của nhân loại tiến bộ, cho dù có xuất xứ từ Mỹ hay từ Pháp. ở đây không hề có sự lầm lẫn giữa nhân dân Mỹ, Pháp với bọn xâm lư­ợc Mỹ, Pháp.

+ Người đã dùng lời lẽ bản tuyên ngôn của Mỹ, Pháp để bác bỏ âm m­ưu xâm lu­ợc VN của hai c­uờng quốc này, ngầm cảnh báo, nếu Pháp, Mỹ xâm lư­ợc Việt Nam thì chính họ sẽ làm vấy bẩn lên lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái của cha ông họ. Nhà thơ CLV từng nhận xét: “Những câu tuyên ngôn trích trên kia vừa là quả táo đối với chúng ta, vừa là quả lựu đạn đối với kẻ thù, khạc chẳng ra, nuốt chẳng vào”. Trích dẫn 2 bản Tuyên ngôn của Pháp và Mỹ là để tạo ra cơ sở pháp lý cho việc so sánh, phản bác chống lại âm mưu đen tối của phương, là cách làm khéo léo mà kiên quyết theo chiến thuật “lấy gậy ông đập l­ưng ông”.

+ Bên cạnh đó, cách mở đầu TN của VN còn có ý nghĩa khơi gợi lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Bởi HCM đã đặt 3 cuộc CM, 3 nền độc lập, 3 bản Tuyên ngôn ngang hàng nhau như muốn CM quyền bình đẳng và tự do của dân tộc ta trên trường quốc tế. Quả thật, nếu hai cuộc cách mạng nói trên mở ra một giai đoạn mới trong sự phát triển của lịch sử xã hội loài ngư­ời, thì cuộc cách mạng tháng Tám của ta cũng mở ra kỷ nguyên giải phóng dân tộc ở các nu­ớc thuộc địa, là kỷ nguyên sụp đổ của chủ nghĩa thực dân.

=> Chỉ trong đoạn văn ngắn gọn, súc tích mà chặt chẽ, khúc chiết, Hồ Chí Minh đã giơ cao bó đuốc của t­ư tư­ởng giải phóng dân tộc, tạo cơ sở lý luận vững chắc để triển khai lập luận ở phần sau. Lời TN của B xứng đáng là “lời non nước” cao cả thiêng liêng…

SỰ HUNG BÀO CỦA SÔNG ĐÀ – NGUYỄN TUÂN

“Nguyễn Tuân là nhà văn mà khi ta gọi là bậc thầy trong nghệ thuật ngôn từ, ta không hề thấy ngại miệng, một nhà văn độc đáo vô song mà mỗi dòng chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như đóng một dấu triện riêng” (Anh Đức). Tuỳ bút” Người lái đò Sông Đà” trích trong tập tuỳ bút Sông Đà (1960) là kết quả chuyến đi thực tế Tây Bắc năm 1958 của nhà văn. Với ngòi bút tài hoa như mang phép thuật của một thầy phù thuỷ ngôn từ, Nguyễn Tuân đã khắc hoạ rất thành công hình tượng dòng sông Đà vừa hoang sơ, dữ dội, dòng sông “hung bạo”, như là kẻ thù nguy hiểm số một của con người.

Ý 1. Đặc tả cái độ hẹp của lòng sông và độ cao của vách đá bờ sông, tác giả đã sử dụng nhiều cách nói khác nhau. Cả một hệ thống hình ảnh liên tưởng, so sánh vừa giản dị, sinh động lại vừa độc đáo, mới mẻ. Dòng sông vô tri có lúc được hình dung như là cái “yết hầu” sinh tử trên cơ thể con người, bởi ở quãng ấy, bờ sông Đà “dựng vách thành” chẹt lấy dòng sông tưởng như nghẹt thở. Dòng sông nơi hoang sơ có lúc lại được gợi bằng hình ảnh rất hiện đại nơi thành thị. Đó là nhưng so sánh vừa chính xác, tinh tế, vừa bất ngờ, lạ lùng, thực chất là những sự phá cách trong nghệ thuật của các cây bút thức sự tài hoa. Nhờ đó, hình ảnh vách đá bờ sông hiện lên vô cùng sống động, giúp bạn đọc cảm nhận một cách sâu sắc sự hùng vĩ, dữ dội đến không ngờ.

Ý 2. Quãng mặt ghềnh Hát Lóng là vương quốc của đá, sóng, gió… chúng kết hợp với nhau tạo thành những cơn xoáy – nhà văn đã khéo léo sử dụng kiểu câu liên hoàn giúp ta hình dung một cách cụ thể cảnh tượng “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió” và “gió cuồn cuộn gùn ghè suốt năm như muốn đòi nợ xuýt”, mà không đòi được thì nó bắt người lái đò lại và “lật ngửa bụng thuyền ra”. Hai từ láy cuồn cuộn, gùn ghè và hành động vô lối đòi nợ xuýt khiến ta có cảm giác gió, đá và sóng nơi đây như những kẻ cùng hội cùng thuyền, vừa hung tợn vừa ngang ngược thật vô cùng đáng sợ…

Ý 3. Trong trí tưởng tượng phong phú, táo bạo của người nghệ sĩ tài hoa, hút nước giống như cái giếng bê tông…. Nó thở và kêu như cửa cống cái bị sặc… Tiếng nước được miêu tả như tiếng một con vật bị bóp cổ đang sặc sụa những tiếng ặc… ặc… Bạn đọc rùng mình vì cảm giác như đang chứng kiến giây phút ngắc ngoải tuyệt vọng của một loài thuỷ quái nào đó. Còn dưới lòng hút nước đã có biết bao cái thuyền bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới. Ngôn ngữ của nhà luyện đan ngôn từ có một sức thôi miên đến kì lạ khiến người đọc vừa ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tráng lệ của thiên nhiên, vừa rùng mình vì sự dữ dội khủng khiếp của nó.

Ý 4. Nhưng sự hung bạo của Đà giang phải kể tới những thác nước hung thần. Con thác đã được miêu tả từ xa, bằng thính giác và sự quan sát tỉ mỉ, chi tiết. Tiếng thác lớn dần, lớn dần, càng gần thác càng điên cuồng gào thét. Chỉ một câu văn mà giúp người đọc hình dung sự biến hoá khôn lường của tiếng thác, như một sinh thể đang rơi vào tình trạng vừa giận dữ, vừa tuyệt vọng, sẵn sàng tráo trở, lật lọng để thoát thân…

– Và bất ngờ cái âm thanh ấy được phóng to hết cỡ, cái nhạc khí bừng bừng của một cơn phấn khích mạnh mẽ đầy man dại. Tiếng nước thác đã được động vật hóa: được ví như tiếng bầy trâu mộng hung dữ đang điên cuồng chạy trốn khỏi rừng lửa. Thậm chí, tác giả đã so sánh âm thanh với hình ảnh, tiếng thác nước với với lửa, so sánh dòng sông với rừng tre nứa đang nổ lửa…

– Ý 5: Thạch trận trên sông:

+ “Đó là cả một chân trời đá”. Đá ở đây rất nhiều và cũng rất đa dạng theo chất lượng hình khối: đá to, đá bé, đá tảng, đá hòn. Mỗi hòn đá mang gương mặt của những chiến binh, “mặt hòn nào trông cũng ngỗ ngược nhăn nhúm” và cũng rất nham hiểm. Không những thế chúng còn tàn ác, xảo quyệt ranh ma. “Hình như sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông”…

Ý 6: Tiểu kết

Tác giả đã dùng ngòi bút trăm màu và cặp mắt trăm con ngươi của mình để có hàng trang những hình ảnh khác nhau mà luôn đặc sắc, vừa có tính trí tuệ, vừa có tính chất tạo hình, vượt xa thủ pháp nhân hóa mà đi vào bản chất sâu xa nhất, độc đáo nhất của sự vật thành những trang viết biến hóa khôn lường. Nói như Đỗ Kim Hồi thì “Nguyễn Tuân đã buộc sự hung tợn mà kì vĩ của sông Đà phải sống dậy, phải hiện hình, phải nổi lên thành hình khối và gào thét lên trong muôn vạn âm thanh”.

TƯ TƯỞNG ĐẤT NƯỚC CỦA NHÂN DÂN

Từ trong lịch sử vhdt, tư ưởng đất nước của nhân dân đã manh nha xuất hiện gắn với những nhà tư­ t­ưởng lớn, những nhà văn lớn của dân tộc. Song phải đến nền văn học hiện đại Việt Nam, tư tưởng này mới đạt đến sự nhận thức sâu sắc, toàn vẹn. Đặc biệt, các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ, tiêu biểu là NKĐ đã phát biểu một cách thấm thía những cảm nhận mới mẻ về đất nước. Trong chương thơ « Đất Nước », có hai câu thơ có thể thâu tóm tư tưởng trung tâm của tác phẩm, cũng là hội tụ mọi xúc cảm của tác giả:

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Nhân dân làm nên tên đất tên làng, danh lam thắng cảnh
Để nói lên công lao to lớn của nhân dân trong quá trình dựng nước và giữ nước, nhà thơ đã nhắc đến những danh lam thắng cảnh, những tên đất tên làng trên đất nước từ Bắc chí Nam và khẳng định : những địa danh ngàn đời của Tổ quốc chính là sự hóa thân của nhân dân- những con người bình dị vô danh

+ Núi Vọng Phu là tên gọi những tảng đá lớn hoặc núi đá trông như hình người đàn bà bồng con gắn với sự tích người vợ ngóng chồng đến hóa đá. Và hòn Trống Mái, một thắng cảnh đẹp ở gần bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) cũng gắn với một truyền thuyết dân gian về tình yêu. Ý thức về đời sómg tình cảm giàu tình nặng nghĩa đã giúp ND ta thổi hồn vào những ngọn núi, dòng sông.

+ Từ truyền thuyết về người anh hùng Thánh Gióng nhổ tre đánh đuổi giặc Ân và sự nghiệp dựng nước đầy gian lao của Vua Hùng, tác giả có cảm nhận độc đáo về trăm ao đầm để lại và cảnh đồi núi trập trùng xung quanh đền Hùng:

+ Những hình ảnh thân thuộc của non sông đất nước gợi lên một quá khứ hào hùng với truyền thống đánh giặc ngoại xâm oanh liệt của cha ông. LS giữ nước gian lao đã đwocj lưu lại ơởnúi sông cây cỏ. Chiêm ngưỡng sự kì thú của núi Bút, non Nghiên tác giả nhận ra trong đó cả một truyền thống hiếu học của dân tộc ta từ bao đời nay. Thiên nhiên đang phô bày vẻ mĩ lệ hay đó là hình tượng những người học trò nghèo gửi gắm vào đấy bao quyết tâm, ước vọng của mình?

+ Như vậy cảnh quan thiên nhiên trên đất nước ta không chỉ là những thắng cảnh thuần túy mà nó gắn liền với lịch sử dân tộc, cuộc sống của nhân dân và trở thành biểu tượng cho số phận và mong muốn, tâm hồn lối sống của dân tộc. Nhân dân đã thổi hồn vào sông núi đất đai, đã soi bóng và hiện diện ở bất cứ nơi nào trên bản đồ Tổ quốc.

Nhân dân làm nên lịch sử oai hùng của 4000 năm đất nước
– Nhưng với NKĐ, người xứng đáng được tôn vinh là những anh hùng vô danh, bình dị. Chính họ đã làm nên lịch sử oai hùng của dân tộc. Nguyễn Khoa Điềm hình dung đất nước này với 4000 năm, gắn liền với 4000 lớp người. Cho nên đất nước Việt Nam được hình dung như là một cuộc chạy tiếp sức của 4000 lớp người để gìn giữ ngọn lửa Việt.

– 4000 thế hệ đã được Nguyễn Khoa Điềm hình dung như là 4000 lớp người tuổi trẻ. Họ là những con người như anh và em hôm nay. Họ là những người vô danh, nhưng đã làm nên lịch sử văn hoá Việt Nam trong suốt 4000 năm qua.

– Lịch sử được Nguyễn Khoa Điềm hình dung bằng tất cả những gì giản dị, gần gũi: hạt lúa, ngọn lửa, tên đất, tên làng trong mỗi quá trình di dân. 4000 lớp người ấy thay nhau giữ và truyền lại cho thế hệ sau. Họ là những anh hùng lao động và cũng là những anh hùng trong chiến đấu.

Nhân dân làm nên văn hóa phong tục
Đất n­ước còn đ­ược cảm nhận trong chiều sâu của văn hóa, lối sống, phong tục, của tâm hồn và tính cách dân tộc. Nhân dân không chỉ là ng­ười sáng tạo lịch sử, tạo dựng nên các giá trị vật chất mà còn là ngư­ời sáng tạo và l­ưu truyền các giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc.

Những con người ấy đã xây dựng nên cả một nền văn minh lúa nước, đã truyền lại cho thế hệ sau mọi giá trị vật chất, tinh thần: từ hạt lúa, ngọn lửa, tiếng nói dân tộc, tên làng, tên xã, gìn giữ những phong tục tập quán. chính những ng­ười vô danh bình dị ấy đã giữ gìn và truyền các giá trị văn hóa, văn minh tinh thần vật chất của Đất nước, dân tộc. Trên ý nghĩa này, nhân dân chính là nnhững người anh hùng văn hoá.

Vậy chủ nhân của Đất Nước là ai?
Câu thơ với hai vế song song đồng đẳng như một định nghĩa về đất nước thật ngắn gọn, giản dị mà độc đáo, sâu sắc, vừa giản dị vừa huyền ảo. Đất Nước của nhân dân là lời khẳng định mạnh mẽ, còn Đất Nước của ca dao thần thoại thì lại là sự cụ thể hóa một cách mềm mại.

Điều đặc sắc là trong kho tàng ca dao dân ca phong phú, Nguyễn Khoa Điềm đã chọn được ba câu có ý nghĩa khái quát những truyền thống đẹp đẽ nhất của tâm hồndân tộc: say đắm trong tình yêu Yêu em từ thuở trong nôi, quí trọng tình nghĩa, trân trọng công sức lao động Biết quí công cầm vàng những ngày lặn lội và cũng thật quyết liệt với kẻ thù Biết trồng tre đợi ngày thành gậy – Đi trả thù mà không sợ dài lâu.

Chất liệu văn học dân gian đã đ­ược tác giả sử dụng vào đoạn thơ một cách linh hoạt và sáng tạo. Không lặp lại hoàn toàn các câu ca dao, dân ca, nhà thơ th­ờng chỉ dùng một hình ảnh hoặc một phần của các câu ca đó để đ­a vào tạo nên câu thơ của mình. Các truyền thuyết và truyện cổ tích cũng đ­ợc sử dụng theo cách gợi nhắc tới bằng một hình ảnh hoặc tên gọi.

III. Kết luận

Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm góp thêm một thành công trong dòng thơ về Đất Nước thời chống Mỹ, làm sâu sắc thêm nhận thức về Nhân dân và Đất Nước. Thành công của Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm còn là việc tạo ra một không khí, một giọng điệu, một không gian nghệ thuật riêng. Đất Nước đưa ta vào thế giới gần gũi, mỹ lệ và bay bổng của ca dao, truyền thuyết ,của văn hóa dân gian nhưng lại mới mẻ, qua cảm nhận và tư duy hiện đại ,qua hình thức thơ tự do. Đó chính là nét đặc sắc thẩm mỹ, thống nhất với tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại” của bài thơ.

Đoạn thơ thể hiện được chỗ mạnh của thơ Nguyễn Khoa Điềm: kết hợp cảm xúc và suy nghĩ, chính luận và trữ tình. Tuy nhiên, nhược điểm của đoạn thơ này cũng khá rõ: chính luận có chỗ còn nặng nề, lấn áp cảm xúc, nhiều ý triển khai còn trùng lặp, dàn trải trong mỗi đoạn chưa thật cô đọng để gây ấn tượng tập trung, thêm nữa nội dung chính luận không phải chỗ nào cũng mới mẻ và sâu sắc.

TÍNH DÂN TỘC TRONG 20 CÂU ĐẦU ”VIỆT BẮC”

“Việt Bắc” được coi là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp, nhưng trước hết là một trong những đỉnh cao của thơ Tố Hữu. Bởi nó không chỉ thể hiện những tình cảm lớn lao của nhà thơ đối với kháng chiến, cách mạng mà nó còn kết tinh trong đó những đặc sắc trong thế giới nghệ thuật của Tố Hữu. Đó là những đặc trưng về chất trữ tình chính trị của thơ THữu, là đặc trưng về tính dân tộc, về màu sắc dân gian trong ngôn ngữ thơ của Tố Hữu.

THữu đã sáng tạo nên một cấu tứ rất độc đáo, cấu tứ từ khúc hát đối đáp trong cuộc chia tay giữa người ở và người về xuôi để từ những khúc hát đối đáp ấy khơi gợi những kniệm về những ngày kháng chiến gian khổ mà vẻ vang, rồi từ những kniệm kia mà dựng lại quá trình trưởng thành của cuộc kháng chiến, dựng lên hình ảnh của nhân dân, của những người chiến sĩ, hình ảnh của Bác, của Đảng. Vì thế ngay từ những câu thơ mở đầu ta đã thấy cuộc trò chuyện tâm tình, những câu hát đối đáp giữa “mình” và “ta” vô cùng tha thiết, mặn nồng. THữu đã sử dụng những cặp từ đối đáp rất quen thuộc trong ca dao, dân ca để cuộc chia tay trở nên đằm thắm như của đôi lứa yêu nhau. Những chữ “mình”, “ta” từ câu thơ mở đầu cho tới những dòng thơ cuối cùng luôn luôn khơi gợi những tình cảm mặn nồng, không bao giờ phai nhạt giữa V Bắc và cách mạng, kháng chiến.

a) 4 CÂU ĐẦU: LỜI NGƯỜI Ở LẠI
Một câu hỏi nhấn vào thời gian (Có nhớ 15 năm ấy), một câu hỏi nhấn vào không gian (có nhớ núi, nhớ nguồn Việt Bắc). Chỉ với hai câu hỏi mà tác giả đã gợi lên được một thời Cách mạng, một vùng Cách mạng. Việt Bắc k chỉ găn với 9 năm đánh Pháp, mà còn gắn với quãng thời gian 15 năm, từ những ngày xuân 1941 khi Bác Hồ chọn Cao Bằng, Việt Bắc làm chiến khu CM. VB k chỉ găn với k gian núi rừng, sông suối, mà còn gắn với không gian nghĩa tình sâu nặng…VB là quê hương, là cội nguồn CM. Nơi đó đã chở che, đùm bọc, cưu mang cho Đảng, Chính phủ và bộ đội trong suốt những năm k/c chống Pháp gian khổ.

Bởi thế, 4 câu đầu đã diễn tả thật xúc động những quyến luyến thiết tha, những băn khoăn trăn trở của người ở lại. Trong cuộc chia tay đặc biệt này, họ chư­a chia xa mà đã nhớ thương vời vợi, chưa cách biệt mà đã khao khát mong chờ.

b) LỜI NGƯỜI RA ĐI: 4 CÂU TIẾP
Câu hỏi của trái tim đã nhận được sự đồng vọng của trái tim Những từ láy “bâng khuâng, bồn chồn, tha thiết” không chỉ tạo nên nhạc điệu câu thơ mà còn cho thấy những xao đọng trong tâm tư của người ra đi. Những lời lẽ thiết tha của người ở lại chi phối cả tâm tư và hành động của người ra đi. Những bước chân đi bồn chồn, những nỗi lòng bâng khuâng xao xuyến cho thấy người đi vẫn đang hướng về người ở lại, chẳng nỡ rời xa.

+Cách ngắt nhịp câu thơ cũng góp phần diễn tả tâm trạng. Câu thơ “Áo chàm đưa buổi phân li” ngắt nhịp 2/4 đã diễn tả được tâm trạng bâng khuâng ngập ngừng khó nói nên lời.

+ Đặc biệt, hình ảnh chiếc áo chàm chia li vừa cổ điển vừa hiện đại, gắn với bản sắc của đồng bào VB. Màu chàm là màu sắc bình dị, đơn sơ, nhưng bền chặt khó phai, như tấm lòng người Việt Bắc vừa chân thành mộc mạc, vừa son sắt, thuỷ chung. Do đó, cuộc chia tay giữa người dân Việt Bắc ở lại và người cán bộ kháng chiến về xuôi cũng bịn rịn nhớ thương nhưng không buồn thương, đẫm lệ, phảng phất phong vị dân gian, cổ điển, nhưng lại mang không khí của thời đại.

Tóm lại, 8 câu thơ đầu tiên, nhà thơ thực sự đi vào lòng người không phải bằng ngôn từ chính trị, mà bằng lời tâm tình dịu êm, đằm thắm, với âm hưởng của những câu ca dao, dân ca ngọt ngào, tha thiết. 8 câu thơ là tâm trạng bịn rịn nhớ thương của ngưòi đi, kẻ ở, lời nhắn gửi thiết tha về ân tình kháng chiến, đồng thời in đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu – ng­ười thi sĩ đã « nâng thơ chính trị lên một trình độ là thơ rất đỗi trữ tình ».

12 CÂU TIẾP : LỜI NGƯỜI Ở LẠI
Mỗi câu của người ở lại đều là những tâm tình da diết, để ngư­ời ra đi mang theo hành trang trĩu nặng ân tình, chất chứa bao nỗi nhớ niềm thư­ơng. 12 câu lục bát cấu tạo thành 6 câu hỏi khơi sâu vào kỉ niệm:

– Nhìn thoáng qua, các câu thơ đều sử dụng phép điệp cấu trúc với cụm từ: Mình đi, mình về đứng đầu mỗi cặp câu thơ. Hai từ đi về, vốn ng­ược chiều trái hư­ớng, tưởng như chia đều cho người đi kẻ ở. Nhưng đọc kĩ, hoá ra “Đi”, “Về” đều đồng nhất một ph­ương, và chỉ để nói người ra đi…Phải chăng niềm tin yêu của ngư­ời ở lại đã thổi vào câu chữ, tạo nên ý ở ngoài lời: khi nói họ đi, nghĩa là thủ đô gió ngàn là quê hương, thì khi nói họ về, thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình lại là quê hương của họ. Nói cách khác, Việt Bắc đã trở thành quê h­ương thứ hai của ngư­ời cán bộ CM.

– 12 câu thơ là 6 câu hỏi tu từ, mỗi câu hỏi đều gợi lại những gì tiêu biểu nhất của Việt Bắc. Đó là những hình ảnh dữ dội mà gợi cảm: M­ưa nguồn, suối lũ, mây mù,…; chân thực mà thơ mộng; “Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son”; những câu thơ có khả năng diễn tả những khái niệm trừu t­ượng thành hình ảnh đầy cảm giác sống động: “miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai”….

– Nếu sa vào cái gọi là “liệt kê kỉ niệm” câu thơ sẽ trôi tuột đi, không thể l­ưu đọng lại trong lòng ngư­ời đọc. Cái làm nên chất thơ của đoạn thơ này chính là nghệ thuật tiểu đối đ­ược sử dụng với tần số cao trong các câu thơ. Nó không chỉ có khả năng biểu đạt nỗi lòng sâu kín bồi hồi của ngư­ời đi kẻ ở, mà còn tạo ra sự tương xứng về cấu trúc, vẻ đẹp nhịp nhàng, ngân nga, trầm bổng réo rắt của ngôn từ.

– Đặc biệt câu cuối với điệp từ “mình” và nghệ thuật tách từ, đảo từ để lại ấn tượng riêng bởi sự tinh tế, hàm súc:

“Mình đi mình có nhớ mình

Tân Trào Hồng Thái mái đình cây đa”

+ Đại từ “mình”, “ta” vốn đư­ợc sử dụng trong đối đáp thơ ca dân gian nay đ­ược Tố Hữu sử dụng đầy biến ảo: Khi mình là Ta, khi “ta” là “mình”, cái ngầm ý hai ta là một đã rõ. Nh­ưng ở đây một câu lục mà tới ba lần lặp lại chữ mình: “Mình đi, mình có” là chỉ ng­ười về, “nhớ mình” là chỉ ng­ười ở. Câu hỏi đầy ý nhị mà sâu kín: Mình quên “ta” cũng là quên chính “mình” đó.

+ Câu thơ còn có sự tổ chức ngôn từ đặc biệt: “Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào” đư­ợc viết thành: “Tân Trào Hồng Thái mái đình cây đa”. “Mái đình cây đa” là hình ảnh chung nhất về quê hương bản quán của người Vịêt, trong khi Tân Trào, Hồng Thái là những địa danh LS, gắn với núi rừng VB. Phải chăng, với cách tách từ độc đáo, nhà thơ đã khéo léo chuyển hoá nỗi nhớ chiến khu thành nỗi nhớ quê hương, gia đình, gắn tình cảm cách mạng của thời đại với tình cảm yêu quê hương đất nước truyền thống của con người VN. Có người nói, “trong thơ Tố Hữu, cái riêng, cái chung như­ không còn ranh giới, cái cũ cái mới lồng vào nhau”, có thể nói đây là câu thơ tiêu biểu nhất.

ĐÁNH GIÁ CHUNG

Tố Hữu được mệnh danh là “Ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng, nhà thơ của lý tưởng cộng sản”. Bài thơ “Việt Bắc” đư­ợc coi là khúc hát ân tình của ngư­ời kháng chiến đối với quê h­ương cách mạng, trong đó, nhà thơ đã « nâng thơ chính trị lên một trình độ là thơ rất đỗi trữ tình ».

Tiếng thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu đã m­ượn đ­ược hình thức cấu tứ giã bạn, kết cấu theo lối đối đáp giao duyên và thể loại lục bát đậm đà tính dân tộc. Nhờ vậy Tố Hữu đã thơ hoá sự kiện chính trị lớn lao, hệ trọng. Những câu thơ cân xứng trầm bổng, ngọt ngào vừa thể hiện đ­ược tình cảm đối với cách mạng, vừa khơi rất sâu vào cội nguồn dân tộc: truyền thống ân nghĩa, thủy chung. Việt Bắc đã đạt tới tính dân tộc, tính đại chúng. Đó là sức sống tr­ường tồn của bài thơ.

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular