fbpx
Friday, April 19, 2024
HomeTin tuyển sinhBộ Giáo dục cần đưa ra nhiều phương án trong kỳ thi...

Bộ Giáo dục cần đưa ra nhiều phương án trong kỳ thi THPT quốc gia 2020

Đó là quan điểm của TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam khi nói về các phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cần có nhiều phương án đặt ra đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 dựa trên tình hình thực tế. Nhưng vào thời điểm này, theo TS Khuyến, chưa nên vội nói chuyện bỏ thi, dẫn tới tâm lý học sinh buông không học.

“Tôi tin cơ quan quản lý nhà nước sẽ có tính toán phù hợp, vì vậy, người học phải quyết tâm học,không nên thụ động ngồi chờ khi nào bỏ thi” – TS Khuyến nói.

TS Lê Viết Khuyến cho biết thêm, ở một số nước bỏ kỳ thi THPT quốc gia và giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp, bởi họ có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông rất tốt, còn ở ta bệnh thành tích nặng, để địa phương tự quyết định sợ không đảm bảo công bằng, dễ phát sinh tiêu cực.

Trong tình huống có thể ta vẫn nên giữ kỳ thi THPT quốc gia. Trong trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh vẫn kéo dài, biện pháp cách ly xã hội còn chưa được dỡ bỏ nên thí sinh không thể đến điểm thi, thì mới nên thay thế thi bằng một  phương án công nhận tốt nghiệp phù hợp.

“Vẫn có thể tổ chức thi THPT quốc gia nhưng năm nay đề thi nên giảm mạnh phần câu hỏi nâng cao, chỉ tập trung thi các nội dung cơ bản. Các nội dung học kỳ II không học thì không đưa vào đề thi.Học sinh học được đến đâu thi đến đó” – TS Khuyến gợi ý.

Trong thời điểm học sinh vẫn đang nghỉ học như hiện nay, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, gia đình và xã hội cần cố gắng động viên các em để dù dịch phải nghỉ đến trường nhưng học sinh không nghỉ học; các địa phương cũng cần quan tâm để chọn giải pháp phù hợp, đảm bảo việc dạy học từ xa.

Nếu thấy dạy qua internet không hiệu quả thì phải chuyển sang dạy trên truyền hình. Bộ GDĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông phải khẩn trương đưa các chương trình của tất cả các cấp học phổ thông lên mạng lưới truyền hình của cả nước, như đã cam kết.

Nhận định, nếu không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì việc tuyển sinh sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng do phần đa các trường lâu nay vẫn tham khảo kết quả của kỳ thi để xét tuyển.

Tuy nhiên, TS. Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, Luật Giáo dục đại học quy định việc tuyển sinh là quyền của các trường đại học. Các trường có thể tổ chức thi hoặc chỉ dựa vào xét tuyển, hoặc kết hợp thi và xét tuyển… Năm nay Trường Đại học Bách Khoa đã tiên phong trong việc tổ chức thi riêng. Trong các năm trước đây nhiều trường đã áp dụng phương án xét tuyển để tuyển sinh.

Học sinh lo lắng

Dành suốt những năm THPT để học và ôn tập theo định hướng của kỳ thi THPT quốc gia, đến giai đoạn nước rút này, mặc dù không đến trường nhưng chưa ngày nào em Nguyễn Hà Thu, Trường THPT Yên Lạc 2 (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) ngừng việc học và ôn tập.

Em bày tỏ, em muốn thi tốt nghiệp rồi xét tuyển vào đại học vì em lo nếu mỗi trường thi riêng thì đề sẽ khó, không loại trừ nội dung đã tinh giản. Ngoài ra, việc đi thi đại học sẽ vất vả hơn thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, thi mới công bằng được, xét tốt nghiệp thì đáng lo về sự chính xác khách quan.

Em Nguyễn Hà Phương, Trường THPT Lương Phú (Phú Bình, Thái Nguyên) cho biết, nguyện vọng lớn nhất của em là Bộ GDĐT sẽ vẫn giữ nguyên kì thi THPT quốc gia.

Theo em, nếu xét công nhận tốt nghiệp có thể sẽ trút được một phần gánh nặng, nhưng chắc chắn chất lượng sẽ không đảm bảo. Vì tỉ lệ đạt sẽ rất cao, chỉ thuận lợi cho những bạn không thi đại học. Còn những người có mong muốn thi đại học như em sẽ là bất lợi.

“Từ lớp 10 đến giờ em đều được dạy và học theo phương pháp phù hợp với kì thi THPTQG (trắc nghiệm). Nếu giờ mà huỷ, các trường đại học tự xét tuyển riêng, có khả năng quy chế và cách thức thi sẽ khác, đề cũng khó hơn rất nhiều” –  Phương chia sẻ.

Cũng theo Nguyễn Hà Phương, trong khi tình trạng dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp có thể coi việc bỏ kì thi là trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng Phương tin rằng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để kỳ thi THPT quốc gia diễn ra thuận lợi đúng như kế hoạch mà Bộ GDĐT đã đề ra và đúng như mong muốn của em.

Đồng quan điểm về việc nên thi tốt nghiệp, em Trịnh Thị Hà Giang (Tp. HCM) cho rằng, thi sẽ công bằng hơn cho tất cả. “Vì nếu xét tốt nghiệp em chắc chắn 100% các trường trên cả nước sẽ nâng điểm cho học sinh”.

Theo Dantri

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular