fbpx
Saturday, April 20, 2024
HomeTin tuyển sinhBộ GD&ĐT lý giải điểm chuẩn có ngành lên tới 30 điểm

Bộ GD&ĐT lý giải điểm chuẩn có ngành lên tới 30 điểm

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, ngành học lấy điểm chuẩn 30 do chỉ tiêu ít trong khi điểm thi năm nay cao.

Sau khi ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội – công bố điểm chuẩn, nhiều người bất ngờ khi điểm trúng tuyển ngành Hàn Quốc học theo tổ hợp Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý lên đến 30 điểm.

Trao đổi với Zing về hiện tượng 30 điểm mới đỗ đại học này, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm trúng tuyển vào một ngành có thể cao hoặc rất cao.

Theo bà Thủy, điểm chuẩn lên đến 30 do ngành có chỉ tiêu tuyển sinh ít hoặc rất ít. Trong khi đó, thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành lại đông. Ngoài ra, một phần chỉ tiêu được dành cho các phương thức tuyển sinh khác.

Vụ trưởng Giáo dục Đại học nói thêm mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chủ yếu là phục vụ công tác xét tốt nghiệp, đồng thời với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, đề thi có yêu cầu thấp hơn năm 2019. Do vậy, điểm mặt bằng chung của thí sinh cao hơn.

Thực tế, điểm chuẩn của các trường tốp trên và tốp giữa năm nay cao hơn năm ngoái ở phần lớn khối xét tuyển.

Ngoài ngành Hàn Quốc học của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, ngành Đông Phương học của trường này cũng lấy đến 29,75 điểm cho khối C.

Điểm trúng tuyển theo tổ hợp Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý của ngành Luật Kinh tế, ĐH Luật Hà Nội, là 29 điểm, ngành Luật của ĐH Kiểm sát Hà Nội là 29,67 điểm.

Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin: Khoa học máy tính (IT1) của ĐH Bách khoa Hà Nội cũng lên đến 29,04 điểm, tăng 1,62 điểm so với năm ngoái.

Cùng với điểm chuẩn tăng, nhiều thí sinh đạt 26, thậm chí trên 27 điểm vẫn không trúng tuyển nguyện vọng nào.

Với những trường hợp này, bà Nguyễn Thu Thủy cho hay theo quy chế, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng. Bộ thường xuyên khuyến cáo, truyền thông để các em thí sinh lưu ý khi đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT.

Tuy nhiên, một số thí sinh chỉ đăng ký một hoặc rất ít nguyện vọng hay chỉ đăng ký vào các ngành, trường thuộc tốp đầu, mức độ cạnh tranh rất lớn.

Về nguyên tắc, các trường xét tuyển theo điểm thi từ cao đến thấp (không phân biệt thứ tự nguyện vọng của thí sinh, trừ các thí sinh có cùng điểm thi ở cuối danh sách).

Do giới hạn về chỉ tiêu tuyển sinh, việc thí sinh có điểm thi thấp hơn các thí sinh khác không trúng tuyển là việc có thể xảy ra dù thí sinh có điểm thi cao hoặc rất cao.

Bà Thủy nói thêm những em điểm cao nhưng chưa đỗ đại học nên lưu ý chỉ tiêu, mức điểm, thời gian nhận hồ sơ của các trường có xét tuyển bổ sung để có cơ hội vào đại học.

“Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường nói chung, đặc biệt các trường thuộc tốp đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu nên tuyển bổ sung các đợt sau. Các trường tạo điều kiện cho thí sinh có điểm thi THPT tốt nhưng chưa đỗ theo kết quả xét tuyển đợt 1. Ngoài ra, thí sinh còn cơ hội tuyển sinh vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế”, bà Thủy nói.

Theo Zing

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular