fbpx
Wednesday, April 24, 2024
HomeTài liệu luyện thiMôn VănBình giảng bài thơ "Tống biệt hành" (Thâm Tâm)

Bình giảng bài thơ “Tống biệt hành” (Thâm Tâm)

Đề bài: Bình gỉảng bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm.

Bài làm

Thâm Tâm làm bài thơ “Tống biệt hành” để tiễn một người bạn ra đi vì nghĩa lớn. Trong hoàn qảnh lúc bấy giờ, đất nước bị thực dân Pháp thống trị, người làm thơ không thể nói rõ tâm trạng thật của mình mà phải dùng cách nói lấp lửng. Tuy vậy, người đọc vẫn cảm nhận và thấu hiểu được không khí và ý nghĩa của toàn bài. Qua bài thơ, tác giả đã kín đáo gửi lòng yêu nước vào tình cảm yêu mến và ngưỡng vọng đối với người chiến sĩ Cách mạng dám hi sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Trước hết là nhan đề bài thơ. “Tống biệt hành ” là tiễn đưa. Hành là một thể thơ cổ điển của Trung Quốc vừa trữ tình vừa tự sự, tương đối tự do, không theo niêm luật chặt chẽ như thơ Đường (Tì bà hành). “Tống biệt hành” nói chuyện tiễn đưa.

Bốn câu thơ mở đầu thể hiện tâm trạng của người đưa tiễn:

Đưa người, ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Câu đầu toàn thanh bằng tạo nên không khí bâng khuâng xao xuyến. Ở câu thứ hai nói lên mấy thanh trắc tưởng như có tiếng sóng thật trong lòng và nghe trong tiếng sóng như có cả hơi lạnh của gió sông.

Tiễn đưa một người mà dùng chữ tống biệt, nghe mang máng dư âm ngàn xưa. Cho nên cuộc tiễn đưa cũng có khí vị xưa trong cách xưng hô ta với người và trong âm vang của từ không: “Đưa người, ta không đưa qua sông”; “Bóng chiều không thẳm không vàng vọt “… Trong cái nền không ấy lại nổi lên cái có: “có tiếng sóng ở trong lòng “, có “đầy hoàng hôn trong mắt trong”.

Dòng sông, bến đò được người xưa sử dụng như là một biểu tượng của chia li. Ở đây, cuộc chia tay không diễn ra nơi bến sông nên không có sóng làm tác nhân gợi nỗi buồn li biệt, nhưng vẫn có tiếng sóng ở trong lòng”. Sự ra đi của một con người dám trả lời không cho cả cuộc đời bình an, đó là khí phách, là dám đánh đổi cuộc sống bình yên lấy gian khổ, hi sinh, người tiễn đưa làm sao không nổi sóng trong lòng, những con sóng âm thầm không thành tiếng, sóng cảm phục, sóng thương yêu.

Buổi chiều chia tay cũng bình thường như bao chiều khác, không có gì đặc biệt: “Bóng chiều không thắm không vàng vọt ” nhưng ánh hoàng hôn lại đọng đầy trong mắt kẻ ra đi. Hoàng hôn trong mắt là buồn và lo. Ra đi dù đã quyết trong lòng nhưng cũng không khỏi buồn và lo, nhất là lo cho người ở lại.

Khổ thơ đượm một nỗi buồn nhưng là nỗi buồn lành mạnh và chính đáng của con người. Để thể hiện nỗi buồn này, Thâm Tâm đã sử dụng những hình ảnh đẹp phảng phất hương vị cổ điển nhưng vẫn có phần sáng tạo riêng của mình (sóng lòng, hoàng hôn trong mắt…) và từ ngữ giàu khả năng gợi tả. Bên cạnh đó là nghệ thuật phối hợp âm thanh cũng như đặt lời thơ trong âm điệu nghi vấn: sao cố tiếng sóng, sao đầy hoàng hôn… để tạo cảm giác xao xuyến, bồi hồi trong buổi chia li. Đây là đoạn thơ hay và đẹp của bài thơ.

Vậy người ra đi là người nào?

Cả bài thơ có bảy lần lặp lại từ người: đưa người, đưa người, đưa người, người buồn, người buồn, người đi, người đi nhưng vẫn chưa giúp ta hiểu gì về người đó. Con người không tên tuổi, con người đang ẩn mình ấy lại là chủ thể trữ tình trong bài thơ. Con người mà vào thời điểm gần kề Cách mạng tháng Tám ấy được nhà thơ tặng cho một âm điệu có vang vọng hơi hướng tráng sĩ là “Tống biệt hành”:

“Li khách! Li khách! Con đường nhỏ

Chí nhớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại

Ba năm mẹ già cũng đừng mong!”

Li khách là cách gọi người đi với thái độ trân trọng. Con đường nhỏ là con đường mới mở, gập gềnh, đầy nguy hiểm, nhưng đi vào đó là đi theo chí nhớn. Mà chí nhớn ; bấy giờ là đi theo cách mạng đánh Nhật đuổi Tây, giành lại độc lập cho nước nhà. Nó đang chờ mong, đang giục gọi. Mà đi lần này thì nhất quyết không về với hai bàn tay không, thậm chí một đi là không trở lại.

Như thế là đã rõ. Con người này ra đi cứu nước, cứu dân. Xông pha vào con đường ấy là cầm chắc tù đày, chết chóc. Và người đó đã tự trả lời mình bằng bao chữ không: không bịn rịn gia đình, là dửng dưng, nhằm vào con đường nhỏ kia mà đi, mà làm li khách, không xong chí nhớn thì không nói trở lại quê nhà, dù ba năm mẹ già cũng đừng mong. Từ chối tất cả để góp công sức vào sự nghiệp cứu nước. Không nói đến hi sinh nhưng thực tế là đã hi sinh, đã nhất quyết cắt bỏ bao nhiêu thiết tha quyến luyến trong con người mình.

Lẽ ra, người ở lại phải cứng lòng hơn mới xứng đáng với chí khí dù là thầm lặng của người đi, bởi bản thân con người ấy đã từ giã gia đình mà vẫn giữ thái độ dửng dưng. Nhưng đâu dễ cho người đưa tiễn vượt qua những cảm xúc thường tình của phút biệt li. Tuy vậy, khi đã rõ người đi là ai, chí hướng và khí tiết đặt vào đâu thì người đưa tiễn như ẩn mình để cho người ra đi hiện lên với những nét bản lĩnh: bàn tay không thì không bao giờ nói trở lại. Và xót đau cắn răng mà lạy mẹ già, dù ba năm hay dù bao năm cũng đừng mong, hãy coi như con đã chết.

Còn với chị em trong gia đình thì tình cảm của người đi ra sao?

“Ta biết người buồn chiều hôm trước,

Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,

Một chị, hai chị cũng như sen,

Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.

Ta biết người buồn sáng hôm nay,

Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,

Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…”

Chiều hôm trước, người buồn, ta biết. Sáng hôm nay, người buồn, ta biết. Chia tay vào cuối mùa hạ, trong ao lác đác mấy đóa sen nở muộn. Người đi ước mong hai chị mình cũng tươi thơm bền vững như sen. Hai chị khuyên em dòng lệ sót. Buổi sáng tiễn đưa, giời chưa mùa thu tươi lắm thay. Em nhỏ nhìn anh với đôi mắt biếc mà lặng thầm cuộn tròn thương tiếc trong chiếc khăn tay. Người ra đi chí lớn, quyết tâm; với gia đình không chỉ một mực dửng dưng mà vẫn gửi lại cho mẹ, cho các chị, cho em những tình cảm tha thiết nhất, dù cố nén vào trong.

Và tất cả dồn lại, kết tinh lại thành mấy hình ảnh giản đơn mà vô hạn thấm thía ở cuối bài:

“Mẹ thà coi như chiếc lá bay,

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu say”.

Người ra đi thực rồi, mọi điều quyến luyến vấn vương coi như chấm dứt. Người ra đi sẽ nhẹ mình, người ở lại cũng sẽ nhẹ lòng. Cấu trúc ba câu thơ lặp lại cùng một điệu buông xuôi, đã rồi, gần như bất đắc dĩ, không thể khác được: thà coi như; thà coi như, thà coi như… tưởng như là tiếng khóc oà mà cố giữ để không bật lên thành tiếng.

Chiếc lá vàng bay vèo rơi vào khoảng không mất tăm. Hạt bụi li ti, hơi rượu say chốc lát rồi qua. Tất cả đều coi như không có gì đáng kể. Con người là quý nhất. Nhưng hi sinh cứu nước thì càng quý gấp bao lần. Vậy mà người ra đi coi mình là không đáng kể. Không phải coi nhẹ mình mà là để an ủi người thân và khẳng định thêm quyết tâm ra đi.

Bài thơ chấm dứt trong âm điệu trầm lặng. Lời lẽ có chỗ gợi lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ, nhưng cái bâng khuâng khó hiểu của thời đại như nhận xét của Hoài Thanh thì đến nay ta đã thấu hiểu. Đó là bước dấn thân của tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ, tuy không qua sông mà đủ thứ tiếng sóng trong lòng phải át đi để bước tới, hoà nhập vào dòng người của Cách mạng tháng Tám sục sôi.

Comments

comments

RELATED ARTICLES

Most Popular